Chính trị - Xã hội

Tìm giải pháp phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước-Bài 2: Nhiều khó khăn, trở ngại

08:05, 18/10/2017 (GMT+7)

Không những việc vận động, thuyết phục các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) thành lập tổ chức Đảng (TCĐ) còn nhiều trở ngại, mà ngay cả khi các DN này đã có TCĐ thì việc tạo nguồn để phát triển đảng viên mới cũng gặp vô vàn khó khăn.

Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố Phạm Nhật Phi khen thưởng và biểu dương doanh nghiệp thực hiện tốt việc đóng góp ngân sách cho thành phố.
Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố Phạm Nhật Phi khen thưởng và biểu dương doanh nghiệp thực hiện tốt việc đóng góp ngân sách cho thành phố.

Chật vật phát triển đảng viên mới

Công ty TNHH điện tử Việt Hoa (DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, trụ sở đóng tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) có gần 5.000 công nhân nhưng hiện số lượng đảng viên sinh hoạt tại chi bộ công ty chỉ vỏn vẹn 10 người. Không những thế, sau hơn một năm thành lập (từ năm 2016), chi bộ Đảng của công ty cũng chưa phát triển được một đảng viên mới nào; thậm chí, số đảng viên còn giảm 2 người do chuyển công tác về quê và sinh hoạt Đảng tại địa phương.

Chị Mai Thị Bích Ngọc, Bí thư chi bộ công ty cho biết, việc thành lập TCĐ ở công ty thuận lợi bao nhiêu thì công tác phát triển đảng viên mới khó khăn bấy nhiêu. Dù chỉ tiêu của chi bộ đưa ra là mỗi năm phấn đấu phát triển từ 8-10 đảng viên, nhưng đến nay chưa phát triển được một đảng viên mới nào.

Riêng trong năm 2017, chi bộ đã giới thiệu 13 cán bộ, công nhân tham gia lớp cảm tình Đảng và hiện đang xem xét, đề xuất kết nạp Đảng cho một số người. Tuy nhiên, quá trình hoàn chỉnh hồ sơ, lý lịch vào Đảng chậm, khiến việc kết nạp Đảng cho các quần chúng ưu tú chưa thể triển khai được.

Cũng theo chị Ngọc, mỗi lần có lớp cảm tình Đảng, chi bộ đều thông báo rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động trong công ty với yêu cầu: Ai có nguyện vọng và đủ điều kiện, có lý tưởng vào Đảng thì đăng ký với chi bộ để được tham gia lớp học. Thế nhưng, cả công ty với gần 5.000 lao động lại rất ít thấy những đề xuất, nguyện vọng được đề đạt.

Nguyên nhân mà chị Ngọc chỉ ra là do công ty đa phần công nhân nữ, ngoài áp lực về công việc, họ còn bận lo cho gia đình. Công nhân Nguyễn Thị Thủy, làm việc tại Công ty TNHH điện tử Việt Hoa (quê Quảng Bình), tâm sự: “Được đứng vào hàng ngũ của Đảng thì ai cũng mong muốn. Nhưng không phải cứ muốn là được bởi những người làm công ăn lương như tụi em luôn phải áp lực với công việc tăng ca, chăm lo cho gia đình”.

So với DN FDI thì với DN tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần trong nước… có quy mô lớn, việc thành lập TCĐ, tạo nguồn phát triển đảng viên mới gặp nhiều thuận lợi hơn, với điều kiện người đứng đầu cấp ủy Đảng phải nắm giữ vị trí “xương sống” của DN.

Đảng viên Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng phòng Tổ chức - Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (trụ sở tại quận Hải Châu) cho biết, việc đề xuất, giới thiệu những cán bộ, công nhân tham gia học lớp cảm tình Đảng được chi bộ công ty thực hiện theo đúng quy trình chẳng khác nào một cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước.

Bên cạnh đó, sau khi vào Đảng, người đảng viên sẽ được hưởng các chế độ, chính sách rõ ràng trong hoạt động phát triển của DN. “Cuối năm chi bộ phân loại đảng viên, trên cơ sở đó lãnh đạo công ty khen thưởng, hỗ trợ thêm phụ cấp cho đảng viên. Nói chung là quyền và lợi ích luôn gắn liền với người đảng viên khi hoàn thành nhiệm vụ mà chi bộ, ban giám đốc công ty giao phó”, ông Hoa cho hay.

Theo ông Hà Ngọc Thống, Bí thư chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu, ai không phấn đấu, nỗ lực thì rất khó được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Mặc dù năm 2011, chi bộ được thành lập với 4 đảng viên nhưng qua gần 7 năm, số đảng viên mới tăng thêm 10 người. Đối với việc xét duyệt, đề xuất kết nạp Đảng, chi bộ công ty luôn đề ra phương châm không chạy theo số lượng mà phải hướng tới chất lượng; vì vậy, sự “sàng lọc”, lựa chọn những cán bộ, người lao động để vào Đảng rất khắt khe. Thuận lợi lớn nhất của công ty khi thành lập TCĐ là đa phần những thành viên trong ban giám đốc là đảng viên.

“Trước đây, DN chưa có TCĐ thì hoạt động vẫn tốt, tuy nhiên phải khẳng định rằng, sau khi có TCĐ, hoạt động của DN ngày càng trở nên hiệu quả hơn, tình cảm của cán bộ, đảng viên, người lao động ngày càng gắn bó mật thiết hơn. Nếu lúc trước công nhân chỉ nghĩ tôi là ông chủ, còn họ là người làm công ăn lương, thì bây giờ ngoài chuyện người sử dụng lao động và người lao động còn có tình đồng chí, đồng đội, đoàn kết, tương thân tương ái”, ông Thống chia sẻ.

Ông Thống cho biết, công ty có chính sách ưu đãi dành riêng cho đối tượng là đảng viên sinh hoạt trong chi bộ. Quy định của công ty là đảng viên phải được cân nhắc trong công tác đề bạt cán bộ, giữ vị trí, vai trò chủ chốt trong DN và được hưởng chính sách đặc biệt do ban giám đốc công ty quy định.

Mặc dù 14 đảng viên trong chi bộ của DN chưa phải tất cả đã nắm vị trí cán bộ chủ chốt, nhưng ông Thống khẳng định rằng tất cả các đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ công ty đều là những người gương mẫu và là tấm gương “soi sáng” cho toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động trong công ty.

“Ở công ty tôi, nếu ai đến xin việc mà kê khai trong hồ sơ là đảng viên thì công ty luôn ưu tiên tuyển dụng đối tượng này. Bởi chính những đảng viên này nếu được làm việc tại công ty sẽ phát huy tốt vai trò của người đảng viên; đồng thời đây cũng là nguồn để vận động các đảng viên chuyển về sinh hoạt tại chi bộ Đảng của công ty”, ông Thống nói.

Nan giải việc thành lập tổ chức Đảng

Qua thực tiễn triển khai Kết luận 80-KL/TW cho thấy, việc phát triển Đảng và thành lập TCĐ trong DNNKVNN tại Đà Nẵng vẫn đang gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nguyên nhân thì nhiều nhưng cũng có thể đánh giá rằng, một phần là do tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN vẫn còn khó khăn, người lao động thiếu việc làm hay có việc làm nhưng mức thu nhập thấp nên đa phần chủ DN chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển Đảng.

Ông Võ Công Chánh, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, hiện nay không ít chủ DN vẫn còn tâm lý “e ngại”, chưa muốn tạo điều kiện để thành lập TCĐ và các hội, đoàn thể trong DN; thậm chí, một số chủ DN còn không chịu hợp tác khi tổ chức Đảng địa phương đến vận động, thuyết phục thành lập TCĐ.

Một nguyên nhân khiến không ít DN từ chối thành lập TCĐ là do người lao động làm việc trong DN chỉ quan tâm đến thu nhập hằng tháng cũng như các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chứ ít ai quan tâm đến vai trò, vị trí của TCĐ trong DN.

Tại địa bàn quận Liên Chiểu, có đến hơn 1.500 DNNKVNN, nhưng qua gần 6 năm triển khai thực hiện Kết luận 80-KL/TW, mới chỉ thành lập được 5 TCĐ trong DNNKVNN và tiếp nhận thêm 2 chi bộ Đảng từ các Đảng bộ khác do có sự thay đổi địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng số 40 đảng viên và phát triển được 11 đảng viên mới.

Tuy nhiên, trong năm 2015, Quận ủy đã phải tiến hành “giải tán” 2 chi bộ do một DN giải thể và một DN “thâm hụt” đảng viên. Để tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn trong công tác phát triển Đảng và thành lập TCĐ, ông Chánh cho rằng, trước hết đối với các DNNKVNN chưa có TCĐ thì tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên phải phát huy vai trò của mình trong việc hỗ trợ DN phát triển, để từ đó có tiếng nói trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như thuyết phục chủ DN hiểu rõ hơn về vai trò của TCĐ trong DN.

Ông Phan Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Sơn Trà chia sẻ, hiện nay các DN, đặc biệt là khối DNNKVNN, “sợ” rằng khi thành lập TCĐ sẽ bị “trói buộc” hoặc có những ràng buộc đối với hoạt động của DN. Trong khi đó, tổ chức Công đoàn, các hội, đoàn thể trong DNNKVNN thường hoạt động mờ nhạt, lệ thuộc vào chủ DN và “sức khỏe” của DN nên tiếng nói của các tổ chức hội, đoàn thể này chưa đủ mạnh để thuyết phục chủ DN thành lập TCĐ.

Chỉ khi nào chủ DN là đảng viên thì việc thành lập TCĐ và hoạt động của TCĐ ở DN đó mới thuận lợi hơn. Còn đối với những DN mà chủ DN không phải là đảng viên thì đa phần những DN này thường tránh việc thành lập TCĐ.

Đồng quan điểm, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, nếu tính số lượng DN có tổ chức Công đoàn so với số DN đăng ký kinh doanh thì chưa tương xứng. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Công đoàn các cấp thành lập mới 78 tổ chức Công đoàn trong các DNNKVNN, kết nạp 2.141 đoàn viên, nâng tổng số tổ chức Công đoàn trong các DNNKVNN lên 732 với 22.235 đoàn viên.

Riêng DNNKVNN đã thành lập 192 Chi đoàn Thanh niên với 5.340 đoàn viên. Theo ông Triết, nơi nào mà chủ DN hợp tác, đồng thuận thì hoạt động của Công đoàn và các đoàn thể được chủ DN tạo điều kiện thuận lợi, còn nơi nào mà DN không mặn mà, không quan tâm thì rất khó có thể tiếp cận chủ DN để vận động, thuyết phục DN thành lập các tổ chức hội, đoàn thể, chứ chưa nói gì đến TCĐ.

Từ thực tiễn công tác, Bí thư Đảng ủy khối DN Phạm Nhật Phi chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển Đảng và thành lập TCĐ trong các DNNKVNN mà các cấp ủy Đảng cũng như bản thân DN đang gặp phải.

Theo ông Phi, nếu trước đây luật chỉ quy định thành lập tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp thì đến năm 2014, Chính phủ mới ban hành Nghị định 98/2014/NĐ-CP, trong đó quy định DN có từ 3 đảng viên chính thức trở lên thì đủ điều kiện thành lập TCĐ theo Điều lệ Đảng.

Vì vậy, ở thời điểm trước năm 2014, chủ DN chỉ quan tâm thực hiện những gì luật pháp quy định, còn những gì luật không quy định, họ không làm dù có được tuyên truyền, vận động đến từng DN. Để khắc phục tình trạng này, ông Phi đề nghị các cấp ủy Đảng, quận, huyện… phải thường xuyên rà soát những đảng viên đang làm việc tại các DN chưa có TCĐ, để từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đảng viên trong công tác thành lập TCĐ trong DN.

Ông Trần Đình Hồng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho rằng, mặc dù số DNNKVNN đăng ký hoạt động tại Đà Nẵng lên đến 21.600 DN, nhưng số DN siêu nhỏ và nhỏ lại chiếm tỷ lệ rất lớn (khoảng 83%, tương đương hơn 17.000 DN). Mặt khác, số lượng lao động ở khối DN này lại quá ít cũng là một trở ngại cho công tác phát triển Đảng và thành lập TCĐ ở các DN.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

.