Bất cập trong quản lý, điều hành Bệnh viện Phụ nữ - Bài 2: Thu, chi sai quy định

.

Trong khi đơn vị liên tục báo lỗ, cán bộ, nhân viên ở Bệnh viện Phụ nữ lại được hưởng mức lương quá cao cùng nhiều khoản tiền thưởng khác. Một nghịch lý nữa là giá viện phí ở đây có nhiều hạng mục không chỉ cao hơn các bệnh viện công mà còn cao hơn cả bệnh viện tư (tính cùng thời điểm).

Giá nhiều dịch vụ tại Bệnh viện Phụ nữ cao hơn nhiều lần so với bệnh viện công lập.
Giá nhiều dịch vụ tại Bệnh viện Phụ nữ cao hơn nhiều lần so với bệnh viện công lập.

Giá viện phí cao

Bác sĩ Nguyễn Thị Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ nữ cho biết: “Chủ trương của chúng tôi là giá dịch vụ ở bệnh viện phụ nữ phải luôn luôn thấp hơn Bệnh viện Hoàn Mỹ 10% cùng thời điểm”.

Thế nhưng, thực tế lại khác. Mặc dù bệnh viện được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại chủ yếu từ nguồn ngân sách và sự đóng góp của các nhà hảo tâm, nhưng giá viện phí ở đây lại khá cao.

Đơn cử như trong bảng giá viện phí của Bệnh viện Phụ nữ năm 2016 mà chúng tôi có được, một số rất ít dịch vụ thu bằng hoặc thấp hơn bệnh viện khác, còn lại hầu hết đều cao hơn từ 10 đến 20 lần so với giá bệnh viện công lập (do bảo hiểm y tế (BHYT) quy định) và cao gấp đôi so với Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.

Chẳng hạn, dịch vụ chụp thận xuôi dòng qua ống dẫn lưu chỉ mất 83.000 đồng/lần (theo BHYT) ở bệnh viện công và 668.000 đồng/lần ở Bệnh viện Hoàn Mỹ thì Bệnh viện Phụ nữ lại có giá 800.000 đồng/lần, gấp gần 10 lần bệnh viện công và chênh hơn 132.000 đồng/lần so với Bệnh viện Hoàn Mỹ.

Hay như giá dịch vụ chọc dò nước ối trong chẩn đoán trước sinh ở bệnh viện công chỉ 481.000 đồng/lần (theo BHYT) thì ở Bệnh viện Phụ nữ đến 2.000.000 đồng/lần (hơn gấp gần 5 lần). Cũng với dịch vụ này, Bệnh viện Hoàn Mỹ chỉ có 681.000 đồng/lần, thấp hơn gần 3 lần so với Bệnh viện Phụ nữ. Hoặc giá ngày giường bệnh loại 3 tại bệnh viện công lập là 38.000 đồng/ngày, trong khi tại Bệnh viện Phụ nữ là 400.000 đồng/ngày, hơn gấp 10 lần.

Và giá ngày giường bệnh loại 3 tại Bệnh viện Hoàn Mỹ cũng thấp hơn, chỉ khoảng 360.000 đồng/ngày... Giá ngày giường bệnh loại I tại bệnh viện công lập chỉ 38.000 đồng/ngày thì tại Bệnh viện Phụ nữ là 850.000 đồng/ngày, gấp hơn 20 lần. Vì thế, doanh thu hoạt động kinh doanh chính của Bệnh viện Phụ nữ giai đoạn 2009 - 2015 tăng bình quân hơn 28%/năm.

Thu nhập của người lao động ở đây cũng cao hơn hẳn các bệnh viện công lập. Mặc dù báo lỗ, Bệnh viện Phụ nữ đã dành 38% doanh thu thực hiện trong tháng để chi cho quỹ tiền lương. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên tại đây hơn 10,4 triệu đồng/người/tháng và có người lên đến 55 triệu đồng/người/tháng.

Theo báo cáo quyết toán tài chính năm 2015, số dư khoản chi có tính chất khen thưởng phúc lợi của bệnh viện lên đến hơn 583 triệu đồng.

Một điều khó hiểu nữa, mặc dù công suất bệnh viện chỉ có 50 giường nhưng đơn vị lại tuyển dụng hơn 100 lao động. Trong khi thực hiện định mức lao động theo Thông tư liên bộ số 08 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính dành cho bệnh viện chuyên khoa hạng 2 như Bệnh viện Phụ nữ thì với công suất 50 giường bệnh tương ứng chỉ 1,1 đến 1,4 lao động/giường bệnh. Như vậy, tại Bệnh viện Phụ nữ, số lao động dôi dư chiếm đến gần một nửa, tạo gánh nặng tiền lương và các chi phí khác.

...nhưng liên tục thua lỗ

Nghịch lý là Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng dù được xem như “ăn nên làm ra” với thu nhập của người lao động cao nhưng đơn vị này lại liên tục báo lỗ trong nhiều năm liền. Theo thông tin chúng tôi có được, trong 4 năm đầu hoạt động, bệnh viện lỗ 7,6 tỷ đồng (riêng trong 2 năm 2009 và 2010, bệnh viện lỗ đến hơn 6,9 tỷ đồng).

Từ năm 2013 đến năm 2015, bệnh viện kinh doanh có lãi hơn 2,4 tỷ đồng nhưng không đủ bù đắp cho khoản lỗ phát sinh trước đó nên lỗ lũy kế đến 31-12-2015 còn hơn 5,2 tỷ đồng. Trên thực tế, nếu loại trừ khoản thu nhập hoạt động tài chính, hoạt động kinh doanh chính của bệnh viện lỗ trên 10 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có một số hạng mục được bệnh viện khấu hao không đúng quy định. Chẳng hạn, đối với một số vật tư thiết bị y tế được mua sắm để thay thế cho các bộ phận của máy móc, thiết bị y tế hiện đang sử dụng được bệnh viện hạch toán tăng nguyên giá tài sản cố định là hơn 1,6 tỷ đồng và trích khấu hao lũy kế 652 triệu đồng nên giá trị còn lại đến 31-12-2015 là hơn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những vật tư này chỉ nhằm sửa chữa để bảo đảm khả năng hoạt động bình thường của máy móc ban đầu và không làm thay đổi tính năng, công suất... nên không được tính tăng nguyên giá tài sản cố định hoặc theo dõi như một danh mục tài sản độc lập.

Đồng thời, mặc dù theo Thông tư 203 và 45 của Bộ Tài chính quy định không trích khấu hao đối với tài sản là giá trị quyền sử dụng đất lâu dài, nhưng bệnh viện lại trích khấu hao (từ tháng 12-2010 đến 12-2015) với số lũy kế là hơn 242 triệu đồng.

Bởi thế, chi phí khấu hao giai đoạn 2010 - 2015 chiếm xấp xỉ 21% tổng chi phí của bệnh viện. Khấu hao lũy kế đến thời điểm 31-12-2015 lên đến hơn 42 tỷ đồng. Vì vậy, bệnh viện báo lỗ liên tục trong 7 năm kể từ ngày hoạt động đến nay, chỉ riêng năm 2016 có lãi và lần đầu tiên nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền hơn 100 triệu đồng!

Bài và ảnh: Nhóm P.V VHXH

;
.
.
.
.
.