Chủ động ứng phó bão số 2: Bảo đảm an toàn cho người dân và công trình

.

Sáng 16-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm triển khai công tác phòng, chống bão số 2 (tên quốc tế TALAS) với 15 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và 9 tỉnh Đông Bắc Bộ. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiêm Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Trung ương Hoàng Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Nhiều tàu thuyền đã về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang.
Nhiều tàu thuyền đã về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang.

Không lơ là, chủ quan

Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung ương, từ tối và đêm 16-7, ở vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, bão số 2 gây gió mạnh cấp 7, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11; ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; ở các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và sâu trong đất liền khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6 cấp 8. Sáng 17-7, vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục có gió bão mạnh cấp 7, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11; ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; ở các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và sâu trong đất liền khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6, cấp 8. Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão số 2 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, sau suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và đến 7 giờ ngày 18-7 thành vùng áp thấp trên phía tây bắc nước Lào.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai Trung ương, đây là cơn bão đầu tiên trong năm 2017 đổ bộ vào Việt Nam, tuy cường độ không mạnh nhưng diễn biến phức tạp, đặc biệt là cường độ tăng từ áp thấp nhiệt đới thành bão chỉ trong thời gian ngắn, nên không được chủ quan, nhất là ngư dân trên biển. Bộ Quốc phòng đã triển khai lực lượng gần 300.000 người để phối hợp với các địa phương nhằm triển khai các phương án phòng, chống và cứu hộ, cứu nạn.

Tại hội nghị, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 2 cho biết đã sẵn sàng công tác ứng phó. Trên biển, đã triển khai phương án kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh; đối với trên đất liền thì rà soát dân cư để tiến hành công tác di dời; bảo vệ cây trồng, hoa màu…

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đánh giá cao sự chuẩn bị kịp thời công tác phòng, chống bão số 2 của các địa phương và yêu cầu không được lơ là, chủ quan. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng đề nghị các địa phương, bộ, ngành bám sát Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai Trung ương, trong đó đặc biệt tăng cường giám sát thông tin, bám sát vấn đề tàu thuyền. “Đến 17 giờ chiều 16-7, công tác kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền neo đậu phải hoàn thành. Ngoài ra, cần chú ý an toàn hồ đập; giám sát các điểm đê xung yếu; bố trí lực lượng giám sát tại các ngầm tràn, tránh nguy cơ mất an toàn cho người dân; đồng thời triển khai các phương án tiêu thoát nước đô thị”, ông Thắng nhấn mạnh.

Đà Nẵng còn 121 tàu hoạt động trên biển

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng, đến sáng 16-7, Đà Nẵng có khoảng 121 tàu/1.081 lao động đang hoạt động trên biển. Cụ thể, 23 tàu/ 271 lao động đang hoạt động ở phía đông bắc Hoàng Sa; 2 tàu/16 lao động hoạt động tại khu vực vùng biển Quy Nhơn; 5 tàu/30 lao động vào neo đậu ở biển Hải Phòng; 5 tàu/32 lao động hoạt động ở biển Hải Phòng; 4 tàu/28 lao động đã vào neo đậu ở Cảng Giành- Quảng Bình; 9 tàu/99 lao động đang hoạt động ở vùng biển Nghệ An; 24 tàu/242 lao động đang hoạt động ở vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế; 49 tàu/363 lao động đang hoạt động ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam. Tất cả các phương tiện đều đã biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 2, chưa có thông tin thiệt hại gì do bão số 2 gây ra.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, theo chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng tiếp tục thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 2 để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn. BĐBP tiếp tục kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển; chủ động thực hiện việc quản lý tàu thuyền ra khơi theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại Công văn số 1608/UBND-PCTT ngày 8-3-2017.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống bão lũ, lũ quét và sạt lở; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan, Cu Đê; thông báo cho nhân dân biết tin về cơn bão số 2 và cảnh báo mưa giông trên diện rộng để phòng tránh. Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải, UBND huyện Hòa Vang thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thường xuyên kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai các hồ chứa nước; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn các công trình…

Được biết, đến 7 giờ ngày 16-7, tại các hồ chứa như hồ Hòa Trung ở mức 39,35m/41,10m; hồ Đồng Nghệ ở mức 27,85m/33,3m; hồ Trước Đông thấp hơn tràn 1,9m; các hồ chứa khác đang ở mức thấp do đang ở cuối vụ hè thu. Tuy nhiên, hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng đang tổ chức trực ban; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố, bảo đảm an toàn công trình. Các quận, huyện đang rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét và sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại các khu vực ven sông Túy Loan và Cu Đê.

Cảnh báo mưa lớn và lũ tại Trung Trung bộ

Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cho biết, trưa 16-7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 nên tại khu vực Trung Trung bộ có mưa, rải rác mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 25-70mm, một số nơi ở Quảng Trị cao hơn như Đầu Mầu 89,6mm, đảo Cồn Cỏ 112,4mm.

Từ ngày 16 đến 18-7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 nên tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi 300mm; từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và rải rác có giông với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 150mm.

Từ chiều tối 16-7, trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông Quảng Bình có khả năng lên mức báo động 1; các sông Quảng Trị, Thừa Thiên Huế dưới mức báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông, suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt là khu vực Quảng Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

AN NHIÊN

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.