Chính trị - Xã hội
Phiên họp toàn thể lần thứ ba Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
Ngày 25-9, Phiên họp thứ ba Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV đã diễn ra tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chủ trì Phiên họp.
(Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN) |
Tham dự Phiên họp có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; đại diện các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan đối ngoại, các bộ, ngành, địa phương.
Tại phiên họp này, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tập trung thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; báo cáo của Chính phủ về tình hình thế giới, khu vực và công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước năm 2017; nghe báo cáo chuyên đề của Bộ Ngoại giao về tình hình ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế giữa Việt Nam với các nước.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá Hồ sơ, tài liệu, nội dung chuẩn bị cho phiên họp này rất chặt chẽ, bài bản.
Với Dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong 11 điều sửa đổi của Dự án Luật, có 6 điều đã cơ bản được thống nhất.
Như vậy, tại Phiên họp này, các đại biểu tập trung cho ý kiến đối với 5 điều còn lại gồm: Các điều quy định về mua sắm tài sản cho, đầu tư xây dựng các Cơ quan đại diện ở nước ngoài; tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cử, triệu hồi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền; chế độ chính sách đối với người di cư; kinh phí hỗ trợ cho con các thành viên cơ quan đại diện còn gặp nhiều vướng mắc cần làm rõ, thống nhất.
Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết cần sửa đổi, bổ sung một số điều Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Theo đó, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến chi tiết, bổ sung để khắc phục những bất cập, hạn chế trong Dự án Luật để các điều, quy định của Luật được đầy đủ, chặt chẽ hơn.
Những ý kiến đóng góp trên sẽ được Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tập hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Theo Vietnam+