Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là việc làm thường xuyên, được tổ chức hằng năm trên toàn thành phố. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong chiến dịch, mỗi quận, huyện phải có cách làm riêng, phù hợp tình hình địa phương.
Sinh hoạt chuyên đề dành cho phụ nữ mang thai đang sống ở các phường ven biển Đà Nẵng. Ảnh: M.T |
Tại quận Sơn Trà, ngay ngày đầu ra quân chiến dịch, trên địa bàn quận đã rộn ràng như ngày hội. Băng rôn, khẩu hiệu cổ động được trang hoàng tại các trạm y tế phường, các trục đường chính, nơi thực hiện các dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ. Nhiều hình thức tuyên truyền như cấp phát tài liệu, phát thanh, chuyện truyền thông... thu hút đông đảo người dân hưởng ứng. Nhờ vậy, trong chiến dịch truyền thông năm 2017 (tính đến 30-6-2017), toàn quận thu hút được hàng nghìn đối tượng thực hiện gói dịch vụ KHHGĐ, đạt 107% chỉ tiêu; gói phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản đạt trên 100% chỉ tiêu. Điểm mới trong chiến dịch lần này là cộng tác viên dân số-sức khỏe cộng đồng ở các phường đã khảo sát lập danh sách các nhóm đối tượng có 2 con chưa thực hiện KHHGĐ; đồng thời chú trọng tư vấn nhóm đối tượng sinh con một bề chưa thực hiện KHHGĐ và tổ chức tuyên truyền, tư vấn nhóm, tư vấn tại hộ gia đình. Ngoài tuyên truyền 3 gói dịch vụ, chiến dịch còn tuyên truyền việc chọn lựa giới tính khi sinh, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, lợi ích khi tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Trạm y tế phường cung cấp dịch vụ KHHGĐ và phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng công việc để tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thực hiện. Bên cạnh đó, phải kể đến sự quan tâm, đầu tư kinh phí của lãnh đạo quận. 6 tháng đầu năm 2017, toàn quận đầu tư cho công tác dân số gần 186 triệu đồng; đồng thời, kịp thời khen thưởng những tập thể và cá nhân đạt kết quả tốt trong đợt chiến dịch.
Để chiến dịch truyền thông đạt kết quả cao, tất cả các phường đã huy động lực lượng cộng tác viên dân số đến từng nhà, gặp từng đối tượng. Chị Phương Hoa (khu vực Thành Vinh 1, phường Thọ Quang) cho biết: “Nhờ cộng tác viên đến trò chuyện, tư vấn, tôi quan tâm sức khỏe hơn trước. Vợ chồng tôi có con “một bề”, anh ấy làm nghề biển nhưng vẫn quyết định đặt vòng tránh thai lâu dài, vợ chồng an tâm làm ăn, ổn định kinh tế gia đình. Được cán bộ y tế tư vấn, tôi thường xuyên thăm khám phụ khoa định kỳ vì nếu mắc bệnh mà để lâu sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm tính mạng”.
Chị Trần Hà Thị Minh Nguyệt, cán bộ chuyên trách dân số phường Nại Hiên Đông cho biết: “Chiến dịch truyền thông dân số đợt 1 được hoàn thành xuất sắc chính là nhờ toàn quận tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động, trạm y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trang thiết bị, thuốc, công tác tư vấn…”. Đợt tuyên truyền tập trung cũng là cơ hội giúp chị em lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp và hiểu biết thêm các vấn đề như kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, lợi ích khi tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi. Hình thức tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày nói một ít, dần dà, chị em hiểu được lợi ích thiết thực của CSSKSS”.
Qua mỗi đợt chiến dịch, nhận thức và hành vi về dân số, CSSKSS của người dân quận Sơn Trà có chuyển biến rõ rệt. Người dân tự nguyện sử dụng các biện pháp phòng tránh thai, sinh ít, sinh thưa để có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con tốt. Đặc biệt, phụ nữ đã xóa bỏ được tâm lý e ngại, chủ động tham gia và có hiểu biết tốt hơn về công tác dân số, CSSKSS.
MINH TUẤN