Chính trị - Xã hội
Giúp người nghèo không còn sức lao động
Nếu các cơ chế, chính sách dành cho người nghèo đang ngày càng đồng hành, trở thành “bệ đỡ” giúp các gia đình vươn lên phát triển kinh tế thì đối với hộ nghèo không còn sức lao động, các chính sách ấy cùng với một số quy định của thành phố và những cách làm mới của huyện Hòa Vang đã giúp họ ổn định cuộc sống hơn.
Đây là “của để dành” có giá trị và là niềm kỳ vọng lớn của gia đình bà Tằm. |
Sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em ở thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, anh Đoàn Chung là người con út bị bệnh down. Trong căn nhà nhỏ, ngày ngày anh Chung nhờ mọi người trong thôn mua thức ăn, đem về chế biến và lo nấu cơm nước cho ba mẹ già. Ba anh là ông Đoàn Xá (96 tuổi), cách đây hơn 10 năm, ông đã tháo khớp cả hai chân, còn mẹ anh là bà Trần Thị Mực bị bại liệt nên chỉ di chuyển trong nhà bằng hai tay.
Nhìn gương mặt ngây thơ vốn có của người mắc bệnh down, ai cũng xót thương cho hoàn cảnh của người khuyết tật phải chăm sóc cho ba mẹ tàn tật như anh Chung. Nếu trong nhiều gia đình khác, những người mắc bệnh như anh Chung sẽ được người thân chăm sóc, yêu thương nhưng với gia cảnh của anh, sự yêu thương ấy phải để cho ba mẹ, còn bản thân anh đang ngày đêm sưởi ấm sự hiếu thuận ấy mà thôi. Ông Phan Nha, Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Hòa Nhơn cho biết, nhờ chính sách mới của thành phố về những trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hỗ trợ 500 ngàn đồng/người/tháng nên gia đình anh Chung cũng đủ chi tiêu.
Đến với gia đình bà Nguyễn Thị Tằm, thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn, cái khó khăn hiện rõ qua ngôi nhà tuềnh toàng, hai chiếc giường cũ kỹ, chiếc ti-vi của những thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhà có 3 người đều đau ốm thường xuyên; người con trai đầu có thâm niên ở bệnh viện, con út thì bệnh bẩm sinh, bản thân bà thì nằm liệt giường mỗi khi trời chuyển. Gia tài lớn nhất và cũng là niềm kỳ vọng nhất để đổi đời của gia đình bà, đó là cặp bò do huyện Hòa Vang vận động trao tặng. Khi nói về con bò, trong ánh mắt đầy dấu chân chim của người phụ nữ gian truân này sáng lên niềm hy vọng. Bởi nó là chỗ bấu víu duy nhất của gia đình bà hiện nay.
Đó chỉ là 2 trong 1.624 gia đình thuộc diện hộ nghèo không còn sức lao động trên địa bàn huyện Hòa Vang được thụ hưởng các chính sách của thành phố và sự san sẻ của cộng đồng. Ngoài các chủ trương đầy tính nhân văn của thành phố đối với những trường hợp này, trong thời gian qua, huyện Hòa Vang việc huy động tốt các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ trợ dưỡng suốt đời hoặc bảo trợ có thời hạn cũng phần nào giúp các gia đình vơi bớt khó nhọc. Theo ông Ngô Minh Lệ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang, thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, từ năm 2008 đến nay, huyện đã vận động trợ giúp hơn 5.700 lượt “địa chỉ nhân đạo” với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng.
Đầu năm 2017, huyện Hòa Vang còn 462 hộ đặc biệt khó khăn. Đây là những gia đình vừa nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản vừa nghèo về thu nhập. Để giúp các gia đình vươn lên ổn định cuộc sống, ngoài triển khai các quy định của thành phố cùng các chính sách đặc thù khác, huyện Hòa Vang đã tích cực tập trung chính sách tạo sinh kế theo hướng tiếp cận đa chiều, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội; trong đó chú trọng hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Tính từ năm 2014 đến cuối tháng 9-2017, toàn huyện Hòa Vang đã có 278 lượt hộ đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ lên 7,6 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, nhờ chú trọng vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ hộ nghèo, hỗ trợ “cần câu” nhưng cũng quan tâm đúng mức vấn đề “giúp con cá” nên công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện Hòa Vang đã đạt nhiều thành tích nổi bật và hiện đang hướng đến mục tiêu giảm 100% hộ nghèo vào năm 2020.
Bài và ảnh: THANH GIANG