Chuyện tổ, chuyện thôn

Lan tỏa đạo lý uống nước nhớ nguồn

Trải qua 10 năm thành lập và duy trì hoạt động, Ban cán sự chăm sóc thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ ở khu dân cư (KDC) 22 Mỹ Đa Đông (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đã làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Ông Trần Văn Sơn, Bí thư Chi bộ 22 Mỹ Đa Đông, Trưởng ban, người khởi xướng thành lập Ban cán sự chăm sóc thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ ở KDC chia sẻ, bản thân ông là thương binh, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương của một thời mưa bom, bão đạn lại hành hạ khiến ông đau đớn. Thế nhưng ông vẫn cảm thấy mình may mắn hơn những đồng đội đã hy sinh. Từ tâm niệm đó, ông nghĩ phải làm thế nào cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy KDC thực hiện các hoạt động tri ân và chăm lo các hộ chính sách, người có công, thương binh, thân nhân liệt sĩ. Từ đó đến nay đã 10 năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, Ban cán sự chăm sóc thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ ở KDC lại tổ chức lễ kỷ niệm, cùng với các hoạt động ý nghĩa tặng quà, thăm hỏi, dâng hương, tổ chức gặp mặt tri ân, nêu gương những đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ có thành tích trong xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương và vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, vào dịp 27-7, ngày lễ, Tết, các đoàn thể chính trị, Ban công tác Mặt trận, Cựu chiến binh, Chi hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi tổ chức các đoàn đến nhà các hộ chính sách, thân nhân thờ cúng liệt sĩ thăm hỏi, thắp những nén hương với lòng tri ân và biết ơn sâu sắc.

Ngoài sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp, các thành viên trong Ban cán sự chăm sóc thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ ở KDC luôn theo sát tình hình cuộc sống, sức khỏe của Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), từng đồng chí thương binh, vợ liệt sĩ; đồng thời tổ chức lễ tang chu toàn khi có Mẹ VNAH hay hội viên cựu chiến binh qua đời. Anh Phan Minh Đông, con liệt sĩ Phan Minh Sâm, hiện thờ cúng 6 liệt sĩ, một Mẹ VNAH cho biết: “Năm 2013, bà nội tôi là Mẹ VNAH Lê Thị Sâm mất, các thành viên Ban cán sự chăm sóc thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng tại KDC và các đồng chí cấp ủy chi bộ KDC thường xuyên túc trực lo từ lúc tang lễ, truy điệu đến khi mồ yên mả đẹp. Tình cảm đó thật đáng trân trọng”.

Ngoài ra, những hoạt động như thăm hỏi, tặng quà được Ban cán sự thực hiện thường xuyên với tổng kinh phí vận động từ các nhà hảo tâm gần 100 triệu đồng trong 10 năm qua. Trong khi đó, các đoàn thể chính trị đã hỗ trợ sửa chữa nhà cho 1 đối tượng thân nhân liệt sĩ, bản thân là thương binh với giá trị trên 60 triệu đồng. Ban cán sự còn phối hợp với người cao tuổi phường mừng thọ các cụ là đối tượng chính sách đủ tiêu chuẩn. Với phương châm thực hiện tốt việc gắn kết các gia đình có công và kêu gọi cộng đồng cùng tham gia chăm sóc đối tượng chính sách, Ban cán sự chăm sóc thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ ở KDC 22 Mỹ Đa Đông đã góp phần lan tỏa đạo lý tốt đẹp “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.  

Như Ý

;
.
.
.
.
.