ĐNĐT - Ngày 23-5, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIV, Trưởng Đoàn đại biểu QH đơn vị Đà Nẵng, Bí thư Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thanh Quang tham gia thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2018.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang |
Về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Quang cơ bản thống nhất với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH; đồng thời, nêu một số vấn đề cụ thể. Thứ nhất, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị lùi thời gian trình 4 dự án luật và UBTVQH cũng đã ban hành nghị quyết thống nhất với đề nghị này. Trong đó, đối với Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, UBTVQH ban hành nghị quyết lùi thời gian cho ý kiến từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Quang đề nghị các cơ quan trình dự án luật cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong quá trình chuẩn bị dự án luật để trình QH theo đúng nghị quyết mà QH cũng như UBTVQH đã thông qua; tránh tình trạng đến sát thời gian diễn ra kỳ họp lại đề nghị cho lùi thời gian trình hoặc rút ra khỏi Chương trình. Điều này làm giảm hiệu lực của các nghị quyết của QH và UBTVQH. Trường hợp không thực hiện đúng theo nghị quyết của QH, nghị quyết của UBTVQH, đề nghị có chế tài xử lý trách nhiệm rõ ràng.
Đối với dự án Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, UBTVQH đồng ý cho rút ra khỏi chương trình năm 2017 nhưng không xác định được thời điểm cụ thể sẽ trình QH.
ĐB Nguyễn Thanh Quang đề nghị cần xác định thời gian trình QH đối với 2 dự án luật này, hoặc đưa vào chương trình năm 2018 nếu chậm lắm thì đưa vào chương trình năm 2019. Bởi lẽ, trước đây, khi Chính phủ trình và QH quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 thì cũng đã nghiên cứu tính cấp thiết cần xem xét ban hành 2 dự án luật này nhằm kịp thời điều chỉnh những quan hệ xã hội mới phát sinh cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập của những quy định có liên quan. Nay lùi thời gian trình QH 2 dự án luật trên đồng nghĩa với việc những quan hệ xã hội mới phát sinh sẽ không được pháp luật điều chỉnh kịp thời và những hạn chế, bất cập cũng chưa được sửa đổi, bổ sung sớm, vấn đề này gây ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực có liên quan.
Thứ hai, UBTVQH nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 để trình QH xem xét, quyết định đối với 3 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Về cơ bản, ĐB Nguyễn Thanh Quang thống nhất với ý kiến này. Tuy nhiên, để bảo đảm trình QH xem xét cho ý kiến và thông qua đúng tiến độ như đã đề ra, ĐB đề nghị các cơ quan trình dự án luật sớm quan tâm triển khai xây dựng dự thảo, chuẩn bị hồ sơ một cách kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, cần thăm dò ý kiến dư luận về các vấn đề có liên quan, như: thuế suất bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu quá cao, khiến dư luận phản ứng gay gắt thời gian qua.
Đối với dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), cần lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp nhằm bảo đảm các quy định của luật mang tính ổn định hơn và đặc biệt là nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian đến. Đối với Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đây là chế định mới được Hiến pháp năm 2013 quy định, do đó cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương để xây dựng các quy định bảo đảm tính hiệu quả, tạo cơ chế thuận lợi phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhưng phải đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực.
Về dự kiến Chương trình năm 2018, ĐB Nguyễn Thanh Quang cơ bản thống nhất với các dự án dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 (Kỳ họp thứ 5: Trình QH thông qua 11 dự án và cho ý kiến 9 dự án; Kỳ họp thứ 6: Trình QH thông qua 10 dự án và cho ý kiến 4 dự án). Tuy nhiên, ĐB đề nghị cân nhắc bổ sung vào Chương trình năm 2018 các dự án sau:
Đối với dự án Luật về Hội: Tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, QH quyết định chưa thông qua dự án luật này, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch, chưa xác định thời điểm cụ thể để trình QH xem xét trong thời gian đến là quá chậm. Đề nghị đưa dự án luật này vào Chương trình năm 2018 nhằm tạo cơ sở để Chính phủ khẩn trương chuẩn bị dự án luật này trình QH, nếu không đưa vào Chương trình thì sẽ có lý do để Chính phủ tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian trình dự án luật này.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức: Thực tế công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức đã phát sinh một số vấn đề bất cập, nhất là các quy định về xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Việc vận dụng các quy định để xử lý một số trường hợp chưa có trong tiền lệ thời gian qua đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều, tính thuyết phục chưa cao, khiến cử tri và nhân dân cả nước chưa an tâm, thiếu tin tưởng vào công tác cán bộ. Do đó, đề nghị cần sớm rà soát các quy định về lĩnh vực này để có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm đủ cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp tương tự xảy ra, bảo đảm tính thuyết phục hơn.
Đối với các quy định tại 32 văn bản luật có liên quan đến Luật Quy hoạch sắp được QH thông qua tại kỳ này và 3 luật khác liên quan đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ được QH thông qua tại kỳ họp này, đề nghị cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định này nhằm tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản luật, dẫn đến việc luật được QH thông qua nhưng không thể triển khai thực hiện trên thực tế.
Về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, Tờ trình của UBTVQH đề xuất 4 chuyên đề để trình QH chọn 2 chuyên đề đưa vào Chương trình giám sát năm 2018, gồm: 1. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; 2. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; 3. Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; 4. Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đây là 4 chuyên đề về các lĩnh vực mà xã hội bức xúc trong thời gian qua, việc giám sát cả 4 chuyên đề này là rất cần thiết. Do đó, ĐB Nguyễn Thanh Quang đề nghị QH chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 2 để tiến hành giám sát tối cao trong năm 2018 và giao UBTVQH giám sát chuyên đề 3 và chuyên đề 4 nhằm bảo đảm nắm bắt kịp thời nhiều hơn những vấn đề bức xúc mà cử tri và nhân dân đang rất quan tâm.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Vấn đề xác định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa và làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ là điều được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đây là dự luật rất quan trọng trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm đến kinh tế tư nhân. Các đại biểu đã cùng chung quan điểm là tập trung tạo mọi điều kiện phát triển cho doanh nghiệp. Từ quan điểm đó, đơn vị soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu. Một số vấn đề cần nghiên cứu tiếp.
Cũng theo ông Dũng, cơ quan soạn thảo đã khảo sát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Các nhu cầu của doanh nghiệp đã được khái quát vào các quy định của luật. “Chúng ta đã chuyển hóa theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ, đồng hành phát triển chứ không phải đối tượng quản lý. Với dự thảo này, có cơ sở pháp lý để huy động các nguồn lực hỗ trợ DN”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
P.V tổng hợp