Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Bộ không làm thì Chính phủ làm"

.

Tại buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 25-10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết Thủ tướng đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển ​nông thôn trong công tác xây dựng thể chế, đổi mới chính sách. Đây là thành công rất lớn của Bộ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tập trung hoàn thiện thể chế

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp, nhanh chóng tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý phân bón, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý các vấn đề tại Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng như nhiều văn bản khác liên quan.

Tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục đổi mới, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp cũng là điểm nổi trội của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến với những thông tin, chỉ số quan trọng như xuất khẩu nông lâm, thủy sản 9 tháng năm 2017 tăng 14,1%, mục tiêu GDP toàn ngành năm 2017 tăng 2,78%.

Mặt hàng thịt gà đã xuất khẩu sang Nhật Bản - một thị trường rất khó tính, yêu cầu khắt khe từ khâu sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm; nhiều mặt hàng hoa quả của Việt Nam lần đầu tiên xuất sang nước ngoài và đã nhận được các đơn hàng của một số nước... là những tín hiệu đáng mừng. Những chuyển đổi đó tạo ra cơ chế rất rõ để thúc đẩy thủy sản tăng, nông nghiệp chế biến tăng.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những nội dung lớn trong thời gian qua như tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long," đặc biệt là tổ chức thành công Hội nghị về biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long, được đánh giá cao về mặt quy mô, hiệu quả, chất lượng, tác động rất lớn đến trên 20 triệu dân của khu vực này.

Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là trong cơn bão số 10 -  một cơn bão mạnh, có sự tàn phá rất lớn nhưng với sự dự báo chính xác, tinh thần chủ động tham mưu của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và quyết định đóng mở cửa các hồ đập thủy điện hợp lý, cấm tàu thuyền không ra khơi... đã góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

"Thủ tướng đánh giá cao cá nhân Bộ trưởng với tinh thần tận tụy, năng động, trách nhiệm, vừa với cương vị Bộ trưởng, vừa với cương vị thành viên Chính phủ đã chủ động tham gia với Chính phủ, tập thể Chính phủ, điều hành lĩnh vực mang tính đổi mới, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu.

Bộ trưởng cũng đưa ra hai vấn đề đề nghị Bộ có giải pháp tổ chức xử lý thật tốt, đó là có giải pháp chấn chỉnh việc đánh bắt cá hủy diệt, tham mưu cho Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp ngăn chặn căn cơ, lâu dài và cùng các địa phương quản lý tốt rừng tự nhiên, việc khai thác rừng, sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp, phòng chống cháy rừng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt, phá rừng. Đây là vấn đề dư luận quan tâm, là nguồn tài nguyên cần quản lý bảo vệ, sử dụng hiệu quả.

Bãi bỏ 65 điều kiện đầu tư, kinh doanh

Về công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành của Bộ có chuyển biến rõ nét, thể hiện sự cầu thị, cởi mở, quyết tâm, chuyển đổi từ tư tưởng đến nhận thức và đây là chuyển biến có tác động tốt mà không phải bộ nào cũng thực hiện được.

"Cách làm của Bộ rất bài bản... Việc làm của Bộ là đích thực, làm với quy trình chuẩn mực, xây dựng toàn bộ các văn bản liên quan đến thể chế pháp lý, các căn cứ để xử lý," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, từ 345 điều kiện, Bộ đề xuất bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện, còn 227 điều kiện sẽ tiếp tục xem xét.

Bộ đã chỉ đạo các đơn vị rà soát quyết liệt các thủ tục, kiểm dịch thực vật đã giảm được 1/2 thủ tục, nhân lực và thời gian cho doanh nghiệp. Cắt giảm mạnh danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành theo hướng tránh chồng chéo, cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm II phải kiểm tra chuyên ngành. Giao lực lượng kiểm dịch thực vật đảm nhiệm việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ thực tế kiểm tra của Tổ công tác tại các bộ, ngành, địa phương, chỉ rõ những chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, nhiều nhóm hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều bộ hoặc của nhiều đơn vị trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì, chỉ điều chỉnh bởi một văn bản và do một đơn vị chức năng thuộc Bộ làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý kiểm tra. Hiện nay, Bộ đã ban hành được 645 quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn Việt Nam, Bộ cần khẩn trương ban hành 13 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 127 quy chuẩn Việt Nam còn lại, hoàn thành trong năm 2018.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, ban hành văn bản hợp nhất các danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành để thuận tiện cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan, ban hành danh mục phải có mã số HS phù hợp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc bày tỏ ấn tượng với đề xuất tạo điều kiện để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động kiểm nghiệm, kiểm chứng phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Theo ông Lộc, khó khăn lớn nhất trong kiểm tra chuyên ngành hiện nay là tình trạng độc quyền, vì độc quyền mà quá tải đã xảy ra ở một số khâu, cần đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo xóa bỏ độc quyền và tạo thuận lợi cho kiểm tra chuyên ngành.

Từ góc độ của tổ chức hội, băn khoăn về những bất cập, chồng chéo trong việc ban hành cũng như thực hiện cùng lúc nhiều văn bản pháp luật về kiểm soát, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là trong thực hiện Nghị định 38/2012/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tổng hợp, xem xét sớm ban hành nghị định sửa đổi cùng lúc các nghị định về kiểm tra chuyên ngành để phù hợp với tình hình thực tế, theo đó, cắt giảm thủ tục, giảm mặt hàng phải kiểm tra, tăng cường hậu kiểm, thay đổi hình thức quản lý… để kéo giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Bà Chi cũng không khỏi băn khoăn trước quy định của Bộ Y tế về việc các doanh nghiệp sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường iốt.

Trước ý kiến của bà Lý Kim Chi, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại việc kiểm tra tại Bộ Y tế là nặng nề nhất. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã 3 lần tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và ngành hàng, hiệp hội liên quan đến sử dụng muối iốt để chế biến thực phẩm và đã kết luận một bộ phận doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vẫn cần sử dụng muối dùng chế biến thực phẩm không chứa iốt. Cần có hướng dẫn cụ thể với những dòng sản phẩm thực phẩm không sử dụng muối iốt. Tuy nhiên, sau hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế lại thừa lệnh Bộ trưởng ký một văn bản ngược hoàn toàn kết luận của Phó Thủ tướng.

"Tôi đã đưa ra một văn bản thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ thông báo về việc thực hiện không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Và chúng tôi tính rồi, yêu cầu phải sửa theo trình tự thủ tục rút gọn. Và ngay sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để nêu việc này ra. Xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ là sẽ mời các bộ, ngành để thống nhất xử lý một số việc, trong đó có việc liên quan đến muối iốt. Không thể để thế này được," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông cho biết đã yêu cầu sửa nhưng Bộ Y tế dứt khoát không sửa. “Việc nhỏ nhưng Bộ cũng không làm được, không thể để rào cản thế này được, Bộ không làm thì Chính phủ làm," Bộ trưởng nêu rõ.

Tiếp tục rà soát sâu 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, trong năm 2017, Bộ tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính (chiếm 56,5 %), gồm: bãi bỏ 81 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 205 thủ tục hành chính. Để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 văn bản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, trong đó sẽ hoàn thành việc xây dựng 10 văn bản trong Quý 1/2018.

Riêng đối với 3 văn bản liên quan đến lâm nghiệp, thủy sản sẽ hoàn thành vào Quý III/2018 theo tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

 Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo quán triệt từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy định rõ về thời gian, hồ sơ, trình tự, thủ tục theo hướng tinh gọn, giảm thiểu chi phí, thời gian thực hiện. Về cơ bản, các thủ tục hành chính liên quan kiểm tra chuyên ngành từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế.

Đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, việc chuyển sang phương thức kiểm tra ngay trong quá trình sản xuất và cấp Giấy chứng nhận khi doanh nghiệp có yêu cầu, rút ngắn thời gian từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/1 lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí…

Hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ thực hiện 40 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành gồm 32 thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và  8 thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất khẩu. Bộ đề nghị cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc cắt giảm tối đa đối với hàng hóa xuất khẩu; chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ hàng, hoặc quy định tại các Công ước quốc tế một cách linh hoạt, phù hợp; quán triệt nguyên tắc quản lý rủi ro, kiểm tra giảm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.