Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 100.000 lượt đối tượng được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (NCCCM). Trong đó có 17.000 liệt sĩ với hơn 27.000 thân nhân; 12.389 thương, bệnh binh; 1.114 cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945; 18.906 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần… Hiện nay, có gần 22.000 lượt đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hằng năm hơn 330 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi NCCCM, thành phố có nhiều cách làm mới để các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước sớm đến với NCCCM. Đơn cử như các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều được nhận phụng dưỡng với nhiều mức khác nhau. Năm 2002, thành phố kêu gọi các đơn vị nhận phụng dưỡng nâng mức phụng dưỡng lên 300.000 đồng/tháng; năm 2007 nâng lên mức 500.000 đồng/tháng và đến năm 2010 là 1 triệu đồng/tháng trở lên.
Đối với các Mẹ có mức phụng dưỡng thấp hơn mức quy định thì được thành phố sử dụng ngân sách cấp bù cho đủ mức quy định. Đến nay, toàn thành phố có 3.256 Mẹ được phong, truy tặng, hiện 226 Mẹ còn sống. Các cơ quan, đơn vị còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng các vật dụng gia đình, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà, tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng... mang lại cho các Mẹ cuộc sống ổn định về vật chất và tinh thần.
Về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở, Đà Nẵng hiện có gần 26.000 lượt hộ chính sách được hỗ trợ cải thiện nhà ở với nhiều hình thức khác nhau, tổng kinh phí thực hiện trên 520 tỷ đồng. Nổi bật là chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ nằm trong diện giải tỏa đền bù được bố trí đất tái định cư hoặc được thành phố bố trí đất xây dựng nhà ở.
Theo đó, đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 7.700 hộ với kinh phí hơn 188 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho gần 13.000 hộ với kinh hiện trên 200 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở NCCCM, Đà Nẵng hỗ trợ cho gần 5.000 hộ chính sách xây mới và sửa chữa nhà, kinh phí thực hiện trên 141 tỷ đồng.
Theo quy định tại Quyết định số 22/QĐ-TTg, chương trình hỗ trợ sửa chữa nhà ở được Trung ương hỗ trợ 80% kinh phí và địa phương 20%. Trong điều kiện kinh phí Trung ương gặp nhiều khó khăn không cân đối được, thành phố Đà Nẵng đã chủ trương huy động nhiều nguồn: ngân sách của thành phố 50 tỷ đồng; ngân sách các quận, huyện 29 tỷ đồng, huy động từ các sở, ban, ngành, Mặt trận, hội, đoàn thể, lực lượng vũ trang 20 tỷ đồng; vận động doanh nghiệp và Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp 42 tỷ đồng để triển khai chương trình này. Ngoài ra, thành phố còn tặng mỗi hộ 1 chiếc ti-vi khi về nhà mới.
Việc vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cũng đạt nhiều kết quả. Sau 20 năm, Quỹ vận động được 118 tỷ đồng (cấp thành phố 52 tỷ đồng, cấp quận, huyện và phường, xã 65 tỷ đồng). Đây là nguồn kinh phí hết sức quan trọng phục vụ công tác đền ơn đáp nghĩa như: hỗ trợ cải thiện nhà ở; nâng cấp, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công khác, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ sinh kế cho các gia đình có công với cách mạng….
Ngoài chế trợ cấp của Nhà nước, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định hỗ trợ thêm 300.000 đồng/tháng đối với những đối tượng chính sách không có nguồn thu nhập nào khác lại mắc bệnh hiểm nghèo, kinh tế gia đình lâm vào cảnh đặc biệt khó khăn. Sau 8 năm triển khai, hơn 2.300 đối tượng được xét hưởng trợ cấp với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng; kể từ tháng 9 năm 2016, mức trợ cấp được nâng lên 500.000 đồng/tháng.
Để rút ngắn việc thẩm định hồ sơ nhằm triển khai công tác rà soát thân nhân liệt sĩ đủ điều kiện phong, truy tặng theo quy định, Sở LĐ-TB&XH thống nhất với Ban Thi đua-Khen thưởng giao cho Sở và Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện làm đầu mối tiếp nhận kiểm tra hồ sơ và phối hợp với Ban Thi đua-Khen thưởng trình UBND thành phố đề nghị Nhà nước phong, truy tặng. Nhờ chủ động rà soát thân nhân liệt sĩ và có cách làm sáng tạo, trong năm 2014, đã có hơn 1.154 Mẹ VNAH được phong, truy tặng; đặc biệt có 195 Mẹ còn sống được phong tặng trong đợt đầu tiên. Đến nay, đã có 1.672 Mẹ VNAH được phong, truy tặng; nâng tổng số Mẹ VNAH của thành phố Đà Nẵng đã được Nhà nước phong, truy tặng lên 3.256 Mẹ.
Triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đối với con liệt sĩ là chính sách mới đối với thân nhân liệt sĩ. Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, trong khi chờ đợi hướng dẫn chi tiết của Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn các địa phương rà soát thân nhân liệt sĩ không thuộc đối tượng mua thẻ BHYT bắt buộc (chủ yếu là con liệt sĩ).
Nhờ làm tốt công tác rà soát lập danh sách trước, nên sau khi Nghị định số 31 của Chính phủ có hiệu lực (tháng 6-2013), Sở đã mua và cấp thẻ BHYT cho hơn 4.400 con liệt sĩ (85% con liệt sĩ thuộc đối tượng cấp thẻ BHYT được cấp ngay đợt đầu); đến nay đã có 5.200 con liệt sĩ được cấp thẻ BHYT. Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách ưu đãi NCCCM, Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho thành phố hoặc chủ động phối hợp với các địa phương, sở, ban, ngành có liên quan tích cực triển khai để chính sách của Đảng, Nhà nước sớm đến với NCCCM.
Thái Đình Hoàng
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội