ĐNĐT – Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có công điện nhằm ứng phó với bão.
Tất cả tàu thuyền đã nhận được thông tin bão số 4. Ảnh: AN NHIÊN |
Trong đó, công điện đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng khẩn trương thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Lưu ý các tàu thuyền hoạt động ở những vùng nguy hiểm.
Bộ đội Biên phòng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thường xuyên cung cấp tình hình tàu thuyền cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Đến sáng 24-7, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết, hiện còn 159 phương tiện/1.322 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó có 9 phương tiện/117 lao động đang hoạt động ở phía đông và đông bắc Hoàng Sa, 6 phương tiện/69 lao động hoạt động ở tây Hoàng Sa, 6 phương tiện/35 lao động hoạt động ở khu vực biển Hải Phòng, 25 phương tiện/213 lao động đang hoạt động tại vùng biển và ven bờ từ Nghệ An đến Quảng Bình, 49 phương tiện/455 lao động hoạt động tại vùng biển và ven bờ từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế, 50 phương tiện/324 lao động hoạt động từ vùng biển Đà Nẵng đến Quảng Nam và 14 phương tiện/109 lao động hoạt động tại vùng biển Quảng Ngãi đến Bình Định.
Tất cả các phương tiện đều đã nhận được thông tin bão và hướng di chuyển của bão.
Cảnh báo mưa lớn và ngập lụt tại khu vực miền Trung. Ảnh: AN NHIÊN |
Trong khi đó, sáng 24-7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp nhằm ứng phó với bão số 4. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Hoàng Văn Thắng đề nghị các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thông báo kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn, hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án phòng, tránh theo nội dung Công điện số 29 ngày 23-7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Cơ quan chức năng tiếp tục thông tin cảnh báo vùng nguy hiểm của bão căn cứ vào tình hình thực tiễn diễn biến bão, trên cơ sở đó các địa phương chủ động cấm biển, cần hết sức quan tâm đến đến vấn đề hồ chứa, công tác xả lũ, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Theo báo cáo ngày 24-7 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.774 phương tiện/249.329 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Số tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm (gồm cả quần đảo Hoàng Sa) là 415 tàu/3.319 lao động, neo đậu tại bến 51.651 phương tiện/180.782 lao động, hoạt động tại các khu vực khác 9.708 tàu/65.228 lao động…
Cũng trong ngày 24-7, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cho biết, do ảnh hưởng của rìa phía nam dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão số 4 nên tại khu vực Trung Trung Bộ có mưa rào và giông rải rác, có nơi có mưa vừa.
Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cảnh báo: Từ chiều nay (24-7) đến hết ngày 26-7, tại khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa trên diện rộng với lượng mưa phổ biến 50-150mm, riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có nơi trên 200mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
AN NHIÊN