Khác với những loại giấy tờ thông thường, giấy chứng tử không chỉ có con số, câu chữ mà chứa đựng trong đó nặng trĩu nỗi buồn và niềm thương tiếc vô hạn của gia đình, thân nhân người quá cố. Có đi làm giấy chứng tử cho người thân mới hiểu cái cảm giác mình buộc phải nhìn thẳng vào sự thật: Người thân của mình thực sự đã mất!
Đi làm giấy chứng sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy đăng ký kinh doanh, thậm chí là làm giấy vay nợ cũng hàm chứa trong đó tương lai và hy vọng, nhưng giấy chứng tử thì hoàn toàn ngược lại. Đó là tờ văn bản minh chứng rành rành người thân của ta không còn hy vọng cứu chữa, không còn cơ hội quay về, không thể nào sống lại, rằng không gì chối cãi thực tế người thân của ta đã chia xa mãi mãi. Đôi lúc vì quá đau buồn, ta ao ước cuộc chia xa này chỉ là giấc mơ, khi tỉnh giấc ta sẽ thấy người thân của mình vẫn hiện hữu. Nhưng thường thì cơn ảo mộng này chỉ xuất hiện trước khi chúng ta chính thức cầm trên tay tờ chứng tử. Người thân mất, cả nhà đau; nhận giấy chứng tử, nỗi đau khắc sâu thêm lần nữa. Thế nên việc trao và nhận giấy chứng tử cần nhiều hơn sự đồng cảm để xoa dịu phần nào những đau thương còn mới rợi. Trao giấy chứng tử không chỉ là trao một văn bản mang tính thủ tục pháp lý mà hơn lúc nào hết, đó là thời điểm người trao, cơ quan chức năng có thẩm quyền trao giấy chứng tử thể hiện sự nhân văn để sẻ chia với nỗi mất mát của người dân.
Từ tháng 3-2017, Đà Nẵng triển khai đề án: “Chính quyền thăm viếng, chia buồn và đăng ký khai tử tại nhà cho công dân”. Theo đó, khi người dân mất, cán bộ tư pháp trên địa bàn sẽ đến chia buồn, thăm viếng đồng thời làm thủ tục khai tử ngay tại nhà. Mọi thủ tục hoàn toàn miễn phí, nhanh ngọn trong bối cảnh gia đình có tang gia bối rối. Được biết trước đó, tháng 9-2015, UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đã thí điểm mô hình này. Mới đây, khi người thân mất, gia đình tôi có nhanh chân hơn cán bộ tư pháp một bước là đến UBND phường rất sớm để làm giấy khai tử thay vì đợi làm giấy khai tử tại nhà. Thế nhưng, việc phải đi đến cơ quan công quyền làm giấy khai tử cũng không vì thế khiến gia đình quá bận rộn thêm, bởi mọi thủ tục được thực hiện nhanh, đơn giản và không có chuyện phải tới lui nhiều lần. Sau đó cán bộ phường có đến nhà thăm viếng, chia buồn như những gia đình khác có người mất trên địa bàn. Chuyện trông có vẻ bình thường, rằng “cán bộ phải thế”, nhưng đến khi nhà có tang, được ứng xử như vậy mới thấy lòng ấm áp.
Nhưng chuyện chứng tử đâu chỉ dừng lại ở UBND phường! Nhận giấy báo tử tại bệnh viện cũng là một câu chuyện khác thực sự đáng nói. Tôi đã phải đi lòng vòng mấy tiếng đồng hồ hết khoa này đến khoa khác ở một bệnh viện công lớn trong thành phố để làm thủ tục thanh toán viện phí cho người thân vừa mất. Trả tiền xong, đoạn tiếp theo là tôi phải đến một phòng khác nữa để nhận giấy báo tử. Nhưng muốn nhận báo tử thì phải trình được chứng minh nhân dân của người mất, vì quên mang theo chứng minh nhân dân của “chủ nhân” tấm giấy báo tử ấy, tôi đành ra về lần khác quay lại nhận. Về mà vừa buồn vừa giận, bởi chuyện bệnh nhân mất sau khi điều trị tại bệnh viện hoàn toàn không phải là điều vô can đối với bệnh viện đó, dù bệnh nhân mất với bất cứ lý do gì. Khi nhập viện, bệnh nhân đã cung cấp đầy đủ giấy tờ cá nhân theo yêu cầu của bệnh viện và người bệnh trải qua quá trình điều trị như thế nào thì hơn ai hết bệnh viện nắm rõ nhất. Vậy tại sao khi người bệnh mất, bệnh viện không gửi kèm giấy báo tử cùng biên lai thu tiền cho người nhà để tránh phiền hà gia đình thêm lần nữa? Vì sao phải buộc người nhà chứng minh rằng đúng là người thân của họ đã mất để được nhận giấy báo tử? Được kèm một lời chia buồn trong quá trình trao giấy báo tử thì tốt, còn không, bệnh viện nên chủ động làm thủ tục để bớt đi phần nào nỗi khổ mà gia đình người bệnh đã phải chịu đựng suốt quá trình giành giật sự sống cho người thân của họ. Trao giấy báo tử cho người nhà bệnh nhân xấu số trước hết là trách nhiệm của bệnh viện chứ không chỉ là việc của gia đình người mất. Nói chi xa đến những vấn đề vĩ mô cải cách thủ tục hành chính bệnh viện. Đừng vô cảm trong việc trao giấy báo tử cho người nhà bệnh nhân, có thể cải cách thủ tục hành chính từ khâu đơn giản này, được không?
TOÀN VÂN