Có một Phan Duy Nhân - chiến sĩ...

.

...Trong chiến dịch Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa xuân 1968, có lẽ Phan Duy Nhân là người được truyền đạt đầy đủ và sâu sắc nhất chủ trương không chỉ qua các cuộc hội nghị cùng với nhiều ngành mà còn do các anh Tư Thuận (1), anh Hồ Nghinh (2) và nhiều vị lãnh đạo khác đã trực tiếp trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cho anh.

Nhà giáo, nhà thơ Phan Duy Nhân thời trẻ. Ông nguyên là Quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ, nguyên Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, cựu tù Côn Đảo.  (Ảnh tư liệu)
Nhà giáo, nhà thơ Phan Duy Nhân thời trẻ. Ông nguyên là Quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ, nguyên Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, cựu tù Côn Đảo. (Ảnh tư liệu)

Vốn là người Quảng Trị, nhưng cùng với gia đình, anh đã vào sinh sống ở Đà Nẵng từ hồi thơ ấu. Đà Nẵng là thành phố anh gắn bó với bao kỷ niệm, tuổi trẻ, những ngày giác ngộ và dấn thân trong phong trào sinh viên-học sinh và cả khi anh đã đi dạy học.

Anh trở về thành phố mà anh yêu thương trong một sứ mệnh đặc biệt, chưa bao giờ anh nghĩ tới và hình dung nổi.

Anh sẽ trở về Đà Nẵng, nơi anh có người vợ trẻ và đứa con gái đầu lòng chưa được hai tuổi, có bà mẹ suốt đời vất vả nuôi thương anh. Nhưng những gì thân thiết vô cùng và riêng tư ấy như chìm lắng, như mờ đi, bởi lúc này, nhiệm vụ của anh không chỉ là hệ trọng mà còn rất thiêng liêng, như lịch sử đặt trên vai anh và đồng đội.

Phải làm gì đây? Nhiệm vụ được giao cho anh là tạo ngòi pháo, làm nổ ra cuộc đấu tranh để từ đó quần chúng xuống đường tuần hành tiến tới Tổng khởi nghĩa ở Đà Nẵng, sẵn sàng phối hợp với cuộc Tổng công kích của quân ta. Ngọn cờ Phật giáo, ngòi pháo sinh viên. Phương châm ấy được đúc kết từ thực tiễn đấu tranh sinh động. Ngòi pháo là cái mà sinh viên, những trí thức trẻ nhạy cảm tạo cớ để rồi bình địa thành ba đào, còn bây giờ cái cớ là gì đây?

Và một kịch bản được hình thành. Nơi anh chịu trách nhiệm trực tiếp là chùa Tỉnh hội, điểm nổi dậy ở trung tâm thành phố. Anh quyết định chính mình sẽ xuất hiện kêu gọi đồng bào xuống đường. Đã có những tiếng nổ từ phía sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, những tiếng nổ không lớn, không đủ dữ dội làm rung chuyển thành phố. Đà Nẵng trong những giờ phút đầu năm mới vẫn im ắng, chưa choàng tỉnh. Nhưng với anh, những người đang chờ đợi giờ G, đây là hiệu lệnh: Cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa bắt đầu.

Anh đến gặp anh Trần Thận (3) và anh Hà Kỳ Ngộ (4) xin ý kiến và cả hai cùng đồng ý với phương án của anh. Với ý nghĩ xuất hiện công khai trước công chúng đúng vào sáng mồng một Tết phải thật đàng hoàng, quần là thẳng nếp, áo sơ-mi trắng, một Nguyễn Chính gương mặt trẻ trung sáng láng, đôi kính cận của một thanh niên trí thức đã hiên ngang đứng giữa sân chùa Tỉnh hội.

Nhiều đạo hữu đã lục tục đến chùa. Ai cũng ăn mặc đẹp đẽ, trang trọng. Anh nhìn quanh thấy nhiều người của mình, chưa bao giờ lại tụ hội đông như thế này. Anh thấy những cơ sở trong đường dây của mình có mặt đầy đủ. Anh thấy nhiều người từ các mũi khác, cánh khác, anh biết họ được lệnh đến đây để phối hợp với anh, yểm trợ cho anh.

Khi thấy trong sân chùa người đã khá đông, không một chút do dự, anh cầm một chiếc loa pin đã chuẩn bị sẵn, bước ra trước công chúng dõng dạc lên tiếng.

Anh nói như đọc thuộc lòng, nói say sưa những gì anh đã suy nghĩ nung nấu và anh cũng đã viết thành mệnh lệnh khởi nghĩa… Anh thông báo rằng, trên khắp miền Nam, ở tất cả các đô thị, quân giải phóng đã mở đợt Tổng công kích vào tất cả các căn cứ của Mỹ ngụy. Đồng bào các đô thị và cả miền Nam đang vùng lên Tổng khởi nghĩa thực hiện bằng được mục tiêu đuổi Mỹ lật ngụy giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Anh nói về những tội ác trời không dung đất không tha của Mỹ, của chính quyền Thiệu – Kỳ độc tài tham nhũng… Một tên mật vụ có mặt trong sân chùa đã cấp báo sự việc cho cảnh sát. Rất nhanh chóng, những chiếc xe quân cảnh kéo đến, những toán cảnh sát dã chiến và bộ binh súng lăm lăm trong tay, nhảy xuống dàn hàng ngang tiến thẳng vào đoàn người, lúc này đã từ sân chùa tiến ra đường Ông Ích Khiêm, mở đầu cuộc xuống đường. Anh dự kiến đoàn sẽ đi tới chợ Cồn, vừa đi vừa thu hút thêm lực lượng nổi dậy rồi tiến về hướng Tòa Thị chính.

Anh cầm loa đi ở hàng đầu đoàn người phải dừng lại trước một đám cảnh sát và lính đứng chắn ngang, chĩa thẳng súng vào anh đằng đằng sát khí. Anh nói lớn với họ về chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ - cứu nước, cuộc đấu tranh to lớn mà cả Đà Nẵng và đồng bào miền Nam là vì độc lập-tự do-thống nhất của Tổ quốc, cũng là vì cuộc sống yên bình, hạnh phúc của anh em binh lính Sài Gòn.
Một loạt súng nổ vang. Đạn xuyên qua chân anh, máu chảy đầm đìa. Không cảm thấy đau đớn, mặc cho chúng ùa tới đánh đập và kéo anh xềnh xệch trên đường phố, anh vẫn hô vang các khẩu hiệu thúc giục mọi người tiến lên.

Bọn địch ào tới đánh đập bằng ma trắc và báng súng dữ ác hơn. Chúng kéo anh như kéo một cái xác lên xe.

Chúng bắt anh và nhiều người khác chở về Ty Gia Long (Ty Công an ở đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng).

Ở Ty Gia Long, chúng không tra hỏi anh vì tất cả mọi điều chúng đã rõ, chúng tiếp tục đánh đập tàn nhẫn dù một chân của anh đã bị bắn gãy.

Ngay trưa hôm mồng một Tết đó, anh được chuyển đến Trung tâm thẩm vấn hỗn hợp Việt-Mỹ tại Thanh Bình. Câu trả lời duy nhất của anh: “Tôi là thầy giáo bị truy đuổi phải ra vùng giải phóng dạy học và làm phóng viên. Tôi trở về thành phố nhân ngày Tết, bức xúc bất bình vì Mỹ và chính quyền Sài Gòn gây chiến tranh hủy diệt, nô dịch dân tộc, tôi đứng ra kêu gọi đấu tranh. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc xuống đường này. Chỉ tiếc là cuộc nổi dậy không thành công. Nhưng chắc chắn rằng cuối cùng những đồng bào yêu nước chúng tôi sẽ thắng. Việt Nam sẽ chiến thắng”.

Chúng lại chở anh lên Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Khi anh đang nằm trên băng ca, một bác sĩ Mỹ đến gần cúi xuống để nhìn rõ vết thương, một cô y tá người Mỹ bưng một chiếc khay inox đầy các dụng cụ y tế sáng loáng đến bên. Bất thình lình anh lấy hết sức bình sinh bằng cái chân không bị thương, đạp mạnh vào ông bác sĩ, khay dụng cụ đổ nhào xuống.
Những người thầy thuốc Mỹ và cả những cô hộ lý người Việt bàng hoàng giây lát, rồi như họ hiểu từ sâu xa trong tâm trí người tù binh Việt Cộng bị thương là những nhận thức, quan niệm về cuộc chiến, về kẻ thù, về lý tưởng. Họ im lặng nhìn nhau. Máu ở vết thương đã khô. Người rất mệt nhưng anh rất tỉnh táo. Anh la lớn bằng tiếng Việt rồi tiếng Anh: “Tôi bị đạn Mỹ bắn, tôi không cần thuốc, không cần thầy Mỹ, nếu muốn chữa cho tôi hãy đưa đến một bệnh viện người Việt”.

Hai thầy thuốc Mỹ da đen khiêng băng ca anh nằm ra hành lang. Anh được chuyển đến Tổng Y viện Duy Tân (Bệnh viện Quân y 17 ngày nay).

Nhìn những người mặc blouse đứng quanh, anh nghĩ chắc họ cưa cái chân của mình, anh thoáng đọc được một bảng tên: Lê Ngọc Dũng. Anh chưa từng biết bác sĩ Dũng, nhưng bác sĩ Nguyễn Minh Triết, một cơ sở cách mạng ở Đại học Huế có lúc đã nói với anh cái tên này và cho biết có thể tiếp cận được và hy vọng bác sĩ Dũng có thể sẽ trở thành một cơ sở. Sau đó, chính bác sĩ Dũng đã có tiếng nói quyết định và trực tiếp mổ, nhờ vậy đã giữ được cái chân cho anh...

Từ địa ngục Côn Đảo trở về sau ngày Đà Nẵng giải phóng, anh tìm đến bác sĩ Lê Ngọc Dũng nói lời ân nghĩa không chỉ vì chuyện cái chân của anh. Mà còn vì trong sóng gió của năm Mậu Thân ấy, bác sĩ Dũng đã cấp cho anh Hồ Nghinh một giấy xuất viện của Tổng Y viện Duy Tân mang tên một giáo viên ở Hội An, để trên đường thoát khỏi Đà Nẵng, nếu có chuyện gì anh Nghinh dễ bề ứng phó.

Không hiểu sao tôi cứ hình dung anh Nguyễn Chính lúc vượt sông Thu Bồn để vào Đà Nẵng lo việc khởi nghĩa như Kinh Kha qua sông Dịch.

Đem điều này trao đổi với anh, anh nói anh không hề có cảm nhận ấy. Từ khi học tập rồi nhận chỉ thị, được dặn dò, anh chỉ nhớ đinh ninh mình là người khởi nghĩa, là chiến sĩ khởi nghĩa. Đã là chiến sĩ khởi nghĩa thì phải ở thế tiến công và chỉ có thể tiến công không ngừng. Đã là chiến sĩ khởi nghĩa thì luôn tin tưởng ở thắng lợi, mình sẽ thắng, khởi nghĩa sẽ thắng, cách mạng sẽ thắng.

Tôi đã nghe nhiều chuyện về nhiều người, những chiến sĩ khởi nghĩa Mậu Thân năm ấy, và tôi thấy dường như ai cũng có hai điều đó: Ý chí tiến công và niềm tin tất thắng.

NGUYỄN ĐÌNH AN


(1) Phó Bí thư Khu ủy V, kiêm BT Đặc khu ủy Quảng-Đà.

(2) Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Khu ủy viên Khu ủy V, Bí thư ĐKU Quảng-Đà. Sau năm 1975 là Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN, Phó ban Kinh tế TƯ.

(3) Phó BT Đặc khu ủy Quảng-Đà, Bí thư ĐKU Quảng Đà. Sau năm 1975 là Phó Tổng Thanh tra Nhà nước.

(4) Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà.

;
.
.
.
.
.