Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta và nhân dân Đà Nẵng đều yêu mến Sơn Trà

.

ĐNĐT - Phiên chất vấn sáng nay (14-6) của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục với phần tranh luận, chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch như: quy hoạch Sơn Trà; tình trạng di tích thành phế tích, thậm chí… mất tích; xử lý sai phạm nội bộ và chất lượng đào tạo nhân lực du lịch còn nhiều bất cập.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 				         Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN

Mở đầu phiên chất vấn, liên quan đến quy hoạch bán đảo Sơn Trà, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Chính phủ không để cho thành phố Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được. Chính phủ muốn Đà Nẵng chủ động hơn trong việc tiếp thu ý kiến về Sơn Trà. Cuối cùng Thủ tướng sẽ quyết định sau khi lắng nghe ý kiến các bên liên quan”.

“Nói Đà Nẵng cần chủ động hơn có hai lý do, một là cần sự thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và đồng thuận trong nhân dân thành phố. Chúng ta và nhân dân Đà Nẵng đều yêu mến Sơn Trà. Thứ hai, trước đây vì chưa có quy hoạch quốc gia nên Đà Nẵng đã cấp phép, nay có quy hoạch rồi và sẽ giữ quy mô ở mức nào thì Đà Nẵng cần làm việc với nhà đầu tư”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Một số vấn đề khác liên quan đến quy hoạch bán đảo Sơn Trà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời bằng văn bản để dành thời gian trả lời chất vấn những nội dung quan trọng khác.

Nhiều câu hỏi thẳng thắn, trực diện vào những vấn để nổi cộm được các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về vấn đề quản lý, khai thác các di sản văn hóa hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, vẫn khai thác theo kiểu chú trọng đến số lượng khách chứ chưa thực sự mang tính bền vững.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nếu cấm ca khúc nào thì đưa vào danh sách cấm và cập nhật danh sách đó chứ không cần cấp phép từng ca khúc.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương về vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước đối với những lễ hội có nội dung phản cảm như chém lợn, đâm trâu..., Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, với các hoạt động lễ hội lớn và tập trung đông người thì bộ luôn phối hợp với địa phương để rà soát, kiểm tra.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Điểu Huỳnh Sang về việc quản lý các di sản còn nhiều bất cập, nhiều di tích trở thành phế tích, thậm chí… mất tích, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, Việt Nam có số lượng di sản lớn và đây cũng là tài sản lớn. Những năm qua, ngành văn hoá đã triển khai nhiều công việc như kiểm kê, xếp hạng, tuy nhiên công tác bảo tồn, tôn tạo thì còn nhiều hạn chế vì liên quan đến kinh phí. Từ năm 2016, nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá không còn nên không còn nguồn lực tập trung để đầu tư.

“Chúng tôi cũng thấy nếu không bảo tồn, tôn tạo thì các di sản văn hoá sẽ xuống cấp và thậm chí biến mất, vì vậy mong các địa phương quan tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Đăng ký tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Chúng ta đã hoà bình, thống nhất hơn 40 năm, việc quản lý Nhà nước về các ca khúc là cần thiết nhưng Bộ trưởng mới nói là đang tìm biện pháp thì tôi hết sức lo âu. Đề nghị bộ trưởng cần thực hiện sớm công việc này”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, đã có văn bản đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn, với các bài hát quen thuộc, nếu không trái thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến. Bộ đang tiến hành các thủ tục pháp luật để triển khai. Tinh thần chỉ đạo là thông thoáng.

Trước câu hỏi của đại biểu Dương Minh Tuấn “Bộ trưởng có tư duy “khó quản thì cấm” hay không?”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định “Không có tình trạng đó, thời gian đến Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ suy nghĩ cách quản lý phù hợp với tình hình thực tế”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Chí Tài về thực trạng và chất lượng đào đạo nhân lực cho ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cấp bách đối với du lịch Việt Nam, đây cũng là một trong những hạn chế trong cạnh tranh du lịch của nước ta.

Đến năm 2017, cả nước có 750.000 lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch. Tốc độ tăng trưởng ngành du lịch rất nhanh, nếu số khách 2 năm gần đây tăng gần 30% thì trong 5 năm qua số lượng buồng, phòng khách sạn 5 sao tăng hơn gấp đôi.

Tình trạng thiếu hụt nhân lực các địa phương rất lớn. Hiện cả nước không có đại học chuyên ngành du lịch mà chỉ có trường cao đẳng và khoa du lịch tại một số trường đại học. Đây là một trong những bất cập trong đào tạo nhân lực cho du lịch Việt Nam.

Việt Dũng 

;
.
.
.
.
.