BẾ MẠC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6 KHÓA XII

Đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là nhiệm vụ cấp bách

.

Sau 7 ngày làm việc, sáng 11-10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Toàn cảnh bế mạc hội nghị.  				                                               Ảnh: TTXVN
Toàn cảnh bế mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu bế mạc hội nghị, đề cập nội dung về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (HTCT), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, BCH Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này.

Quy định chặt chẽ hơn về biên chế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong thời gian tới, toàn HTCT phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới HTCT đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Theo đó, cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của HTCT phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; trên cơ sở đó xác định những công việc cần thiết và có thể triển khai thực hiện ngay. Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; có chính sách phù hợp để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp “hàm”.

Xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của HTCT. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn các đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc HTCT theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm tỷ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng. Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương. Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; xây dựng chế tài và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có vi phạm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phục vụ lãnh đạo, điều hành; tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao; còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn. Ví dụ như: kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ; đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND. Thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, những nơi có đủ điều kiện. Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành cho phù hợp. Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. 			                                Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: BCH Trung ương khẳng định bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả HTCT và toàn xã hội; đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó ngành y tế và các ngành có liên quan là lực lượng nòng cốt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nghề y là nghề cao quý với nhiều đặc thù riêng, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng; xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập. Phát triển cân đối, đồng bộ giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa dân y và quân y, gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trên tất cả các ngành và lĩnh vực có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải chủ động, tích cực vào cuộc; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào toàn dân tham gia rèn luyện thân thể; cải thiện điều kiện sống, lối sống và làm việc; bảo vệ môi trường sinh thái và vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, sinh hoạt điều độ, lành mạnh.

Đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con

Tổng Bí thư nhấn mạnh: BCH Trung ương đánh giá cao những cố gắng và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ở nước ta nhiều năm qua với những kết quả quan trọng đã đạt được. Tuy nhiên, tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số; phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển.

Trung ương khẳng định chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia. Coi công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững; Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.

Đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước với quy mô dân số hợp lý (khoảng 104 triệu người vào năm 2030). Tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Ngăn ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con. Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

B.T

;
.
.
.
.
.