Sơn Trà được bảo vệ, kiểm soát bằng cơ chế đặc biệt

.

ĐNĐT - Việc phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà cần hài hòa với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học là vấn đề được đặt ra trong tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà”, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức tại Hà Nội sáng 30-5.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, tọa đàm được tổ chức với tinh thần cầu thị, lắng nghe, cởi mở, khách quan và khoa học.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, tọa đàm được tổ chức với tinh thần cầu thị, lắng nghe, cởi mở, khách quan và khoa học. Ảnh: THU HÀ

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì tọa đàm. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn; đại diện các bộ, ngành, cùng các nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và liên quan.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đã được lập, trình phê duyệt theo đúng pháp luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền (quy hoạch đã được phê duyệt vào cuối năm 2016, công bố vào đầu năm 2017). Trong suốt quá trình lập quy hoạch, Bộ VH-TT&DL đã triển khai một cách khoa học, khách quan, phối hợp chặt chẽ với thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, thời gian qua, có một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng mới trên bán đảo Sơn Trà. Các ý kiến này cần được xem xét thấu đáo. Vì vậy, tọa đàm được tổ chức để lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, cởi mở, khách quan và khoa học.

Bảo tồn đi đôi với phát triển

Theo đại diện Bộ VH-TT&DL, bán đảo Sơn Trà có diện tích tự nhiên 4.439ha, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Với tài nguyên du lịch quý giá, vị trí chiến lược nằm gần cảng Tiên Sa, điểm cuối Hành lang kinh tế Đông - Tây, bán đảo Sơn Trà trở thành điểm nóng thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Chỉ từ năm 2010-2013, lượng khách du lịch đến Sơn Trà tăng từ 161.000 lượt lên 507.000 lượt. Trước thời điểm tiến hành lập quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, tại đây có 18 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, trong đó có 11 dự án đầu tư lưu trú với quy mô 5.049 phòng. Trong quá trình lập quy hoạch Sơn Trà, vấn đề bảo tồn và phát triển đã được đặt ra, đòi hỏi phải giải quyết thấu đáo. Trong đó, hội đồng thẩm định đã yêu cầu xem xét giảm quy mô phòng lưu trú xuống còn 1.600 phòng.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đề nghị rà soát lại toàn bộ tài nguyên môi trường tại bán đảo và cần có cái nhìn khách quan, khoa học; nên giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở bán đảo Sơn Trà. Ông Vinh lý giải, hiện Đà Nẵng có khoảng 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, hoàn toàn có khả năng đón 15 triệu lượt du khách mỗi năm (năm 2016 chỉ mới đón hơn 5,5 triệu lượt du khách). Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan, giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách; hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm; hợp nhất khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà và vùng biển xung quanh để hình thành khu dự trữ sinh quyển quốc tế mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm, bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước...

Bán đảo Sơn Trà có hệ thống sinh thái đa dạng nên việc phát triển cần đi đôi với bảo tồn, đa dạng sinh học.  		                   Ảnh: LÊ HẢI SƠN
Bán đảo Sơn Trà có hệ thống sinh thái đa dạng nên việc phát triển cần đi đôi với bảo tồn, đa dạng sinh học. Ảnh: LÊ HẢI SƠN

Đại diện Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, các ý kiến tại tọa đàm được xem xét một cách thấu đáo. Trong quá trình triển khai quy hoạch chung, sẽ nghiên cứu lồng ghép một cách phù hợp; phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa - tâm linh. Việc quy hoạch, phát triển tại bán đảo Sơn Trà theo hướng bền vững, bảo đảm phương châm bảo tồn đi đôi với phát triển, phát triển để phát huy bảo tồn. Do đó, bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ và kiểm soát bằng một cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa quốc phòng - an ninh, bảo tồn và phát triển... Đại diện UBND thành phố cũng cho rằng, quy hoạch du lịch xác định quy mô 1.600 buồng phòng khách sạn đến năm 2030 tại bán đảo Sơn Trà là phù hợp.

Phát triển nhưng “không can thiệp thô bạo”

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đồng tình với quan điểm phát triển du lịch phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để bảo đảm tính bền vững. Ông Lương cho rằng, nên có các chuyên gia nghiên cứu một cách độc lập, xác định những vấn đề đặt ra từ góc độ bảo tồn, quy mô phát triển..., từ đó đưa ra những kiến nghị phù hợp với thực tế. “Vi phạm cảnh quan hay không nằm ở các dự án chứ không phải ở quy hoạch. Dự án Biển Tiên Sa có lỗi hay không thì phải sau khi hoàn thành mới biết. Tôi tin rằng cảnh quan tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư nên họ không thể làm xấu được”, ông Lương nói.

Nhiều chuyên gia đồng tình cần khai thác du lịch bán đảo Sơn Trà thay vì giữ nguyên như hiện nay. Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nếu giữ nguyên hiện trạng và cấm không cho khai thác là không ổn nhưng không được can thiệp thô bạo.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận xét: Mục đích tạo điểm tham quan nghỉ dưỡng cho khách du lịch là đúng, nhưng vấn đề là đặt dự án vào chỗ nào và làm như thế nào để không ảnh hưởng môi trường cảnh quan. Theo ông, để giữ vững môi trường, cần có những quy định chặt chẽ, chọn những nơi môi trường không tổn thương nhất và đưa các dự án vào đó, thay vì chọn những vị trí đẹp, có nhiều lợi thế. Cần rà soát lại tất cả dự án đã được cấp phép, phải bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, có sự giám sát chặt chẽ ngay từ khi mới xây dựng các dự án. Dự án nào vi phạm thì cần xóa tên, không cho làm, có như vậy những người làm du lịch mới yên tâm.

Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, các ý kiến tại tọa đàm rất thiết thực cho những nhà quản lý và những người làm quy hoạch, phản biện quy hoạch. Chiều 28-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao nhiệm vụ cho Bộ VH-TT&DL tổ chức các cuộc tọa đàm có sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý để lấy ý kiến một cách nghiêm túc, khách quan, đa chiều, từ đó có các bước tiếp theo phù hợp.

Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc tọa đàm tại Đà Nẵng. Từ kết quả các cuộc tọa đàm, hội nghị, các bước tiếp theo sẽ được thực hiện theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Tổng cục Du lịch và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp rà soát việc điều chỉnh số phòng lưu trú ở Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo về các số liệu liên quan đến rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh, khu bảo tồn, bảo tồn đa dạng sinh học...

* Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

Vừa khai thác, vừa bảo vệ

Cảnh quan Sơn Trà tuyệt vời, nằm bên cạnh thành phố lớn, có núi, có biển là điều mà không phải đô thị nào cũng có. Vì vậy, có thể vừa khai thác, vừa bảo vệ, không thể can thiệp một cách thô bạo. Không có gì phải cấm, vấn đề là cách triển khai quy hoạch như thế nào. Cần rà soát lại các quy hoạch và xem xét lại nhu cầu đầu tư của từng dự án. Chúng ta có thể làm cảnh quan đẹp hơn mà không tàn phá thiên nhiên, cái chính là cần có những người quản lý tốt và những người đầu tư thông minh tại Sơn Trà.

* Ông Võ Thanh Sơn, Viện Tài nguyên môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên

Cần nhấn mạnh sự phát triển hài hòa giữa môi trường và cân bằng xã hội. Phát triển du lịch phải dựa trên tài nguyên du lịch đem lại lợi nhuận và phải duy trì các tài nguyên đó, bảo tồn đa dạng sinh học trong đó có loài voọc chà vá chân nâu. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học đó, đồng thời xây dựng được các thương hiệu du lịch xanh.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.