Tìm một hướng đi

Cùng với kế hoạch thực hiện năm “An sinh xã hội” của huyện và đề án “Thành phố 4 an”, Hòa Vang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tạo việc làm, vận động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực vận động từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, giúp họ thoát nghèo bền vững; góp phần giảm số lượng hộ nghèo, người thu nhập thấp, giúp người khó có cuộc sống tốt hơn trước.

Dựa trên nhu cầu để hỗ trợ sinh kế

Chồng bị bệnh hiểm nghèo mất cách đây 10 năm, chị Kiều Thị Xảo (thôn Tân Hạnh, xã Hòa Phước) quần quật cả ngày với 2 sào ruộng, nuôi heo, hết mùa thì đi làm thuê đủ thứ việc để nuôi 3 đứa con ăn học. Đầu năm 2014 chị được “giải thoát” khỏi cuốn sổ hộ nghèo sau 5 năm vào danh sách người nghèo của xã, chưa kịp vui thì thành phố nâng chuẩn nghèo lên lại bị “lọt sổ”. Sang năm sau đó xã hỗ trợ cho chị 11 triệu để mua bò và thức ăn thời gian đầu. “Chị đi mượn thêm 3 triệu mới đủ mua con bò mẹ. Mấy năm nay tự nhiên sức khỏe kém đi, bác sĩ nói chị bị suy nhược cơ thể, nên chỉ đủ sức làm một sào ruộng, đủ gạo ăn. Nuôi bò được cái là công chăn dắt ít, chỉ cần thả nó ở mấy đám cỏ gần nhà, có thời gian nghỉ”, chị Xảo chia sẻ. Ba năm, con bò mẹ đẻ được hai con, chị bán bớt một con, vay mượn thêm trả hết khoản nợ vay nhiều năm trước. Con gái thứ hai của chị hiện làm công nhân may ở dệt-may Hòa Thọ, con trai út đang được tổ chức phi chính phủ của Pháp Passerelles numériques hỗ trợ học công nghệ thông tin. “Con cái có việc làm, được học nghề miễn phí là mình đỡ lo nhiều em ạ. Cuối năm nay chị thoát nghèo rồi”, chị Xảo cười, mắt ánh lên niềm vui.

Hai năm qua lãnh đạo xã Hòa Phước tổ chức đối thoại với từng hộ nghèo thuộc 10 thôn của xã, dựa trên nhu cầu của từng hộ gia đình, tham khảo ý kiến và tư vấn cụ thể để hỗ trợ sinh kế (máy xay bột làm bánh, xe nước mía, các giống rau), hoặc trao trực tiếp con giống (heo, bò, gà) cho từng gia đình. Nhờ đó năm 2016 có 100 hộ thoát nghèo một cách bền vững. Năm 2017 sẽ có 70 hộ/274 hộ thoát nghèo. Ông Trần Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết, 48 cán bộ của xã trực tiếp giúp đỡ các hộ dân lên kế hoạch làm ăn để thoát nghèo, trong đó cán bộ lãnh đạo phụ trách 2 hộ, cán bộ không chuyên trách phụ trách 1 hộ. Với những người vẫn làm nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% vốn để chăn nuôi (năm 2016 có 5 hộ được hỗ trợ 46 triệu nuôi bò; năm 2017 có 19 hộ được nhận hỗ trợ 51,5 triệu). Phân công cán bộ quân dân chính thôn thường xuyên giúp đỡ người neo đơn. “Chúng tôi chú trọng việc tạo việc làm cho người nghèo còn sức lao động là chủ yếu, hỗ trợ vốn, sinh kế và tư vấn công việc cụ thể; hỗ trợ học bổng cho những đứa con của họ được đến trường, ngoài chuyện hỗ trợ bảo hiểm y tế. Đó mới chính là giúp họ xóa nghèo bền vững nhất”.  

“Cần câu” bền vững

Với những ưu đãi về vốn, tín dụng, hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất, học nghề nông nghiệp để lao động hộ nghèo tham gia, tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nghèo phát triển bền vững, huyện Hòa Vang đang từng bước nhân rộng cách làm và khuyến khích hộ nghèo tham gia vào các mô hình sản xuất hiệu quả ngay tại địa phương.

Bên cạnh đó, chương trình giảm nghèo còn lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, triển khai thực hiện các dự án khuyến công, khuyến nông-lâm-ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển nghề; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản và phát triển ngành nghề nông thôn; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với các tổ chức, ban, ngành hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, cụ thể như Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội huyện phối hợp với Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển máy Việt Nam hỗ trợ sinh kế cho 6 hộ nghèo với kinh phí 30 triệu đồng; Sở Văn hóa-Thể thao, Sở Lao động-Thương binh & Xã hội thành phố hỗ trợ sinh kế cho 4 hộ nghèo với kinh phí 67,2 triệu đồng; Hội hỗ trợ nạn nhân bom mìn thành phố tiến hành hỗ trợ sinh kế cho 10 nạn nhân bom mìn là hộ cận nghèo của huyện với kinh phí 70 triệu đồng...

Đại diện Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội huyện Hòa Vang cho rằng, đối với những hộ nghèo còn sức lao động, việc trao sinh kế và tạo việc làm phù hợp cho các hộ nghèo là giải pháp căn cơ nhất, giúp họ nỗ lực đi lên. Trong quan niệm giữa trao “cần câu” và “con cá” thì việc trao “con cá” không biết bao nhiêu là đủ, nhất là với nhà khó, nên chỉ có thể trao “cần câu” mới giúp họ tìm một hướng đi, định hình một cách làm ăn cụ thể. Bên cạnh những hỗ trợ khác như bảo hiểm y tế, học bổng cho học sinh, sửa chữa nhà tạm, để mỗi hộ tự vươn lên thoát nghèo.

Tổng số hộ nghèo đầu năm 2017 là 3.761 hộ, trong đó hộ nghèo còn sức lao động là 2.137 hộ. Kế hoạch trong năm 2017 giảm 1.000 hộ (trong đó có 118 hộ chính sách nghèo). Tính đến tháng 10-2017 đã giảm được 1.094/1.000 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 109,4%; giải quyết việc làm cho 1.802/2.100 lao động, đạt tỷ lệ 85,8%.

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, huyện kêu gọi, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ sinh kế cho 214 hộ nghèo về vật nuôi, con giống, phương tiện, với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng.

Nguồn: Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội huyện Hòa Vang

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.