Làm việc theo phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh

.

Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể bao gồm phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt. Trong tình hình hiện nay, tu dưỡng và rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết, vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự của người cán bộ cách mạng. Bởi vì, mọi việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém. Nếu cán bộ “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, quan liêu, cũng như đứng giữa trời, nhất định thất bại”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu gương trong phong cách quần chúng. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu gương trong phong cách quần chúng. (Ảnh tư liệu)

Làm việc theo phong cách quần chúng trong tình hình hiện nay là mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thuận lòng dân. Phải đặt lợi ích của dân chúng lên trên hết, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Điều này thể hiện ở chỗ việc gì lợi cho dân, dù nhỏ mấy cũng hết sức làm; việc gì hại cho dân dù nhỏ mấy cũng phải tránh. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấu suốt lời dạy của Bác: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Giải quyết mọi bức xúc, nguyện vọng của dân, những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, đền bù đất đai, giao thông, tệ nạn xã hội, an toàn thực phẩm, môi trường.

Liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Hồ Chí Minh là lãnh tụ rất gần gũi, sâu sát nhân dân. Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong mười năm 1955-1965, Hồ Chí Minh đã có khoảng 700 cuộc đi về các địa phương, xuống với bộ đội, công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp nhân dân miền ngược cũng như miền xuôi. Tính bình quân, mỗi ngày Người có hai lần đi cơ sở, một tháng có 60 lần. Học Hồ Chí Minh là cán bộ, đảng viên phải chịu khó đi về cơ sở để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý. Xuống cơ sở không phải theo kiểu “nhiệt liệt chào mừng đồng chí về thăm” mà phải nắm tình hình, đưa ra được các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương, cho các ngành. Phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”, cả những ý kiến “nghịch”. Bác dạy rằng “các vị Bộ trưởng nên luyện cho mình có đôi chân hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ, không nên chỉ ngồi ở bàn giấy, theo kiểu “đạo nhân phòng thủ”. Còn cán bộ huyện thì “phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được”.

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Vấn đề gốc rễ ở đây là cán bộ, đảng viên phải hiểu “đối với ai mà làm? Đối với ai phụ trách?”. Hồ Chí Minh nêu vấn đề: “Nếu chúng ta hỏi cán bộ: “Việc đó làm cho ai? Đối với ai phụ trách?”, chắc số đông cán bộ sẽ trả lời: “Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách trước cấp trên”. Câu trả lời đó chỉ đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: “Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?” thì e nhiều cán bộ không trả lời được. Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Cán bộ, đảng viên phải thấy cả Đảng, cả dân.

Trên cơ sở nhận thức đó, mỗi cán bộ khi gặp công việc phải biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu, cả những việc trực tiếp có lợi cho dân. Cán bộ không được làm theo cách hạ lệnh, cưỡng bức, vì như vậy dân không hiểu, dân oán. Theo Hồ Chí Minh, “chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do đó dân chúng vui lòng ra sức làm.

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Tự phê bình trong nội bộ Đảng là cần, nhưng tự phê bình trước nhân dân còn cần hơn, không nên “tự đóng cửa bảo nhau” theo kiểu giải quyết nội bộ. Mỗi cán bộ phải hiểu rằng nhân dân tài giỏi, thông minh, cái gì họ cũng nghe, cũng thấy, cũng biết. Đã làm việc thì không tránh khỏi khuyết điểm. Chỉ những kẻ ăn không ngồi rồi thì mới không có khuyết điểm mà thôi. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, chỉ sợ có khuyết điểm không dám tự phê bình. Dân độ lượng, vị tha và chúng ta làm việc vì dân. Vì vậy có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình trước dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Đó là một trong những cách tốt nhất để làm cho dân tin.

Sẵn sàng học hỏi nhân dân. Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu. Mỗi người phải hiểu rằng sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình. Nhân dân là những người trí tuệ, thông minh, tài giỏi. Dân chúng nhiều tai, nhiều mắt, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Làm theo cách quần chúng là việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng. Mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Không học hỏi dân chúng không lãnh đạo được dân chúng. Có biết làm học trò dân mới làm được thầy học của dân. Như thế hơi phiền một chút, phiền cho những người biếng học hỏi. Nhưng việc gì cũng nhất định thành công. Không học hỏi dân chúng mà lại dùng cách quan liêu, ra mệnh lệnh, thế là không phụ trách trước nhân dân, là đem hai chữ “mệnh lệnh” làm thành một bức tường để tách rời Đảng và Chính phủ với nhân dân.

Chống bệnh quan liêu. Phải “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Xây thì phải đi đôi với chống. Thực hiện phong cách quần chúng đồng thời chống cách quan liêu, biểu hiện xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không thương yêu nhân dân. Quan liêu là gốc rễ, cội nguồn đẻ ra tham ô, lãng phí. Làm theo cách quan liêu là hỏng việc, là thất bại.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân. Trên cơ sở nhận thức dân chủ là giá trị lớn nhất, của quý báu, là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn, người cán bộ, đảng viên phải lo làm cho nhân dân có năng lực làm chủ, biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Dân là chủ là nói đến địa vị, vị thế của người dân trong một nước dân chủ. Dân làm chủ là nói đến năng lực, bổn phận của người dân. Một điều quan trọng là phải coi trọng việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức làm chủ, phát triển văn hóa chính trị và tính tích cực của công dân, khuyến khích nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước, kiểm soát quyền lực, giám sát, phê bình Chính phủ, phê bình lãnh đạo, khắc phục mọi thứ dân chủ hình thức, giả tạo, trang trí.

Qua 30 năm đổi mới, Đảng ta tổng kết “đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam, chữ “N” được viết hoa trong cụm từ “Nhân dân” để khẳng định vai trò, vị trí, tầm vóc của dân, cũng tức là trở lại đích thực với tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối nhân dân. Phải thật sự dựa vào dân, phát huy năng lực, trí tuệ, quyền lực, sức mạnh, của cải của dân để phục vụ nhân dân, đưa lại những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới. Kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết rằng có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Đúng như Bác Hồ đã chỉ ra trong lời kết của Di chúc: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

PGS.TS Bùi Đình Phong

;
.
.
.
.
.