Giúp gia đình chính sách ổn định cuộc sống

.

Nhiều năm qua, với sự đồng lòng, chung tay của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân..., nhiều gia đình chính sách ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đã nâng cao được mức sống.

Ông Phạm Tiến, chủ cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Tiến Hiếu đến thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Viết.
Ông Phạm Tiến, chủ cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Tiến Hiếu đến thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Viết.

Chưa đầy 5 phút sau cuộc điện thoại của chị Nguyễn Thị Phụng - cán bộ xã hội phường Hòa Hải, ông Phạm Tiến - chủ cơ sở điêu khắc đá Tiến Hiếu - đã có mặt trước cổng UBND phường để cùng chúng tôi thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Phạm Thị Viết. Khi chúng tôi đến nhà Mẹ tại tổ 130, khối phố Tân Trà, cả nhà đã đông đủ đón chúng tôi như mừng người thân đi xa trở về. Mẹ Viết 109 tuổi nhưng vẫn nói khá rõ: “Mấy con đến thăm Mẹ hả, mấy hôm nay Mẹ đau chân quá”, rồi chỉ vào chân, nói với anh Tiến: “Con bóp chân cho Mẹ”. Vừa bóp chân cho Mẹ, anh Tiến tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, ba là liệt sĩ. Bản thân tôi cũng từng đi bộ đội nên hiểu sự mất mát của những gia đình có chồng, con hy sinh. Vì vậy, khi địa phương đề nghị phụng dưỡng Mẹ VNAH, tôi nhận lời ngay và xem đây vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội bày tỏ sự tri ân với những người hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc”. Không chỉ vậy, cơ sở của anh hiện ưu tiên nhận 12 trên tổng số 20 người làm là con em các gia đình liệt sĩ, bộ đội xuất ngũ.

Phường Hòa Hải hiện có hơn 5.000 hộ với gần 24.000 nhân khẩu, trong đó có đến hơn 1.600 hộ gia đình có công cách mạng, hơn 200 Mẹ VNAH, 328 thương, bệnh binh và 441 hộ thờ cúng liệt sĩ. Nhiều năm qua, phường Hòa Hải là một trong những địa phương luôn làm tốt công tác chăm sóc người có công cách mạng. 15 Mẹ VNAH còn sống đều có đơn vị trên địa bàn nhận phụng dưỡng. Ngoài việc hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng/Mẹ, các ngày lễ, Tết hoặc lúc Mẹ ốm đau, các đơn vị đều đến chăm sóc Mẹ chu đáo như những người con thân yêu trong gia đình. Ngôi nhà các Mẹ sinh sống cũng được đơn vị nhận phụng dưỡng quan tâm sửa chữa, xây mới, mua sắm vật dụng sinh hoạt đầy đủ. Theo chị Nguyễn Thị Phụng, xuất phát từ sự quan tâm, gần gũi này, rất nhiều trường hợp Mẹ đau ốm hay có chuyện vui, gia đình Mẹ đều gọi báo đầu tiên cho các đơn vị nhận phụng dưỡng.

Theo bà Mai Thị Nga, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn, những năm qua, các hội, đoàn thể đều có nhiều việc làm thiết thực giúp các gia đình có công cách mạng thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Điển hình như Đoàn Thanh niên có chương trình nhận chăm sóc các gia đình Mẹ VNAH, gia đình thương binh - liệt sĩ neo đơn bằng cách giới thiệu việc làm, tham gia trực tiếp vào việc sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Hội Phụ nữ có phong trào huy động vốn từ hội viên cho các chị em gia đình chính sách khó khăn vay vốn không lãi suất. Hội Cựu chiến binh phát động chương trình “Vì đồng đội năm xưa” như giới thiệu việc làm cho con em cựu chiến binh, giới thiệu các lớp học nghề miễn phí, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... Đến nay, trên địa bàn phường không còn gia đình chính sách là hộ nghèo theo tiêu chuẩn cũ của thành phố.

Đặc biệt, thực hiện chính sách nhà ở cho đối tượng có công cách mạng, phường đã có 172 gia đình được hỗ trợ gần 7,5 tỷ đồng sửa chữa nhà. Ngoài ra, phường đầu tư 340 triệu đồng xây dựng 6 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình là thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn về nhà ở. 1 tỷ đồng vận động từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” phường cũng kịp thời đến với các gia đình chính sách bằng nhiều việc làm thiết thực. Riêng với chương trình tặng sổ tiết kiệm, 5 năm gần đây, phường trao 250 sổ với trên 150 triệu đồng tặng các gia đình chính sách neo đơn khó khăn.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.