NGÀY PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (26-6)

Khó khăn cai nghiện tại cộng đồng

Thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh hoạt động cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ.

Lãnh đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng) cho biết, tính đến ngày 15-6-2017, trên địa bàn thành phố có 498 người đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, trong đó có 34 người cai nghiện tự nguyện, 27 người ngoài tỉnh, 308 người tham gia điều trị Methadone, 15 người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng và 645 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú. Như vậy, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Cơ sở xã hội Bầu Bàng tiếp nhận và đưa vào cắt cơn cai nghiện ma túy cho 355 người (31 người cai nghiện tự nguyện), trong đó 216 người mới nghiện và 139 người tái nghiện.

Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương triển khai mạnh công tác cai nghiện tại gia đình - cộng đồng. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, tại thành phố có 50 người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng. Hầu hết các địa phương đều tổ chức lập hồ sơ, điều trị, cắt cơn, giải độc và phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng, trong quá trình tổ chức cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, một số địa phương chưa nắm vững quy trình, chưa quan tâm đến việc lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, chỉ chú trọng lập hồ đưa đi cai nghiện tập trung. Gia đình người nghiện chưa hợp tác với chính quyền địa phương và bản thân người nghiện chưa tự giác đăng ký cai nghiện. Nơi cắt cơn cai nghiện tại các trung tâm y tế cũng chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc men, đội ngũ cán bộ y tế hoạt động kiêm nhiệm nên hiệu quả công việc chưa cao. Cũng còn một số địa phương chưa nhận thức đúng về công tác này nên chủ yếu người nghiện thường được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Trong khi đó, theo anh T.H (có người thân đang nghiện ma túy), hiện nay, mức đóng để được tiếp nhận và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng vẫn còn cao trong khi gia đình có con em bị nghiện đa số đều rất khó khăn... Việc quản lý người sau cai nghiện hiện cũng còn nhiều bất cập. Theo một cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở quận Thanh Khê, người nghiện thường khai không đúng nơi ở của mình; thậm chí đối tượng có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng không ở nơi cư trú nên rất khó quản lý.

Ông Lê Minh Hùng cho rằng, việc cai nghiện tại gia đình- cộng đồng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian đến bởi đưa đối tượng vào cai nghiện tập trung không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả, nhất là đối với người nghiện mức độ nhẹ. Để làm được điều này phải có sự hợp tác, hỗ trợ của gia đình người nghiện và sự quyết tâm của chính bản thân người nghiện.

Đến ngày 15-6-2017 toàn thành phố có 724 người trong diện quản lý sau cai, có 645 người đang được quản lý (có việc làm 384 người, chiếm tỷ lệ 59,5%). Trong 645 người đang quản lý sau cai có 601 người đủ điều kiện phân loại (405 người tiến bộ, chiếm 67,4%, 141 người chưa tiến bộ chiếm 23,5% và 55 người có nguy cơ tái nghiện, chiếm 9,1%) và 44 người mới về chưa đủ điều kiện phân loại được UBND các  phường, xã lập đầy đủ hồ sơ, phân công cán bộ đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, giáo dục.

HƯƠNG SEN

;
.
.
.
.
.