Chính trị - Xã hội

Đột phá xây dựng chính quyền điện tử

Bài 3: Giải quyết bài toán nhân lực công nghệ thông tin

07:45, 11/10/2017 (GMT+7)

Nếu ví hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) như bộ não, ứng dụng CNTT như xương sườn thì nhân lực CNTT chính là trái tim của tổng thể chính quyền điện tử (CQĐT). Một CQĐT sống hay chết, hoạt động mạnh hay yếu phụ thuộc nhiều vào sự bền vững của nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng. Và bài toán nhân lực CNTT vẫn đang được Đà Nẵng kiên trì vượt qua với nhiều giải pháp…

Phương pháp hướng dẫn CNTT “cầm tay chỉ việc” được nhiều cơ quan, địa phương áp dụng để nâng cao trình độ CNTT của CBCC. Trong ảnh: Anh Trần Quốc Trí, cán bộ chuyên trách CNTT UBND quận Sơn Trà, đang hướng dẫn thêm về CNTT cho chị Trần Thị Như Hoa, cán bộ bộ phận “một cửa” của quận. 						              Ảnh: TRÂM ANH
Phương pháp hướng dẫn CNTT “cầm tay chỉ việc” được nhiều cơ quan, địa phương áp dụng để nâng cao trình độ CNTT của CBCC. Trong ảnh: Anh Trần Quốc Trí, cán bộ chuyên trách CNTT UBND quận Sơn Trà, đang hướng dẫn thêm về CNTT cho chị Trần Thị Như Hoa, cán bộ bộ phận “một cửa” của quận. Ảnh: TRÂM ANH

Thiết hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Chỉ số Sẵn sàng ứng dụng CNTT năm 2017 cho thấy Đà Nẵng đạt điểm tối đa (1 điểm) trong chỉ số hạ tầng nhân lực-xã hội (xét về tỷ lệ các trường có đào tạo CNTT, tin học…). Điều này khẳng định Đà Nẵng là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực CNTT và truyền thông uy tín, tin cậy và lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên khi tập trung nhiều tổ chức khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng.

Trong nhiều năm, thành phố đã hình thành hệ thống các cơ sở đào tạo CNTT mạnh như: Trường Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm, Cao đẳng CNTT (ĐH Đà Nẵng), Trường Đại học Duy Tân, Đại học FPT, Trường Cao đẳng Thông tin hữu nghị Việt-Hàn, các cơ sở đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, NIIT... Các cơ sở đào tạo này là nguồn cung cấp nhân lực CNTT chủ yếu cho ngành công nghiệp CNTT của thành phố.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, nguồn nhân lực CNTT của thành phố hiện tại ước khoảng 20.000 người. Tuy nhiên, theo bảng điểm của Chỉ số Sẵn sàng ứng dụng CNTT năm 2017, chỉ số hạ tầng nhân lực của các cơ quan Nhà nước của Đà Nẵng chỉ đứng ở vị trí thứ 3 với 0,73 điểm.

Trong đó, tỷ lệ cán bộ chuyên trách CNTT đạt 3,1% (Thanh Hóa đạt 12,3%, Cần Thơ đạt 3,1%); tỷ lệ cán bộ chuyên trách có trình độ từ đại học trở lên về CNTT đạt 97,1%... Từ đó cho thấy, Đà Nẵng vẫn đang đối mặt với thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT trong việc xây dựng CQĐT.

“Nhân lực về chất lượng thì tương đối khá so với mặt bằng cả nước nhưng nhân lực Đà Nẵng kém hơn về số lượng vì phương thức đào tạo theo hạn ngạch chỉ tiêu hằng năm của các cơ sở giáo dục làm hạn chế rất nhiều khả năng đáp ứng thị trường lao động CNTT ở địa phương”, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án CNTT & TT chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa CNTT (Trường Đại học Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) cho biết, số lượng tuyển sinh của khoa CNTT tăng dần qua các năm nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn ngày càng cao. Mặc dù thành phố nhiều lần gửi công văn đề nghị nhưng nhà trường không thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh của ngành CNTT vì sẽ tạo ra sự chênh lệch quá lớn giữa các ngành. Đồng thời, trường cũng không thể đáp ứng đủ đội ngũ nhân lực để đào tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, vì sự khan hiếm nhân lực CNTT chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp đã “rải hoa hồng” nhằm “chiêu hiền đãi sĩ”. Không chỉ liên kết đào tạo, doanh nghiệp còn nhiệt tình hỗ trợ, tiếp nhận sinh viên thực tập và “đặt hàng” ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường với mức lương hấp dẫn.

Cũng chính sự cạnh tranh quyết liệt của doanh nghiệp đã khiến các cơ quan Nhà nước càng thêm khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao kế thừa. PGS.TS Nguyễn Thanh Bình cho biết, đa số sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT thường lựa chọn đầu quân về các cơ quan/doanh nghiệp tư nhân hoặc nước ngoài. Khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2016 của Khoa CNTT – Trường ĐH Bách khoa cho thấy 90% đang làm việc cho cơ quan/doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài; chỉ có 5% đang làm việc cho cơ quan/doanh nghiệp Nhà nước.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1982, ngụ quận Cẩm Lệ), cựu sinh viên ngành CNTT tâm sự: “Ngay khi đang còn là sinh viên, chúng tôi đã nhận được nhiều lời mời làm việc từ các doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. Không chỉ mức lương cao, chính sách ưu đãi tốt, tôi lựa chọn làm việc tại doanh nghiệp tư nhân còn bởi môi trường này có nhiều cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn…”. Trong khi đó, anh Nguyễn Việt An (SN 1979), cựu sinh viên ngành CNTT lại yêu thích môi trường làm việc năng động với mức lương cao ở các doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh những người lựa chọn làm việc ở các doanh nghiệp, cũng có không ít nhân lực CNTT “nên duyên” và gắn bó với các cơ quan Nhà nước. Tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, anh Trần Quốc Trí (SN 1982) quyết định trở về quê nhà và tiếp tục học Thạc sĩ Khoa học máy tính tại Đại học Đà Nẵng.

Với thành tích học tập tốt, anh nhanh chóng được một doanh nghiệp nước ngoài nhận vào làm với mức lương khá cao. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh đã quyết định từ bỏ công việc đang làm để “đầu quân” về Huyện ủy Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) để trải nghiệm cuộc sống nơi đây. Rời Tây Giang, anh Trí về công tác tại Đà Nẵng và hiện là cán bộ chuyên trách CNTT của UBND quận Sơn Trà.

Trong khi đó, anh Mai Phước Tuấn (cựu sinh viên khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) đã gắn bó với công việc chuyên trách CNTT ở quận Liên Chiểu được 9 năm. Anh Tuấn tâm sự: “Bên cạnh lương cơ bản, tôi được hỗ trợ phụ cấp ưu đãi 0,2 (tương đương 260.000 đồng-PV). Mức thu nhập này so với bạn bè cùng trang lứa là rất thấp. Tuy nhiên, tôi lựa chọn làm việc ở cơ quan Nhà nước vì niềm yêu thích”.

Mức độ đáp ứng của nhân lực CNTT so với yêu cầu của Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT của các cơ quan, địa phương trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 2012 đến năm 2016 (Yêu cầu của Bộ tiêu chí năm sau luôn cao hơn so với năm trước)
Mức độ đáp ứng của nhân lực CNTT so với yêu cầu của Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT của các cơ quan, địa phương trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 2012 đến năm 2016 (Yêu cầu của Bộ tiêu chí năm sau luôn cao hơn so với năm trước)

Từng bước nâng cao trình độ công nghệ

Để thu hút nhân lực CNTT vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước, nhiều năm qua, Đà Nẵng đã xây dựng các cơ chế có tính ưu đãi hơn với nhóm đối tượng này; tạo điều kiện cho họ được đào tạo về chuyên ngành CNTT ở nước ngoài…

Cụ thể, thành phố đã ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT - truyền thông Đà Nẵng đến năm 2020 (Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 24-1-2011); ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, trong đó có nội dung thu hút, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT (Quyết định số 13100-QĐ/TU ngày 23-4-2015). Với quyết tâm đó, năm 2016, 71% sở, ban, ngành đã thành lập tổ CNTT với nhân lực ít nhất 2 người trở lên.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TTTT nhìn nhận, chính sách thu hút chuyên gia CNTT nước ngoài chưa đủ mạnh, chính sách đãi ngộ đối với nguồn nhân lực CNTT vẫn chưa có tính đột phá nhiều. Do đó, nguồn nhân lực cao sau khi hết thời gian gắn bó (7 năm) với thành phố về mặt trách nhiệm, họ sẵn sàng chuyển sang các cơ quan, doanh nghiệp có thu nhập phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, việc giảm biên chế đã buộc cán bộ chuyên trách CNTT phải kiêm nhiệm nhiều việc. Theo thống kê, 100% phường/xã đã phân công chuyên viên phụ trách CNTT. Tuy nhiên, chỉ 39/56 người có chuyên môn CNTT (năm 2015 là 35/36).

Một số cán bộ theo dõi CNTT kiêm nhiệm ở phường/xã chia sẻ, do áp lực công việc nhiều nên họ không thể tập trung toàn lực vào mảng CNTT khiến chất lượng xử lý công việc liên quan đến CNTT thiếu tính chuyên nghiệp; đồng thời, chưa chủ động vai trò chuyên trách CNTT trong tham mưu triển khai các ứng dụng CNTT mới, quản trị hệ thống, bảo đảm an toàn thông tin và hướng dẫn CBCCVC.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch từng đề xuất thiết lập hệ thống chức danh cho công chức chuyên trách CNTT trong hệ thống quản lý Nhà nước để hạn chế việc công chức chuyên trách CNTT rời bỏ vị trí và có xu hướng chuyển đổi dần sang các công việc kiêm nhiệm để có cơ hội thăng tiến. Đồng quan điểm, Chánh Văn phòng UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Tấn Khoa cho biết:

“Nhân lực CNTT tại UBND 11 xã trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn khi cán bộ theo dõi CNTT phải kiêm nhiệm nhưng không có chính sách hỗ trợ thu nhập. Bên cạnh đó, đa số cán bộ CNTT có trình độ trung cấp, cao đẳng và còn nhiều hạn chế về lĩnh vực an toàn an ninh thông tin mạng. Do đó, hằng năm, thành phố thường xuyên hỗ trợ huyện tổ chức các lớp đào tạo về CNTT”.

Không riêng cán bộ phụ trách CNTT, CQĐT đòi hỏi mỗi CBCC đều phải nhuần nhuyễn, thông thạo CNTT cơ bản để sử dụng các ứng dụng CNTT trong công việc. Dẫu vậy, không phải CBCC nào cũng có thể dễ dàng sử dụng các ứng dụng CNTT cũng như trang thiết bị, hạ tầng CNTT.

Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng chia sẻ: “Nhận thức về vai trò của CNTT ở số ít CBCC còn hạn chế, chưa đầy đủ; trình độ CNTT của một số lãnh đạo phòng, ban, địa phương không đồng đều, khiến việc chỉ đạo, triển khai thực hiện ứng dụng CNTT còn khó khăn”.

Để khắc phục hạn chế trên, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã đẩy mạnh công tác truyền thông gắn với tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong từng đơn vị. Theo đó, thành phố chú trọng triển khai các dự án đào tạo nguồn nhân lực CNTT; mở các lớp huấn luyện trình độ tin học căn bản cho lãnh đạo và chuyên viên lớn tuổi; các lớp triển khai ứng dụng dùng chung trong các cơ quan Đảng, quản trị mạng. Qua các lớp đào tạo, tập huấn, một khối lượng lớn cán bộ, công chức đã được nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng, đáp ứng được nhu cầu phục vụ công việc tại cơ quan.

Theo thống kê, năm 2016, 82% chuyên viên chuyên trách CNTT tự tổ chức tập huấn hoặc mời chuyên gia CNTT tập huấn các nội dung liên quan về CNTT cho CBCCVC của cơ quan. Tiêu biểu, UBND huyện Hòa Vang phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) thường xuyên tổ chức lớp đào tạo cho CBCC cấp huyện, xã về tin học văn phòng nâng cao để trau dồi kỹ năng CNTT cho CBCC của địa phương.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, bên cạnh các lớp tập huấn, quận còn nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ CBCCVC bằng cách hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, “một kèm một” tại bàn làm việc. Phương pháp này đã đạt hiệu quả tích cực khi CBCCVC nhanh chóng thành thạo kỹ năng CNTT liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Trong khi đó, định kỳ 3 tháng, quận Sơn Trà tổ chức sơ kết công tác triển khai ứng dụng CNTT.

“Ở các buổi đánh giá, từng cán bộ sẽ nhận được báo cáo về các lỗi sai trong thao tác cũng như điểm yếu cần khắc phục của bản thân. Song song đó, cán bộ chuyên trách CNTT sẽ hướng dẫn cụ thể để các CBCC cải thiện, nâng cao trình độ CNTT. Đồng thời, trong khi chưa có biên chế, quận đã trưng dụng có thời hạn đối với 2 giáo viên của các trường học thuộc quận nắm vững về CNTT đến công tác tại Văn phòng HĐND và UBND để hỗ trợ thực hiện chuyên môn CNTT”, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng cho biết.

Với những giải pháp đã và đang triển khai, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố từng bước xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, nâng cao kiến thức, kỹ năng về CNTT cho CBCCVC, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện CQĐT.

Năm 2016, có 57,9% sở, ban, ngành có nhân lực CNTT được đánh giá đạt mức tốt, 18,4% mức khá, 13,2 đạt mức trung bình và 10,5% mức yếu. Ở mức độ tốt, năm 2012 là 5,3%, năm 2013 là 39,5%, năm 2014 là 67,6%, năm 2015 là 100%.

TRÂM ANH

.