Chính trị - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC: Thu nhập bình quân người dân miền Tây phải lên 10.000 USD/năm

08:00, 28/09/2017 (GMT+7)

Sau khi trực tiếp thị sát bằng trực thăng các khu vực bị ảnh hưởng và tác động bởi biến đổi khí hậu thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sáng 27-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thảo luận toàn thể của Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra tại Cần Thơ. Cùng điều hành phiên thảo luận sáng 27-9 có các Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng.

Thủ tướng mong muốn các đại biểu phản biện những vấn đề mà Chính phủ và các bộ trưởng đặt ra để tìm những giải pháp tốt nhất.    	                 Ảnh: VGP
Thủ tướng mong muốn các đại biểu phản biện những vấn đề mà Chính phủ và các bộ trưởng đặt ra để tìm những giải pháp tốt nhất. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc phiên tổng thể hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị nhằm mang lại những điều tốt hơn cho cuộc sống của gần 20 triệu người dân, đồng thời cùng vượt qua thách thức để có một tương lai xán lạn. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân”.

Nhắc lại chuyến thăm chính thức Hà Lan tháng 7 vừa qua và chuyến thị sát bằng trực thăng ngày 26-9 các điểm chịu tác động bởi BĐKH tại khu vực ĐBSCL, Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các giải pháp phi công trình, giải pháp công trình trong việc xây dựng quy hoạch phát triển thích ứng với BĐKH. Thủ tướng cho rằng, nếu không tổ chức tốt mô hình sản xuất phù hợp thì sẽ phải trả giá đắt với thiên nhiên. Theo đó, Thủ tướng đề nghị cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó vấn đề đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân có ý nghĩa rất lớn.

Bày tỏ lạc quan về tương lai của khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với vùng ĐBSCL là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở làm cho đất và nước điều hòa để nâng cao đời sống của nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết với quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, của doanh nghiệp và các đối tác quốc tế, huy động nguồn lực cần thiết có thể được, cụ thể hóa thành các hành động, thực hiện các sáng kiến, các nhiệm vụ, giải pháp từ hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này, biến thách thức thành thời cơ, chủ động sống chung với lũ… “Tôi không cho rằng đây là nguy cơ, mà là thách thức”, Thủ tướng chia sẻ.

Trên cơ sở kết quả các phiên thảo luận, Thủ tướng đề nghị hội nghị xác định rõ tất cả thách thức mang tính sống còn mà ĐBSCL đang đối mặt và phải vượt qua trong thời gian tới, trong đó cần có đầy đủ căn cứ khoa học, thực tiễn khách quan, có tính đến các kịch bản biến đổi khí hậu và những tác động từ bên ngoài. “Người ta nói là ĐBSCL sắp mất trong khoảng 50-70 năm nữa trong khi nhiều đồng bằng ở nhiều nước khác cũng bị tình trạng như ta, họ đã vượt lên, đã làm giàu hơn. Đó có phải là thực tiễn đối với Việt Nam không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở nhận định về các xu thế, thách thức và cơ hội, cần chỉ ra quan điểm chỉ đạo đối với việc định hình chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt liên quan đến việc sắp xếp quy hoạch lại không gian lãnh thổ cho các tiểu vùng kinh tế sinh thái như nước mặn, nước ngọt, nước lợ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lao động, kết cấu hạ tầng, định hướng đầu tư, bảo đảm sự phát triển tổng thể, kết nối trong toàn vùng, kết nối với TP. Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía nam, bảo tồn những giá trị cơ bản, cốt lõi của vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kế hoạch để ĐBSCL ứng phó BĐKH nhằm phát triển, đưa GDP bình quân đầu người lên 10.000 USD vào năm 2050. Thủ tướng nói rằng, trong bối cảnh BĐKH, ĐBSCL phải chủ động sống chung với lũ, chủ động sống chung với hạn mặn, nhưng không phải chỉ thích ứng với ngoại cảnh mà còn tận dụng, phát triển để tăng trưởng kinh tế của vùng cũng như sinh kế của địa phương, đặt mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ người dân...

“Quan điểm của Chính phủ, của Đảng là phát triển để phục vụ người dân là quan trọng nhất, và với một tinh thần giảm khoảng cách giàu nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nêu rõ. Theo đó, cần phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên đã có sẵn trong vùng.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng để nâng cao hiệu quả thực chất, thu gọn đầu mối, lấy quản lý thông minh tài nguyên nước và thích ứng với BĐKH là trọng tâm xuyên suốt. Phải khắc phục nhanh việc quản lý Nhà nước thừa chồng chéo, nhưng thiếu phối hợp, chậm ban hành một cơ chế phát triển vùng.

“Chúng ta thiếu chính sách tạo nên sự liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản vùng đồng bằng. Những vấn đề gợi lên như vậy, tôi giao cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhất là cơ chế điều phối vùng sẽ được thành lập ngay sau hội nghị này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

"Mục tiêu đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, GDP gần 10.000 USD/người/năm”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

B.T

.