Dấu ấn nông thôn mới Hòa Vang-Bài 2: Bài toán tăng thu nhập cho nông dân đã có đáp án

.

Muốn xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững thì yếu tố then chốt nhất là thu nhập cho người nông dân phải được cải thiện. Thực tế đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương phải tìm ra các giải pháp hiệu quả, giúp người nông dân vơi bớt nỗi cơ cực với ruộng đồng, nâng cao thu nhập.

Mô hình trồng hoa ở xã Hòa Ninh giúp người nông dân tăng thu nhập bền vững.
Mô hình trồng hoa ở xã Hòa Ninh giúp người nông dân tăng thu nhập bền vững.

Nhạy bén với các mô hình kinh tế

Không ai khác mà chính tác động tích cực của quá trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế đã giúp tư duy người nông dân Hòa Vang thay đổi nhanh chóng. Một trong những người tiên phong đó là anh Nguyễn Xuân Hùng, xã Hòa Châu, người được mệnh danh là “Hùng hoa lan” trên mảnh đất Hòa Vang.

Anh Hùng chia sẻ, xuất phát từ mong muốn làm sao để cuộc sống bớt nhọc nhằn, anh truy cập mạng Internet tìm hiểu các mô hình làm ăn hiệu quả. Và rồi, người thanh niên trẻ thích thú với mô hình trồng hoa phong lan Mokara tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Quyết tâm theo đuổi mô hình này, anh đến tận nơi để học hỏi kinh nghiệm.

Năm 2012, anh Hùng chọn quê hương Hòa Châu để đầu tư nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới bằng vòi phun xoay và mua 500 cây phong lan về trồng. Vườn phong lan của anh đơm bông rất đẹp sau 18 tháng khổ công chăm sóc. Đến kỳ thu hoạch, anh Hùng cắt những cành hoa lan khoe sắc rực rỡ giao cho các cửa hàng hoa trong nội thành. Thành công nối tiếp thành công, anh Hùng nhân lên 2.000 cây phong lan Mokara. Đến nay, trang trại hoa lan của anh Hùng được mở rộng hơn, mỗi năm mang lại thu nhập hơn nửa tỷ đồng.

Ở huyện Hòa Vang, không thiếu những nông dân biết dựa vào nguồn vốn vay phát triển mô hình trang trại để làm giàu. Tiêu biểu như mô hình nuôi heo theo công nghệ Mỹ của anh Nguyễn Duy Tuấn, xã Hòa Khương. Với số vốn 3 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, anh Tuấn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại đạt tiêu chuẩn khép kín và hoàn toàn cách ly với bên ngoài.

Hệ thống làm lạnh tự động và công nghệ xử lý chất thải không để lại mùi hôi giúp 40 con heo giống nhập từ Mỹ sinh trưởng khỏe mạnh và phát triển nhanh. Mỗi năm đàn heo giống này sinh sản khoảng 1.000 con heo con để anh Tuấn nuôi thương phẩm. “Lãi ròng mỗi năm hơn 300 triệu đồng giúp đời sống gia đình tôi ngày càng có của ăn, của để và tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi”, anh Nguyễn Duy Tuấn phấn khởi cho biết.

Thực tế ở huyện Hòa Vang cho thấy, nếu cứ tiếp tục sản xuất manh mún thì rất khó tạo nên cánh đồng mẫu lớn, chủ trương dồn điền đổi thửa cũng sẽ bị phá sản. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền của huyện Hòa Vang đã vận động người nông dân đổi mới tư duy sản xuất, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, tạo nên cánh đồng mẫu lớn, dần phá bỏ thế độc canh của những loại cây cho thu nhập thấp.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, đến nay, huyện đã đầu tư gần 300 tỷ đồng để giúp người nông dân phát triển hàng trăm mô hình kinh tế, góp phần tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Nhiều mô hình mới đã thực sự phát huy hiệu quả kinh tế, như: trồng dưa hấu hắc mỹ nhân ở xã Hòa Khương; nuôi heo thương phẩm ở các xã Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Tiến...; trồng nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi tại Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Bắc, Hòa Khương; nuôi trồng thủy sản ở thôn Nam Thành, Hòa Khê (xã Hòa Phong); thôn Phước Sơn, Phú Sơn (xã Hòa Khương); nuôi tôm ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên; nuôi cá chình, cá dìa, ba ba ở xã Hòa Ninh, Hòa Khương…

Ước tính, các mô hình sản xuất mà Hòa Vang đang triển khai đã mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân hàng chục tỷ đồng/năm. Đây là tiền đề để nông dân Hòa Vang vững tin vào sự đổi thay lớn về thu nhập thông qua những mô hình kinh tế hiệu quả.

Thông qua phát triển các mô hình kinh tế bền vững cùng sự hỗ trợ từ các chương trình an sinh xã hội, cho vay vốn và đào tạo việc làm vùng nông thôn, đời sống người dân Hòa Vang đổi thay rõ nét. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của người dân Hòa Vang chỉ khoảng 15 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2015, đạt 27,7 triệu đồng/người/năm.

Ước tính đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân sẽ nâng lên 38,5 triệu đồng/người/năm. Huyện phấn đấu đến năm 2020, mỗi người dân Hòa Vang có mức thu nhập bình quân 65 triệu đồng/người/năm, hơn 4 lần so với thời điểm năm 2010 và bằng mức thu nhập trung bình của người dân thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Xây dựng thương hiệu nông sản Hòa Vang

Tín hiệu vui là sau khi các HTX nông nghiệp kiểu mới được củng cố, kiện toàn đã quy tụ nhiều nông dân tâm huyết tham gia làm hội viên. Riêng ở xã Hòa Tiến, HTX nông nghiệp 1 và HTX nông nghiệp 2 đã duy trì và phát triển rất tốt mô hình sản xuất lúa giống quy mô cánh đồng mẫu lớn, cung ứng ra thị trường hàng chục tấn lúa giống/năm.

Lợi thế là các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC), tăng năng suất trên cùng một diện tích ngày càng mang lại hiệu quả trên mảnh đất Hòa Vang. Nhiều khách hàng từ các tỉnh miền Bắc lặn lội đến Hòa Vang để tìm mua nấm linh chi với giá 900.000 đồng/kg, mức giá này cao hơn các nơi khác khoảng 100.000đồng/kg do chất lượng nấm vượt trội.

Tại xã Hòa Ninh, vùng trồng hoa ứng dụng CNC với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng được đưa vào sản xuất mang lại doanh thu khoảng 600 triệu đồng/năm. Đây là mô hình trồng hoa chuyên canh sản xuất hoa quanh năm tương tự các vùng trồng hoa thương phẩm ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài ra, còn có vùng rau an toàn Phú Sơn Nam với tổng diện tích hơn 15ha tại xã Hòa Khương; mỗi năm cho năng suất bình quân 30 đến 50 tấn/vụ/héc-ta, doanh thu 480 triệu đồng/héc-ta, lợi nhuận từ 200 đến 250 triệu đồng/héc-ta.

Các sản phẩm rau, quả được trồng theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel nên năng suất cao hơn từ 3 đến 4 lần so với tưới thủ công. Tại đây, có 3 doanh nghiệp bỏ vốn hàng tỷ đồng đầu tư hệ thống sản xuất, đóng gói hiện đại để đưa đi tiêu thụ tại các chợ, siêu thị trong và ngoài thành phố. Khi hình thành vùng sản xuất nông nghiệp an toàn và chất lượng, huyện Hòa Vang tiến hành lập thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Rau, hoa, củ, quả Hòa Vang”. Góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch của người tiêu dùng trong và ngoài thành phố.

Ngoài phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao năng suất, thu nhập trên cùng một diện tích, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết, huyện đã và đang tạo ra đột phá mới để nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đó là kết hợp đưa nông dân có hoàn cảnh khó khăn sang Hàn Quốc học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, đồng thời lao động để mang về thu nhập từ 80 đến 110 triệu đồng sau 3 tháng xuất ngoại. Có thể thấy, bằng nhiều giải pháp phát triển mô hình kinh tế và khuyến khích nông dân nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, huyện Hòa Vang đã giúp người nông dân tăng thu nhập đáng kể.

Tuy nhiên, để tránh thiệt thòi cho bà con nông dân khi được mùa nhưng rớt giá, hiện nay huyện Hòa Vang đang phối hợp với các ngành chức năng thành phố như ngành nông nghiệp và công thương, từng bước tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, khuyến khích người nông dân và doanh nghiệp tăng cường trao đổi thông tin, tìm hiểu thị trường để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, tránh bấp bênh.

Cuối năm 2013, huyện Hòa Vang xóa hết hộ nghèo theo chuẩn Trung ương giai đoạn 2010-2015 (thu nhập 400.000 đồng/người/tháng). Cuối năm 2015, Hòa Vang xóa hết hộ nghèo theo chuẩn thành phố dành cho khu vực nông thôn giai đoạn 2013-2017 (thu nhập 600.000 đồng/người/tháng). Đến cuối năm 2019, huyện phấn đấu xóa hết hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới đa chiều của thành phố dành cho khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020 (thu nhập 1.100.000 đồng/người/tháng).

"Ở Hòa Vang xuất hiện ngày càng nhiều nông dân giỏi. Nhiều vùng rau an toàn, cây ăn trái, vùng nuôi tôm, cá thương phẩm cho giá trị hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đây là minh chứng cho tư duy đổi mới về nông nghiệp, nông thôn và nông dân rất đúng đắn của Đảng”

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành

Bài và ảnh: Việt Dũng-Quốc Khải

;
.
.
.
.
.