Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 15.000 doanh nghiệp (DN) với hơn 300.000 lao động. Đa phần, các DN vừa và lớn đều có căng-tin, bếp ăn tập thể để tổ chức bữa ăn ca cho người lao động (NLĐ). Và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn tập thể luôn làm NLĐ và tổ chức Công đoàn trăn trở.
Bữa ăn giữa ca của công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: Đức Thịnh |
“Chất lượng bữa ăn ca” vào nghị quyết
Năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 07c/NQ-BCH ngày 25-2-2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”, trong đó khẳng định sức khỏe của NLĐ phải được đặt lên hàng đầu. Nghị quyết yêu cầu, tổ chức Công đoàn tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể, giám sát chất lượng bữa ăn ca, ATVSTP tại DN nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng đối với NLĐ. Đồng thời, tiến hành khởi kiện đối với DN để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của NLĐ; DN phải bảo đảm giá trị bữa ăn ca của NLĐ tối thiểu 15.000 đồng/người/suất…
Ông Hoàng Hữu Nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho biết: “LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo Công đoàn các cấp nghiêm túc thực hiện giám sát, vận động DN bảo đảm tốt bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Qua kiểm tra, giám sát, hiện có khoảng 20% DN trên địa bàn thành phố có mức ăn ca với giá trị từ 15.000 đồng trở lên, 70% DN có mức ăn giữa ca với giá trị đạt 15.000 đồng, 10% DN có mức ăn giữa ca với giá trị dưới 15.000 đồng, cá biệt có đơn vị chỉ đạt mức 9.000 đồng”.
Chất lượng dựa trên giá trị của suất ăn theo quy định vốn đã chưa nhiều, nghèo về dinh dưỡng; trong khi đó, nhiều DN do muốn tiết kiệm chi phí nên định giá mỗi suất ăn quá thấp, dẫn đến sức khỏe của công nhân không được bảo đảm, dễ kiệt sức trong quá trình làm việc; nếu lại không bảo đảm ATVSTP, sức khỏe của NLĐ về lâu dài sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành nghị quyết trên cho thấy vấn đề chất lượng bữa ăn ca, ATVSTP là câu chuyện còn nóng bỏng và nhức nhối bởi số vụ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể không hề giảm.
Tái tạo sức lao động
Phải bảo đảm ATVSTP, chất lượng dinh dưỡng mới tái tạo được sức lao động, nâng cao chất lượng đầu ra cho sản phẩm của DN. Việc chủ động, đẩy mạnh triển khai công tác giám sát, kiểm tra về ATVSTP, trong đó tập trung tuyên truyền, tập huấn kiến thức về ATVSTP, an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể tại các DN... của các cấp Công đoàn đã thu hút nhiều DN tích cực thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho bữa ăn công nhân. Bà Lê Thị Hải Châu, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt-may 29-3, đơn vị có hơn 4.000 CNLĐ đang làm việc, chia sẻ: “Công đoàn đã thương lượng với lãnh đạo công ty nâng mức ăn ca của NLĐ bình quân trên 15.000 đồng tiền chợ, chưa kể các chi phí khác như gas, gạo... Chất lượng dinh dưỡng được quan tâm thể hiện sự trân trọng của DN với NLĐ, từ đó hiệu quả công việc được nâng cao, NLĐ gắn bó, không muốn rời công ty”.
Song, trên thực tế, tình trạng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không kiểm soát được nguồn gốc, nơi bố trí nhà ăn, hệ thống cấp, thoát nước không bảo đảm cho an toàn thực phẩm vẫn còn; mặt khác, một số DN đặt suất ăn qua đơn vị trung gian cung cấp thực phẩm… cũng dễ dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường về mất ATVSTP. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hoàng Hữu Nghị nhấn mạnh, các cấp Công đoàn sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát 100% DN trên địa bàn các khu công nghiệp, chế xuất có bếp ăn tập thể cho NLĐ, tổ chức tập huấn tại các DN, phát hành 10.000 tờ rơi tuyên truyền ATVSTP. Song song đó, vận động chủ DN, chủ bếp ăn tập thể tại các DN thực hiện và ký cam kết về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca… để bảo đảm ATVSTP, giúp NLĐ tái tạo sức lao động và yên tâm làm việc.
Ngọc Chân