Chính trị - Xã hội
Phân công trách nhiệm rõ ràng trong bộ máy hành chính
Ngày 30-10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày nêu rõ:
Trong giai đoạn 2011-2016, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống văn bản vẫn chưa thật đồng bộ, còn phức tạp; nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, đạo đức công vụ của một bộ phận công chức còn hạn chế do ít phụ thuộc vào dân. Ảnh: TTXVN |
Tăng biên chế, tăng số lượng lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian
Theo báo cáo, tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng còn nhiều đầu mối. Cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian.
Ở cấp địa phương, thôn, tổ dân phố đang có xu hướng chuyển từ tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư trở thành một cấp quản lý ở địa phương với cơ cấu tổ chức nhiều bộ phận, không khác nhiều so với ở cấp xã. Nhiều công việc của cấp xã giải quyết phải thông qua thôn, tổ dân phố. Ở một số nơi, chính quyền cơ sở còn quan liêu, xa dân, chưa hoàn thành nhiệm vụ, khi xảy ra tình huống phức tạp đều phải do cấp trên xử lý, giải quyết.
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh khẩn trương rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế.
Cùng với đó là sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ tinh gọn, giảm cấp trung gian; giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong Vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt thì phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định.
Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ. Đối với chính quyền địa phương, thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND các cấp, thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã ở nơi có điều kiện...
Cơ chế xin - cho làm phát sinh hối lộ, tham nhũng
Tham gia phát biểu ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, báo cáo kết quả giám sát rất sâu sắc, toàn diện, thẳng thắn, nêu được những địa chỉ cụ thể, rõ ràng, mang tính thuyết phục cao. Theo ĐB, Đảng, Nhà nước đã có những nỗ lực to lớn trong lĩnh vực này và đạt kết quả đáng ghi nhận, nhưng chưa căn bản và vững chắc.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nhận định, hạn chế thứ nhất là chủ trương phân cấp chưa được tích cực thực hiện. Biểu hiện cụ thể của hạn chế này là tình trạng cấp trên ôm đồm, bao biện; cấp dưới đùn đẩy công việc lên cấp trên; từ đó, dẫn đến cấp trên quá tải, công việc ách tắc.
Việc tất cả các địa phương, các ngành đổ dồn về Trung ương để xin, trình duyệt, để được phê chuẩn tất yếu dẫn đến tình trạng “thắt cổ chai”. Trong trường hợp này, chính sách “một cửa” không những không phát huy tác dụng mà còn làm cho việc xếp hàng dài thêm, ách tắc nhiều thêm.
Mặt khác, thói quen thỉnh thị, xin ý kiến cấp trên đang làm cho chính quyền Trung ương quá tải. Nhiều vấn đề phát sinh ở cơ sở cũng chậm được xử lý vì thường thuộc thẩm quyền của cấp trên. Trong khi đó, cấp dưới bị động, ỷ lại. Việc không thực hiện phân cấp làm cho nhiều cấp hành chính bị động, lúng túng trước các vấn đề phát sinh hằng ngày, không phát huy được tính chủ động và sáng tạo. Cơ chế xin phép cũng làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, làm gì cũng đùn đẩy lên cấp trên để né tránh trách nhiệm.
Từ đó, cơ chế xin - cho dễ bị lợi dụng. Trong một số trường hợp, cơ chế xin - cho là môi trường không lành mạnh, làm phát sinh tệ nạn hối lộ, tham nhũng. Việc cấp trên giữ quyền phê duyệt nhiều việc thuộc cơ sở còn dẫn đến tình trạng trách nhiệm không rõ ràng. Mỗi khi đổ vỡ, hỏng việc, cấp dưới có “lá bùa hộ mệnh” là phê duyệt của cấp trên, còn cấp trên có căn cứ đề nghị của cấp dưới thì rất khó quy kết trách nhiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016. Ảnh: TTXVN |
Hạn chế thứ hai là đạo đức công vụ và năng lực của nhiều công chức còn hạn chế. Đảng, Nhà nước đã và đang cải cách thủ tục hành chính, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, đó là điều cần thiết và phải được tiếp tục đẩy mạnh. Nhưng theo ĐB Kim Thúy, nếu người thực hiện cải cách hành chính không đủ tâm, đủ tài thì thủ tục đơn giản mấy cũng thành khó khăn, công nghệ hiện đại mấy cũng thành vô dụng.
ĐB Kim Thúy cho rằng, hai hạn chế nổi bật nêu trên thể hiện ở không ít công chức. Một số công chức có thái độ vô cảm, quan liêu, thậm chí hách dịch với dân là do họ ít phụ thuộc vào dân. Từ việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt đến nâng lương, đánh giá, khen thưởng công chức chỉ phụ thuộc vào cấp trên của mình.
ĐB nhận định, phần lớn công chức đều có đủ bằng cấp, chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm; nhưng thực chất trình độ của nhiều người không tương xứng với bằng cấp, chứng chỉ họ có, do không thạo việc.
Đồng thời, do phân cấp, phân nhiệm thiếu triệt để, rõ ràng nên thường xảy ra việc cấp trên làm thay việc cấp dưới, quan chức chính trị làm thay công việc của công chức hành chính. Tình trạng sa đà vào công việc hành chính khiến nhiều công chức chính trị không còn thời gian để nghiên cứu, quyết định các vấn đề có tầm bao quát, ảnh hưởng lâu dài. Mặt khác, vì sa đà vào công việc hành chính nên công chức chính trị không đủ thời gian xem xét vấn đề nên xảy ra nghịch lý là người ký trình quan trọng hơn người ký duyệt, dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền.
Từ những thực trạng và nguyên nhân nêu trên, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị, trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cấp hành chính mà phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận trong bộ máy hành chính. Về lâu dài, công chức chính trị cần được nhân dân trực tiếp bầu, hoặc ít nhất cũng phải được giới thiệu từ người dân ở cơ sở.
Còn công chức hành chính phải được lựa chọn qua thi tuyển công khai. Việc nhân dân bầu hoặc giới thiệu công chức chính trị đối với tổ chức Đảng có thể tốn thời gian, tiền bạc hơn nhưng là cơ sở để đảm bảo thái độ phục vụ tận tụy và sự phản ứng nhanh nhạy trước các yêu cầu của nhân dân. Đồng thời, xây dựng quy chế về đạo đức công vụ của công chức làm cơ sở để giám sát, đánh giá công chức; xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân một cách thực chất hơn so với cách làm hiện nay.
PHẠM HỮU HOA