.

Xây nhà xưởng trên đất quốc phòng

.

Thời gian gần đây, tại vệt đất dọc Nhà máy nước Sân bay Đà Nẵng nằm ở mặt đường Trường Chinh diễn ra hoạt động xây dựng khá rầm rộ. Bờ tường rào bao bọc bị cắt xén, hàng loạt nhà xưởng kinh doanh vật liệu xây dựng liên tục “mọc lên” và hoạt động nhộn nhịp. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại cho rằng, do khu này là đất quốc phòng nên không thể kiểm tra, ngăn chặn hoạt động xây dựng được (!?).

Công nhân vận chuyển vật liệu để xây dựng nhà xưởng. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Công nhân vận chuyển vật liệu để xây dựng nhà xưởng. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Qua phản ánh của người dân, trong hai ngày 10 và 11-4, phóng viên đến khu vực Nhà máy nước Sân bay Đà Nẵng, thấy hoạt động xây dựng diễn ra khá rầm rộ. Ở góc tường rào tiếp giáp với địa bàn phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) có hai nhà xưởng quy mô rộng hơn 500m2 đang được tiến hành xây dựng. Trong hai ngày 10 và 11-4, công nhân liên tục tập kết vật liệu về đây để xây dựng, lắp ghép nhà xưởng bằng thép rộng hàng trăm mét vuông.

Cách đó không xa, cũng có một công trình rộng khoảng 500m2 đang được xây dựng ngay trong bức tường bảo vệ sân bay. Các nhà xưởng đã thi công xong và công nhân đang tiến hành lắp đặt khung sắt, mái tôn. Còn ở gần trụ sở Nhà máy nước, một mảng tường lớn bị đập phá, các loại xe tải chở vật liệu ra vào liên tục.

Theo quan sát, vệt đất này có chiều sâu khoảng gần 30m chạy dọc theo tường rào bảo vệ sân bay dài hơn 1 km (bắt đầu từ số nhà 555 đến số nhà 557 Trường Chinh, sở dĩ hai số nhà 555 và 557 Trường Chinh cách nhau đến hơn 1 km do đây là khu vực đất trống có Nhà máy nước sân bay Đà Nẵng tọa lạc, chứ không phải khu dân cư).

Sau khi được chia lô khu đất này “mọc lên” các cơ sở sản xuất, kinh doanh như: kho đá Đông Ấn, xưởng Cơ khí Trường Minh, cơ sở đá tự nhiên TNS, Công ty CP Đá Granite Quang Phổ… Riêng tường bảo vệ sân bay đã bị cắt xén nhiều đoạn, để lộ mặt tiền của các cơ sở sản xuất, kinh doanh này. Ước tính tổng diện tích đất đã được phân lô lên đến vài héc-ta.

Ông Phan Văn Thái, Chủ tịch UBND phường An Khê (quận Thanh Khê) cho biết, thời gian qua thấy việc xây dựng rầm rộ, hình thành cả một khu thương mại - dịch vụ, thế nhưng phường An Khê không thể xử lý bởi khu vực này không thuộc quản lý của phường. Tuy nhiên, trước thực trạng trên, UBND phường An Khê đã báo cáo lên UBND quận Thanh Khê.

Tìm hiểu ở UBND quận Cẩm Lệ, phóng viên được biết vệt đất ở mặt đường Trường Chinh thuộc sự quản lý của UBND quận Hải Châu. Sáng 11-4, ông Phan Văn Minh, cán bộ địa chính - xây dựng UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) cho biết, khu vực đất xây dựng các nhà xưởng tư nhân ở mặt đường Trường Chinh thuộc địa bàn UBND phường Hòa Thuận Tây và đây là đất do Sư đoàn Không quân 372 quản lý.

Theo ông Minh, vừa qua, Thanh tra Sở Xây dựng mời đại diện UBND phường Hòa Thuận Tây đến hiện trường kiểm tra các công trình nhà xưởng xây dựng ở khu vực nói trên. Nhưng khi kiểm tra, đoàn hỏi giấy phép xây dựng thì những người có mặt trong nhà xưởng né tránh, nói đây là khu vực đất quốc phòng. Cuối cùng đoàn kiểm tra lập danh sách số lượng nhà xưởng, cơ sở sản xuất rồi ra về.

Trước thông tin trên, ông Đặng Công Tâm, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây yêu cầu ông Phan Văn Minh làm báo cáo ngay về tình trạng xây dựng không phép ở khu vực đất xung quanh Nhà máy nước Sân bay và gửi UBND quận Hải Châu; đồng thời tổ chức lực lượng đến hiện trường kiểm tra, xử lý.  

Theo UBND phường Hòa Thuận Tây, đất quốc phòng ở địa bàn phường quản lý có tổng diện tích 745ha, chiếm 88,35% tổng diện tích đất tự nhiên của phường. Sau khi khu vực đất Nhà máy nước Sân bay Đà Nẵng được phân lô đã hình thành nên một “ốc đảo” nằm tách biệt với các khu dân cư ở phường Hòa Thọ Tây. Theo ông Đặng Công Tâm, Chủ tịch UBND phường, cán bộ phường muốn đến khu vực này kiểm tra thì phải đi vòng sang phía quận Cẩm Lệ hoặc phải đi bọc qua địa bàn quận Thanh Khê, nên gặp không ít khó khăn trong công tác kiểm tra, quản lý.

NGỌC ĐOAN - SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.