Lạm dụng tên nước ngoài trên biển hiệu-Bài 1: "Loạn" biển hiệu tiếng nước ngoài

.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo; trong đó có yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo chấn chỉnh việc trình bày bằng chữ viết tiếng nước ngoài trên bảng quảng cáo, biển hiệu của các tổ chức, cá nhân... Trên thực tế, việc chấn chỉnh này đang gặp khó khăn do những khoảng trống trong quy định của pháp luật và việc kiểm tra, xử lý chưa chặt chẽ.

Là một đô thị lớn, Đà Nẵng cũng đang chịu áp lực trong việc chấn chỉnh hiện tượng này.

Một góc đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà) có các biển hiệu chủ yếu tiếng nước ngoài.  						          Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Một góc đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà) có các biển hiệu chủ yếu tiếng nước ngoài. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Bài 1: “Loạn” biển hiệu tiếng nước ngoài

Trên các đường phố Đà Nẵng, nhất là những tuyến đường du lịch, đâu đâu cũng thấy biển hiệu tiếng nước ngoài. Điều này làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt và cả xây dựng thương hiệu Việt.

Dạo quanh một vòng các tuyến đường trung tâm thành phố, biển hiệu tiếng nước ngoài nhan nhản từ khách sạn lớn đến nhà hàng, các dịch vụ mua sắm, quán ăn, quán giải khát...

Biển hiệu của các khách sạn, nhà hàng chủ yếu những cái tên nước ngoài như: Luxury Hotel, Golden Sea, Grand Sea, Bamboo Green, Nesta Hotel, Bantique Hotel, Adina Hotel, Diamond Sea, Rich Hotel, White House, Rainbow, White Swan, Forever, 4U, Mysikga... Biển hiệu của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ hơn cũng ở tình trạng tương tự. Phổ biến là biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài như Bagy Bag, Oahi, Beach Spa, Beauty Spoon, Men, So Yummy, Well Best… hoặc tên tiếng Việt cộng với từ tiếng Anh “shop, store, house, restaurant, coffee, drink, milk, food, nail” kiểu “nửa nạc nửa mỡ” như: Hair Salon Hay, Lọ Lem Shop, Ly House, Việt Pro... Hoặc tình trạng lạm dụng tiếng Anh trên biển hiệu nhằm quảng cáo chất lượng loại hình dịch vụ của cửa hàng như: Dress is an art, best for baby, professional...

Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn quận Hải Châu, tại đường Trần Phú (đoạn đường Trần Quốc Toản đến Nguyễn Văn Linh), có đến 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ trưng biển hiệu tiếng nước ngoài như: Big Bang, Prosecco Ristorance, Hot & cold, The Coffee House, Alice... Thời gian phục vụ, các món ăn, loại hình dịch vụ cũng được ghi dưới tên cơ sở kinh doanh, trên các tấm bảng nhỏ hoặc dán ở cửa ra vào, hai bên hông cửa hiệu, nhà hàng hoàn toàn bằng tiếng Anh, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ví dụ, bằng tiếng Anh như: Massage foot - body - sauna - nail, restaurant bar & coffee, authentic Italian cuisine, set lunch menu, open daily...

Tương tự, tại đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ Lê Duẩn đến Lý Thường Kiệt) thuộc quận Hải Châu có 15 biển hiệu sử dụng có yếu tố tiếng nước ngoài, đường Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn) có 17 biển hiệu sử dụng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Trung...

Tại các tuyến đường du lịch của quận Sơn Trà, biển hiệu có sử dụng yếu tố tiếng nước ngoài, đặc biệt tiếng Hàn Quốc khá phổ biến như: Trầm Hương Soo Gong Jin Dan, Nhà hàng Mysikga, Nhà hàng Lẩu Đà Nẵng (đường Phạm Văn Đồng), Nhà hàng V&K, Ba Hưng Bakery (đường Nguyễn Văn Thoại), Bếp Vàng Gold Kitchen, Glow Spa, Spa Xinh Xinh (đường Ngô Quyền)...

Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu gây bức xúc trong một bộ phận người dân. Ông Nguyễn Văn Mên (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) bày tỏ: “Đi trên những con đường Đà Nẵng bây giờ, tôi thấy quá nhiều biển hiệu tiếng nước ngoài, có những cửa hàng biển hiệu toàn tiếng Anh, nhìn vào mặt hàng trưng bày mới biết họ bán gì. Vì thế, thỉnh thoảng bắt gặp những biển hiệu ghi đơn giản tiệm may, cửa hàng, hiệu buôn… tôi cảm thấy quý vô cùng, nó gợi lên sự thân thuộc”.

Trong khi đó, ông Hồ Hải Học, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) cho biết, hơn 20 năm trước, Nghị định số 194-CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam, Điều 5, Chương II quy định nội dung quảng cáo phải rõ ràng, dễ hiểu tránh gây nhầm lẫn và phải phù hợp với văn hóa, phong cách Việt Nam nói chung và đặc thù của từng địa phương nói riêng; tiếng nói và chữ viết trong quảng cáo phải là tiếng nói và chữ viết Việt Nam. “Như vậy, vấn đề giữ gìn tiếng Việt luôn được đề cao. Hồi đó, công tác thanh tra, xử lý vi phạm cũng đã đẩy mạnh, nhưng tương đối dễ dàng vì biển hiệu tiếng nước ngoài không nhiều và tràn lan như ngày nay”, ông Hồ Hải Học chia sẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Trần Văn Sáng, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) lý giải, việc hội nhập quốc tế không thể không xảy ra tình trạng giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ, văn hóa giữa các nước với nhau. Do vậy, hiện tượng biển hiệu được ghi bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung... tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc lạm dụng tiếng nước ngoài trên các biển hiệu như hiện nay quả đáng báo động. Đó là việc tùy ý viết biển hiệu bằng ngôn ngữ nào miễn là mình thích; viết tiếng Việt không đúng, sai chính tả; viết tiếng nước ngoài không chuẩn, không có tiếng Việt kèm theo; viết tiếng nước ngoài lấn át tiếng Việt cả về kích cỡ và lượng thông tin... Điều đó không những làm ảnh hưởng đến tiếng Việt trong đời sống, mà còn tạo cái nhìn lệch lạc về cách sử dụng ngôn ngữ hiện nay của một bộ phận người Việt.

TS Trần Văn Sáng, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Sự lạm dụng làm mất bản sắc văn hóa của thành phố du lịch

Ngôn ngữ/chữ viết là linh hồn của dân tộc. Nó không chỉ thực hiện chức năng truyền đạt thông tin/thông báo mà còn ký thác bản sắc văn hóa-tộc người. Điều đó có nghĩa là tiếng Việt, chữ Việt thể hiện tâm hồn, bản sắc văn hóa Việt Nam. Cho nên, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là tối quan trọng, ngôn ngữ sách, ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ biển hiện cũng vậy. Sự lộn xộn, thiếu chuẩn mực trong cách viết ngôn ngữ biển hiệu như hiện nay sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, mất đi bản sắc văn hóa Việt, nhất là thành phố du lịch hội nhập quốc tế sâu rộng như Đà Nẵng.

NGUYỄN THÀNH - NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.