Khắc khoải làng chài

.

Nằm khuất sau những dãy nhà cao tầng hoành tráng của đường Trần Hưng Đạo là những ngôi nhà chật hẹp, xập xệ dọc theo các con hẻm nhỏ bé, ngoằn ngoèo. Nơi đó có hơn 1.700 hộ dân sinh sống, trong đó hơn 80% là dân gốc của hai làng chài An Tân và An Đồn.

Nhiều hộ gia đình ba thế hệ sống chung trong căn nhà chưa đầy 15m2, ẩm thấp, chật chội.
Nhiều hộ gia đình ba thế hệ sống chung trong căn nhà chưa đầy 15m2, ẩm thấp, chật chội.

Từ đường Nguyễn Thế Lộc (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), men theo con hẻm nhỏ là vào làng An Tân, An Đồn. Càng vào sâu, hẻm càng quanh co, rộng chưa đầy 1 mét, vừa đủ một chiếc xe máy đi lọt. Người dân trong làng quen thuộc từng ngóc ngách nên có thể dễ dàng luồn lách trên các con hẻm này nhưng người lạ lần đầu đến đây thì không có cách nào khác ngoài đi bộ và hỏi đường chừng chừng nếu không muốn bị lạc.

Ông Từ Văn Đay (75 tuổi, Phó Ban trợ tang làng An Tân) ví von các con hẻm nhỏ và khó đi đến mức tên trộm nào lỡ vào là hết đường thoát. “Khổ nhất có lẽ những lúc tang ma. Quan tài được nhấc lên cao, qua các hàng rào kẽm hoặc có khi phải đập bỏ các tường rào để đưa quan tài ra đường lớn, tang ma xong đành bỏ tiền ra xây lại. Bởi vậy, làng mới có tục nhà nào có đám thì thanh niên, trai tráng trong làng phải tham gia khiêng vác”, ông Đay nói.

Làng An Tân, An Đồn nằm lọt thỏm trong khu đất rộng chừng 15 héc-ta, được bao bọc bốn phía bởi đường Trần Hưng Đạo, An Đồn, Ngô Quyền và Nguyễn Thế Lộc, có hơn 1.700 hộ dân sinh sống với hơn 7.600 nhân khẩu, trong đó hơn 80% là dân gốc của hai làng chài An Tân và An Đồn xưa.

Tại hai làng này, việc những ngôi nhà rộng chừng 60m2 nhưng 3-4 thế hệ chung sống là điều bình thường. Ông Nguyễn Văn Lộc (Tổ trưởng tổ 66) cho biết, có những hộ đến mấy chục người, danh sách dài tới mức ghi kín cả quyển sổ hộ khẩu. Vì chung một hộ nên tiền điện, tiền nước bị tính tăng dần theo từng mức sử dụng, trả cũng chóng mặt. Tình thế buộc họ phải tách hộ dù sống trên cùng diện tích đất. Lại có những hộ tầm 6-7 người, ba thế hệ sống chung trong căn nhà chưa đầy 15m2. Giữa cái nắng mùa hè, họ mang cả chiếu, gối ra trước hiên nhà, đặt võng ngay lối đi để nghỉ ngơi…

Những căn nhà cũ nát nằm men theo con hẻm nhỏ.
Những căn nhà cũ nát nằm men theo con hẻm nhỏ.

Về sự tồn tại những ngôi nhà chật hẹp của làng, người già trong làng cho rằng xuất phát từ điều kiện sống và tâm thức của người dân làng biển.

“Người dân làng chài chúng tôi coi sông nước là nhà. Hầu như gia đình nào cũng có hai ghe, một ghe đi biển, một ghe che mui để sinh sống. Sau này, ông cha mới rời ghe lên bờ sống. Thời đó, nơi này hoang vu lắm, buổi tối nhìn ra chỉ toàn là nước, sâu hun hút. Dân làng chài phải tính đến chuyện sống cạnh nhau, che chở, đùm bọc lẫn nhau, mọi sinh hoạt cộng đồng xoay quanh cây đa, giếng nước, mái đình”, lão ngư Lê Hanh (làng An Tân, năm nay 89 tuổi) mông lung nhớ về quá khứ.

Cũng theo lão ngư Lê Hanh, đàn ông làng chài suốt ngày lênh đênh sông nước, trong tâm thức của họ, nhà chỉ là nơi “trọ” nên làm dành dụm được bao nhiêu là đầu tư tàu, thuyền chứ ít ai nghĩ chuyện xây nhà cửa. Như trường hợp của ông, mấy đời trước bám biển mà sống. Đến đời ông mới lên bờ cất nhà. “Cũng như nhiều nhà trong làng, nhà tôi cất tạm bợ, cũ kỹ. Mãi vài năm trở lại đây, thằng con trai đi làm thợ xây, tích góp và tự tay xây ngôi nhà tương đối tươm tất thế này đây”, ông Hanh tâm sự về ngôi nhà cấp 4 được sơn mới, lót gạch bông sáng loáng.

Góp chuyện, ông Đặng Văn Hải (75 tuổi, nguyên Tổ trưởng tổ 74) bảo rằng người sinh sôi chứ đất có nở ra được mét nào đâu. Họ ở đó từ thời ông bà rời ghe lên bờ kiếm miếng đất cắm dùi, rồi sinh con đẻ cái qua biết bao thế hệ. Sau này, những gia đình có điều kiện, con cái học hành thành đạt thì vượt cái nghèo ra ngoài sinh sống. Những gia đình con cái theo nghiệp cha ông, chừ phần đông cũng bỏ nghề, chuyển sang làm lao động phổ thông như công nhân, thợ hồ, đời sống còn khá bấp bênh…

Theo thống kê của phường An Hải Bắc, đây là khu vực nghèo nhất của phường, có đến 120 hộ nghèo với mức thu nhập dưới 1,3 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đặt câu hỏi tại sao không chuyển đi nơi khác sinh sống, nhiều hộ dân trong hai làng cười chua chát.

Cách nhà họ chưa đầy 10m là đường Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền rộng rãi, xa hoa. Giá đất mặt tiền của hai con đường này thuộc vào loại “vàng ròng” của thành phố trong khi giá đất trong khu vực hai làng này chẳng đáng là bao. Bán giá cao chẳng ai mua, bởi mấy ai bỏ số tiền lớn để vào ở trong những con hẻm chật hẹp, ẩm thấp này?

Còn nếu bán với giá thấp thì liệu có kiếm được một nơi ở mới hay không? Lý do này khiến dân làng cứ bám lấy làng mà ở. Nhà cửa xuống cấp họ cũng chẳng buồn sửa sang bởi kinh phí đội gấp đôi so với bình thường. Để vận chuyển vật liệu từ đường lớn vào đây chỉ có thể sử dụng phương tiện duy nhất là xe rùa nhỏ. Vì thế, những nhà thật sự có điều kiện mới dám sửa sang, xây nhà.

Cứ thế, người dân hai làng chài vẫn sống cuộc sống của mấy chục năm trước, cơ sở hạ tầng trở nên quá lạc hậu so với mặt bằng chung của thành phố. Giếng nước hơn 100 năm vẫn còn được sử dụng, bếp than vẫn cháy mỗi chiều, những cánh võng đu đưa trong buổi trưa hè, quần áo phơi trên hàng dậu… Thoạt nhìn có vẻ bình yên nhưng lại đau đáu, khắc khoải, đợi chờ một sự đổi thay.

“Nói thật, tôi lớn lên và sống ở đây được 60 năm. Làng tôi ai thế nào, sống ra sao đều biết cả. Thật không dễ tồn tại tình làng, nghĩa xóm, thân thuộc từ đời này sang đời khác. Nếu phải dời đi chắc sẽ có nhiều tiếc nuối nhưng đất không sinh sôi mà con người ngày một đông, chen chúc trong ngôi làng chật hẹp này tôi thấy không ổn. Mong mỏi lớn nhất của người dân là được giải tỏa, di dời; hoặc làm cách nào đó để cải thiện môi trường sống nơi đây”, ông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, đây là khu vực chưa giải tỏa được do số hộ lớn, nhân khẩu nhiều, không thể bố trí tái định cư. Muốn cải tạo lại đường sá nơi này cũng không dễ vì quỹ đất không đủ. Từ đây đến năm 2030 vẫn chưa có kế hoạch giải tỏa khu vực này.

Nguyên vẹn làng quê xưa

Chính sự nguyên vẹn của hai làng chài này trong mấy mươi năm qua nên tại đây vẫn giữ lại hình ảnh một làng quê xưa của Đà Nẵng với cây đa, giếng nước, mái đình. Tại làng An Tân, An Đồn hiện có giếng nước hơn trăm năm tuổi cùng với Lăng Ông, Lăng Bà có từ khi lập làng.

Trong quá trình trùng tu, sửa chữa, người dân đã phát hiện dưới chân móng các lăng là những mảnh gạch giống của thời Chăm. Tại làng An Tân tồn tại cột cờ cao chừng 20m mà theo ông Đỗ Văn Phùng (75 tuổi, nhà gần đó) cho biết ông thấy nó từ hồi còn bé. Không biết cột cờ này có từ khi nào, nhưng thời Pháp, họ dùng nó để báo hiệu cho tàu bè vào sông Hàn. Khi nghe tiếng còi tàu từ xa, có người trèo lên cột cờ đó quan sát, nếu thấy tàu của nước nào thì treo cờ của nước đó lên cho bờ bên kia biết. Sau ngày giải phóng Đà Nẵng, người ta lại dùng cột cờ này để trèo lên đó đọc bản tin cho người dân trong khu vực này nghe.

Mới đây, lãnh đạo thành phố đã đồng ý chủ trương và giao cho quận Sơn Trà lập đề án Bảo tồn làng biển trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng hai làng An Tân, An Đồn, chỉnh trang giao thông, cải thiện vệ sinh môi trường, sáng tác mỹ thuật cho từng ngôi nhà, con đường, tường rào và ngõ hẻm theo chủ đề làng biển Đà Nẵng xưa. Đề án với mục tiêu góp phần cải thiện an sinh xã hội của người dân khu vực và tạo điểm nhấn du lịch cho Đà Nẵng. Đây là tín hiệu vui cho người dân hai làng nhưng bảo tồn và khai thác như thế nào vẫn là câu chuyện cần bàn tính kỹ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.