Ngày 2-6, phóng viên Báo Đà Nẵng tiếp cận hiện trường vụ phá rừng Hòa Bắc và ghi nhận hàng loạt cây gỗ lớn nơi đây bị chặt hạ ngay bên cạnh những lán trại khai thác vàng trái phép. Điều này trái ngược với khẳng định của chính quyền địa phương trước đó. Không chỉ vậy, phóng viên còn tiếp tục phát hiện thêm nhiều điểm khai thác gỗ trái phép, điều mà cơ quan chức năng “chưa nắm rõ”.
Nhiều khúc gỗ lớn nằm la liệt cạnh bờ suối đang chờ xẻ để mang ra ngoài. |
Lập công xưởng giữa rừng
Phải mất gần 2 giờ đồng hồ leo qua nhiều con dốc dựng đứng, từng tảng đá lớn chắn ngang đường, nhóm phóng viên mới tiếp cận được hiện trường vụ phá rừng. Hàng loạt cây gỗ lớn bị đốn hạ gần lán trại của Công ty TNHH MTV Bông Sen Vàng Đà Nẵng tại khoảnh 6, tiểu khu 29, rừng Hòa Bắc. Con đường từ lán trại của công ty này dẫn thẳng đến khu vực khai thác gỗ chỉ dài khoảng 600m, được gia cố, che chắn bằng nhiều thanh gỗ. Ngay tiểu khu 29, nhiều gốc cây vừa bị triệt hạ nằm ngổn ngang, lá cây vẫn còn xanh, thân cây còn tươi. Nhiều gốc cây chảy mủ lan xung quanh, mùn cưa mới còn phủ quanh gốc. Phía dưới suối là hai lán trại được dựng lên, bên trong có nhiều vật dụng như áo quần, nước ngọt, nồi đựng thức ăn. Cạnh đó là nhiều phách gỗ xẻ sẵn chờ được vận chuyển ra ngoài. Để che giấu cơ quan chức năng, lâm tặc phủ lá xanh lên trên hàng chục khúc gỗ dài chưa kịp xẻ, nếu không để ý sẽ rất khó phát hiện. Tại đây, một công xưởng gồm lán trại, máy nổ, búa, rìu vẫn còn ngổn ngang.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải là khu vực duy nhất tại rừng Hòa Bắc bị chặt phá. Đi ngược lên 3 ngọn núi nằm giữa tiểu khu 29 và 27 là hàng loạt “công xưởng” được lập dã chiến ngay giữa rừng. Những gốc cây sơn huyết, trắc… bị đốn ngang, xẻ thành hàng chục phách đang chờ được di chuyển ra khỏi rừng. Tại hiện trường, nước ngọt, cơm, thức ăn thừa lâm tặc vẫn còn để lại, vương vãi khắp nơi. Quan sát tại gốc cây và vết cưa, so sánh những vụ chặt phá rừng đã xảy ra thời gian trước đó cho thấy lâm tặc chờ một thời gian cho cây rút bớt nhựa và nước trong thân để vận chuyển dễ dàng hơn. Địa hình khu vực này rất hiểm trở nên lâm tặc phải mở một con đường nhỏ vượt qua mấy ngọn núi dựng đứng, trước khi mang gỗ xuống suối để vận chuyển ra ngoài.
Những gốc cây lớn vừa bị chặt hạ không thương tiếc. |
Thiếu trách nhiệm
Được biết, hiện trường nhiều cây rừng bị chặt phá nằm trong khoảnh 6, tiểu khu 29, là khu vực UBND thành phố vừa giao cho Công ty TNHH MTV Bông Sen Vàng Đà Nẵng có trách nhiệm trồng rừng, quản lý bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh theo tinh thần Quyết định số 2188/QĐ-UBND ngày 21-4-2017. Trực tiếp làm việc tại lán trại của đơn vị này, ông Phạm Văn Mạnh, đại diện Công ty TNHH MTV Bông Sen Vàng Đà Nẵng thừa nhận, sự việc xảy ra ngay bên trong khu vực mà mình vừa được chính quyền thành phố giao nhiệm vụ quản lý. Tuy nhiên, theo ông Mạnh, việc đốn hạ những cây rừng này do nhóm khai thác vàng trái phép thực hiện để gây khó dễ cho công ty trong quá trình hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác. “Chúng tôi thừa nhận đã chặt 4 gốc cây để làm lán trại, trong số 4 gốc cây này có 2 cây đã mục, nằm sát lán trại. Những cây còn lại công ty hoàn toàn không chặt mà do nhóm khai thác vàng trái phép hoạt động từ 1 năm nay tại đây làm”, ông Mạnh cho biết.
Tình trạng phá rừng, khai thác vàng trái phép tại xã Hòa Bắc diễn ra suốt thời gian dài, nhưng Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà lại phủ nhận hoàn toàn (!?). Ngày 2-6, phóng viên liên hệ làm việc với bà Hà nhưng không được. Trong khi đó, ông Hồ Tăng Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho rằng, trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến sự việc này là của chính quyền, mặc dù ông Phúc cũng thừa nhận tình trạng khai thác vàng trái phép tại đây có thật.
Trong một báo cáo nhanh gửi UBND huyện Hòa Vang ngày 2-6, ông Lê Đình Thám, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang cho biết, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 13 gốc cây bị chặt mới, có đường kính từ 0,2-0,5m. Đối chiếu với ranh giới giao rừng, có 8 gốc cây bị chặt mới nằm trong khu vực rừng được giao cho Công ty TNHH MTV Bông Sen Vàng Đà Nẵng. Trao đổi qua điện thoại, ông Thám cho biết, việc đơn vị này tự ý chặt hạ cây rừng khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là trái quy định pháp luật. Còn đối với việc phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa tiểu khu 27 và 29, ông Thám cho biết, hiện chưa nắm được thông tin này!
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành cho biết, quan điểm của huyện là xử lý dứt điểm, sai đến đâu xử lý đến đó đối với hành vi phá rừng. Hiện tại, UBND huyện đang chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập tổ kiểm tra để xác minh làm rõ đối tượng nào phá rừng, mức độ vi phạm đến đâu để có cơ sở xử lý, nếu mức độ nặng sẽ tiến hành khởi tố vụ án theo luật định. “Mặc dù khu vực rừng bị phá thuộc tiểu khu 29 nằm trong diện tích quản lý của Công ty TNHH MTV Bông sen Vàng Đà Nẵng nhưng trách nhiệm của chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã Hòa Bắc thì không thể chối tránh, bởi xã Hòa Bắc là chủ rừng. UBND huyện sẽ chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể của UBND xã Hòa Bắc liên quan đến vụ phá rừng, ai sai đến đâu xử lý đến đó. Quyết liệt xử lý, không bao che, không khoan nhượng đối với hành vi phá rừng và để xảy ra phá rừng trên địa bàn quản lý của địa phương”, ông Hành nói.
PHAN CHUNG – TRỌNG HUY