Mặc dù chưa có tên trong danh sách “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” của huyện Hòa Vang, nhưng thôn Gò Hà (xã Hòa Khương) vẫn tạo dấu ấn riêng bởi sự đồng thuận cũng như thành tựu đạt được trong nhiều năm qua. Thành công đó một phần nhờ vào bản quy ước được xây dựng và áp dụng hơn 5 năm nay.
Ông Trần Em, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Gò Hà cho biết, tính gắn kết giữa mọi người theo truyền thống làng xã nông thôn tồn tại bao đời nay vẫn được giữ gìn và phát huy, dù có những biến động từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Chi bộ cũng như Ban điều hành thôn đã bàn tính, thống nhất đặt ra bản quy ước 5 điều để mọi người dân trong thôn theo đó thực hiện.
“Cơ bản những quy ước này là sự tổng kết từ những thói quen tích cực, truyền thống đạo đức, văn hóa lối sống, ứng xử của thôn làng bao đời qua, kết hợp những nếp sống mới để kịp thời đại, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tại. Mục đích là nhằm bảo đảm tính công bằng giữa mọi người trong xã hội, tính nghiêm minh cũng như tình đoàn kết láng giềng, làng xóm với nhau. Lúc tắt lửa tối đèn có nhau, “bán anh em xa mua láng giềng gần”, trẻ nhỏ gặp người lớn phải lễ phép… Từ đó, mọi người theo bản quy ước đó thực hiện, thôn xóm sẽ bình yên, mọi người quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau”, ông Em nói.
Trong bản “quy ước 5 điều” treo tại Nhà văn hóa thôn, có nội dung đề cao công tác chống bạo lực, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, trẻ em gái.
Điều 1: Tất cả mọi thành viên trong cộng đồng phải cam kết: không phân biệt đối xử về giới trong các mối quan hệ ứng xử; nói không với mọi hình thức về bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; tham gia tích cực các hoạt động phòng chống mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại địa phương.
Điều 2: Các hộ gia đình, thành viên trong gia đình cam kết: tôn trọng, yêu thương, bình đẳng và chia sẻ công việc, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển; chăm sóc, giáo dục trẻ em theo phương pháp giáo dục tích cực, bình đẳng, không bạo lực; xây dựng gia đình nền nếp, hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ.
Điều 3: Cộng đồng khu dân cư cam kết: đoàn kết, quan tâm, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn; lên án mạnh mẽ mọi hành vi bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Điều 4: Cá nhân, gia đình chung tay xây dựng “Cộng đồng an toàn - bình đẳng - không có bạo lực”. Điều còn lại quy định nhân dân trong thôn thực hiện tốt các nội dung quy ước.
Quy ước luôn được áp dụng vào thực tiễn. Như chuyện về một đôi vợ chồng trong thôn. Người chồng làm công nhân lao động phổ thông, vợ làm nông. Cuộc sống khó khăn, người chồng lại thường sa đà nhậu nhẹt; gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”, nên hạnh phúc có nguy cơ tan vỡ. Thế rồi, Ban nhân dân thôn, các đoàn, thể, chi hội đến động viên, an ủi, kể cả “cảnh cáo” đối với người chồng vũ phu. Trải qua một quá trình được vận động, gia đình vợ chồng ấy hiện sống hạnh phúc, kinh tế gia đình ổn định.
Nhờ cách làm như vậy, thôn Gò Hà suốt nhiều năm qua đạt thành tích đáng ghi nhận, mức thu nhập trên 26 triệu đồng/người/năm; 100% kiệt, hẻm được bê-tông hóa; điện chiếu sáng đạt 80%; môi trường nông thôn đứng đầu xã; đạt “Thôn văn hóa tiêu biểu” duy trì suốt gần 20 năm qua từ cấp thành phố, huyện, xã; trên 10 năm đạt “Chi bộ trong sạch, vững mạnh”… Ông Trần Em chia sẻ, phấn đấu đến 2018 sẽ đạt chuẩn “Thôn kiểu mẫu” có tính bền vững, bởi trước mắt sẽ còn nhiều việc phải làm, phải hoàn thành.
TRỌNG HUY