Chính trị - Xã hội

Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan cạnh tranh quốc gia

08:11, 28/10/2017 (GMT+7)

Sáng 27-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Gia Lai, Hậu Giang, Lai Châu.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Cạnh tranh. Các nội dung sửa đổi được Ban soạn thảo trình bày tại tờ trình về dự án Luật gồm: mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan; điều chỉnh các hành vi diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam; mở rộng phạm vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị kiểm soát theo chiều ngang và chiều dọc; các quy định khác ảnh hưởng đến cạnh tranh; về việc tổ chức lại Cơ quan quản lý Nhà nước, giải quyết vụ việc cạnh tranh theo quy định… Theo đại biểu (ĐB), cần viết lại khoản 2 Điều 4 theo hướng, luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ cạnh tranh trong các lĩnh vực cụ thể nếu trái với luật này thì áp dụng các quy định của luật này. Tại Điều 46 quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ĐB đề nghị luật cần giải thích các thuật ngữ như “dèm pha”, “lôi kéo khách hàng bất chính” là như thế nào để dễ hiểu và áp dụng thống nhất trong thực tế.

Về vấn đề điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị cần làm rõ Cơ quan cạnh tranh quốc gia là cơ quan gì, chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý ra sao; Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh do thủ trưởng Cơ quan cạnh tranh quốc gia thành lập thì tính độc lập như thế nào cũng cần phải làm rõ. Theo dự thảo luật, Cơ quan cạnh tranh quốc gia là cơ quan giúp việc của Bộ Công thương. Như vậy, với bản chất là cơ quan giúp việc của Bộ thì Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh do thủ trưởng cơ quan này thành lập, Hội đồng này khi đưa ra phán quyết nếu không được chấp nhận và bị khiếu nại sẽ dẫn đến câu chuyện là các bên đưa nhau đến Tòa án để xét xử. Như vậy, vấn đề đặt ra là Hội đồng đó chịu trách nhiệm như thế nào về phán quyết của mình?

Về vấn đề khám người quy định tại Điều 83, ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng liên quan đến lệnh khám xét, theo quy định của pháp luật hiện hành chỉ có các chủ thể là thủ trưởng cơ quan điều tra, cơ quan Kiểm sát điều tra, Chánh án Tòa án. Do đó, ĐB đề nghị xem lại các chủ thể này.

ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo luật sử dụng từ “kiểm soát” ở khoản 4 Điều 6 là không phù hợp, vì kiểm soát có nghĩa là can thiệp. Do đó, ĐB đề nghị sửa lại quy định tại khoản 4 Điều 6 theo hướng: Nhà nước kịp thời phát hiện và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tại khoản 2 Điều 66 quy định về người tiến hành tố tụng cạnh tranh, ĐB cho rằng xét về bản chất, những người này thực hiện chức năng, nhiệm vụ như người tiến hành tố tụng, nên cần có uy tín, phẩm chất đạo đức, công tâm trong thực thi nhiệm vụ nhưng trong dự luật chưa có quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của những người này. Do đó, ĐB đề nghị cần bổ sung những nội dung này vào luật.

Về Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, tại khoản 3 Điều 7 quy định Cơ quan cạnh tranh quốc gia là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cạnh tranh, có nhiệm vụ tổ chức điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, Cơ quan cạnh tranh quốc gia chỉ là cơ quan tham mưu, nhưng lại có quyền thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, giải quyết vụ việc cạnh tranh theo trình tự tố tụng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường kinh doanh của đất nước và quyền lợi doanh nghiệp. ĐB đề nghị xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan cạnh tranh quốc gia, tách cơ quan này ra khỏi cơ quan quản lý Nhà nước nhằm bảo đảm tính độc lập khi giải quyết các vụ việc cạnh tranh.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ sự thống nhất với ý kiến của ĐB Dương Quốc Anh (Gia Lai) khi cho rằng Quốc hội chỉ cho chủ trương về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tiến độ dự án này cùng công tác giải tỏa, đền bù rất quan trọng, do đó ĐB đề nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quan tâm đến các đối tượng phụ nữ, người nghèo, đối tượng chính sách... để tránh khiếu nại, tố cáo. ĐB cũng đề nghị cần quan tâm việc công khai, minh bạch về áp giá đền bù; quay phim, chụp ảnh, công bố vùng quy hoạch nhằm ngăn chặn việc xây nhà trái phép vào ban đêm tại khu vực này...

PHẠM HỮU HOA

.