Tại hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác phòng, chống bão số 2 tổ chức sáng 17-7, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho biết, bão số 2 mạnh lên khá nhanh, di chuyển nhanh; khu vực gió mạnh cấp 10 có bán kính 20-30km, nhưng gây mưa với cường suất lớn, tại tỉnh Hà Tĩnh có nơi lên đến 350mm. Cũng theo ông Cường, thông thường bão tháng 7 đổ bộ vào miền Bắc, việc bão số 2 đi vào Bắc Trung bộ là tương đối trái quy luật.
Trước đó, khoảng 1 giờ ngày 17-7, bão số 2 đổ bộ vào khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh, trọng tâm là Nghệ An, mạnh nhất từ Cửa Lò - huyện Diễn Châu. Trong đó, khu vực đảo Hòn Ngư (Cửa Lò) có bão mạnh cấp 9, gió giật cấp 11. Khu vực trên biển từ Nam Định - Hà Tĩnh có gió giật cấp 8-9, riêng Hoành Sơn (Hà Tĩnh) giật cấp 11. Theo thống kê ban đầu, tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, bão làm 1 người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị đổ sập, tốc mái...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm sau bão số 2 và không được chủ quan do còn mưa lớn sau hoàn lưu bão số 2. Đặc biệt, sau vụ tàu VTB26 cùng 13 thuyền viên bị chìm tại vùng biển Cửa Lò, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan cứu nạn phối hợp với địa phương tập trung, huy động các lực lượng cảnh sát biển, hải quân, tàu thuyền trong khu vực tìm kiếm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh phải kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt những gia đình có người thiệt mạng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động vận hành liên hồ chứa, bảo đảm an toàn các hồ đập, đê điều, đặc biệt tại những địa phương vùng núi phía Bắc.
Riêng đối với Đà Nẵng, dù không bị ảnh hưởng bão nhưng công tác kêu gọi tàu thuyền được triển khai nhanh. Bộ đội Biên phòng thành phố thường xuyên liên lạc với ngư dân, yêu cầu di chuyển khỏi các vùng ảnh hưởng của bão nên ngư dân Đà Nẵng đều an toàn.
AN NHIÊN