Chính trị - Xã hội
Đưa những vấn đề cử tri quan tâm đến Quốc hội
Qua các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (QH), cử tri hoan nghênh kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) có chuyển biến tích cực. Nhiều vụ án lớn, vụ việc tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận được xử lý rất nghiêm khắc.
Qua công tác PCTN, cử tri cũng chỉ ra những bất cập cần khắc phục trong công tác cán bộ và yêu cầu phải làm mạnh hơn nữa công tác PCTN, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Ý kiến cử tri sẽ được Đoàn ĐBQH thành phố tiếp thu, nghiên cứu để đưa đến kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.
Trả lời phỏng vấn của Báo Đà Nẵng về nội dung liên quan đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XIV (dự kiến diễn ra từ 23-10 đến 23-11), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho biết, qua các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp thứ 4 của QH, cử tri hoan nghênh kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) có chuyển biến tích cực.
Nhiều vụ án lớn, vụ việc tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận được xử lý rất nghiêm khắc. Qua công tác PCTN, cử tri cũng chỉ ra những bất cập cần khắc phục trong công tác cán bộ và yêu cầu phải làm mạnh hơn nữa công tác PCTN, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Ý kiến cử tri sẽ được Đoàn ĐBQH thành phố tiếp thu, nghiên cứu để đưa đến kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.
Đoàn ĐBQH thành phố tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề, lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Tố cáo trước kỳ họp thứ 4 của QH. Ảnh: SƠN TRUNG |
* Thưa ông, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV tập trung vào những nội dung trọng tâm nào?
Tại kỳ họp này, QH dự kiến xem xét thông qua 6 dự án luật, gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, QH dự kiến sẽ cho ý kiến 9 dự án luật, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
QH sẽ xem xét, thảo luận và quyết định các nội dung sau: báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 (trong đó có kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm 2018-2020); các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác PCTN năm 2017; các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017; báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. QH sẽ giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016”.
* Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị những nội dung trọng tâm nào để tham gia tại kỳ họp thứ 4 của QH?
- Đoàn ĐBQH thành phố đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị nội dung để tham gia có chất lượng tại kỳ họp thứ 4 của QH nhằm đáp ứng kỳ vọng và gửi gắm của cử tri thành phố. Cùng với nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn ĐBQH thành phố đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri thành phố thông báo dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 4 của QH và ghi nhận, tập hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.
Qua tiếp xúc, Đoàn ĐBQH thành phố ghi nhận, cử tri bày tỏ sự vui mừng phấn khởi, đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục có những tín hiệu đáng mừng. Cử tri hy vọng QH sẽ tiếp tục giám sát có hiệu quả để Chính phủ điều hành, quản lý, phát triển kinh tế-xã hội có nhiều khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cử tri đặc biệt quan tâm tình hình chống tham nhũng, trong đó cử tri hoan nghênh kết quả công tác PCTN trong thời gian qua chuyển biến tích cực. Nhiều vụ án lớn, vụ việc tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận được đưa ra ánh sáng và mức độ xử lý rất nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Điều đó khẳng định quyết tâm rất cao trong công tác PCTN của Đảng, QH, Chính phủ. Cử tri yêu cầu phải làm mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác này. Qua công tác PCTN, cử tri cũng chỉ ra những bất cập trong quy trình đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.
Cử tri yêu cầu phải nhanh chóng khắc phục những bất cập này bởi công tác cán bộ là vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Chúng ta có chủ trương, đường lối đúng đắn, pháp luật chặt chẽ, công minh, bình đẳng nhưng công tác cán bộ không tốt cũng sẽ không đạt được mục tiêu ổn định và đưa đất nước phát triển.
Liên quan đến vấn đề bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng, cử tri yêu cầu Chính phủ sớm có kết luận cuối cùng sau khi thanh tra các dự án trên bán đảo này cũng như có định hướng về quy hoạch bán đảo Sơn Trà theo quan điểm bảo tồn và phát triển bền vững.
Một số nội dung khác mà cử tri đã có ý kiến từ các kỳ họp trước và tiếp tục quan tâm theo dõi là những bất cập ở các dự án BOT giao thông, vấn đề xử lý trách nhiệm doanh nghiệp có liên quan đến việc tàu đánh cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; bất cập trong quản lý Nhà nước của ngành y tế… Tất cả những ý kiến cử tri nêu sẽ được Đoàn ĐBQH thành phố tập hợp chuyển đến kỳ họp QH cũng như nghiên cứu một số vấn đề và có ý kiến tại kỳ họp tới.
* Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố được triển khai như thế nào sau kỳ họp thứ 3 của QH, thưa ông?
- Từ sau kỳ họp thứ 3 của QH khóa XIV đến nay, Đoàn đã trực tiếp tiến hành giám sát tại địa phương chuyên đề: “Tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2016 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Đoàn cũng đã tiến hành khảo xác, xác minh thực tế liên quan đến nội dung cử tri và báo chí đã phản ánh về trường hợp 200 hộ dân thuộc diện giải tỏa dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang chưa có chỗ ở và tiền thuê nhà; về tình trạng ô nhiễm tại bàu Lệ Sơn do công ty mạ kẽm đóng trên địa bàn xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), giáp ranh với xã Hòa Tiến gây nên.
Hiện Đoàn đang tiếp tục nghiên cứu, có báo cáo kiến nghị với các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết những vấn đề cụ thể còn bất cập, vướng mắc chưa được các cơ quan giải quyết dứt điểm. Đoàn cũng đã tích cực tham gia các Đoàn giám sát, khảo sát; các đoàn công tác của QH, Văn phòng QH Việt Nam; QH và Văn phòng QH Lào đến thành phố Đà Nẵng.
* Kết quả trả lời của các bộ, ngành Trung ương về những vấn đề cử tri thành phố kiến nghị như thế nào, thưa ông?
- Trước và sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đã tổ chức 10 cuộc tiếp xúc với cử tri các quận, huyện trên địa bàn thành phố và 2 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, nhóm đối tượng và đã tổng hợp 54 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố chuyển các cơ quan chức năng của Trung ương xem xét, giải quyết. Đến nay, đã có 18 bộ, ngành trả lời 43/54 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố. Đồng thời, sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH thành phố đã tổng hợp và chuyển đến các cơ quan chức năng thành phố xem xét, giải quyết 22 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố và hiện cả 22 ý kiến đều được trả lời.
Nhìn chung, các ý kiến của cử tri được trả lời thỏa đáng. Đoàn ĐBQH thành phố đã trực tiếp trả lời tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 của QH và chuẩn bị sẵn văn bản trả lời để cung cấp cho từng cử tri đã đặt câu hỏi. Đoàn ĐBQH thành phố sẽ tiếp tục theo dõi và đôn đốc các cơ quan, bộ, ngành Trung ương trả lời dứt điểm các ý kiến cử tri thành phố đã nêu.
* Cảm ơn ông!
Từ sau kỳ họp thứ ba, QH khóa XIV đến nay, Đoàn ĐBQH thành phố đã duy trì thường xuyên việc tiếp công dân để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của công dân và tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân gửi. Đoàn đã tiếp 31 lượt công dân, nhận 96 đơn, thư. Trong đó, đã chuyển cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 82 đơn (14 đơn thuộc thẩm quyền xem xét, giám sát của các tỉnh, thành khác; số thực tế Đoàn xử lý là 68 đơn) và đã nhận được kết quả phản hồi đối với 35 đơn, đạt tỷ lệ 51,47%, số đơn còn lại đang trong thời hạn giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền, Đoàn tiếp tục đôn đốc, giải quyết. Đoàn cũng có văn bản hướng dẫn và trả lời 6 đơn của công dân, lưu 8 đơn do có nội dung trùng lắp và đã được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. |
SƠN TRUNG thực hiện