Chính trị - Xã hội

Trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua bưu điện: Tiện cả đôi đường

08:26, 05/10/2017 (GMT+7)

Thuận tiện, giảm áp lực cho cán bộ và người dân là điều dễ nhận thấy sau thời gian Đà Nẵng thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua bưu điện.

Chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội qua bưu điện, tạo thuận tiện cho cả cơ quan chức năng và người dân. TRONG ẢNH: Giao dịch tại Bưu điện văn hóa xã Hòa Tiến.
Chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội qua bưu điện, tạo thuận tiện cho cả cơ quan chức năng và người dân. TRONG ẢNH: Giao dịch tại Bưu điện văn hóa xã Hòa Tiến.

Về hưu năm 2000 cũng là lúc ông Nguyễn Văn Bình (ở phường An Khê, quận Thanh Khê) phát hiện bị bệnh thần kinh tọa. Bệnh tình khiến ông đi lại khó khăn, việc mỗi đầu tháng ra trụ sở UBND phường nhận lương hưu cũng trở nên khá bất tiện. Ông cho biết, nhiều người lúc nào cũng muốn chen lấn nhận trước khiến việc nhận được lương hưu rất vất vả. Tuy nhiên, vài năm nay, khi thành phố chuyển cách thức nhận lương hưu qua bưu điện thì mọi việc đã thay đổi. “Thuận tiện và văn minh lắm, không còn chen lấn như trước đây”, ông Bình nói.

Theo thông tin từ Bưu điện An Khê, chỉ riêng số người nhận lương hưu và trợ cấp xã hội ở phường An Khê đã lên đến hơn 1.500 người với tổng số tiền chi trả trên 6 tỷ đồng. Đây là một trong những địa phương có số người nhận lương hưu, trợ cấp xã hội qua bưu điện cao nhất thành phố. Tuy nhiên, nhờ tổ chức theo cách phân chia ngày nên mọi việc diễn ra trật tự. Cụ thể, bưu điện dành nguyên ngày 5, chiều ngày 6 và sáng ngày 7 hằng tháng để phát lương hưu cho đối tượng nhận lương từ nguồn ngân sách và dành sáng ngày 6 và chiều ngày 7 hằng tháng cho người nhận trợ cấp từ Bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, để tránh tình trạng quá tải trong những ngày chi trả tiền lương, bưu điện đã huy động 4 nhân viên làm việc ở 2 bàn.

Bưu điện văn hóa xã Hòa Tiến là nơi có số người nhận lương hưu và trợ cấp xã hội cao nhất huyện Hòa Vang với khoảng 300 người cùng với số tiền chi trả xấp xỉ 1 tỷ đồng. Chị Ngô Thị Cúc, nhân viên bưu điện cho biết, 8 giờ sáng bưu điện mới mở cửa, nhưng vào các ngày 5 và 6 hằng tháng, khi phát lương hưu và trợ cấp xã hội thì đơn vị mở cửa từ 6 giờ sáng. Anh Trần Văn An (thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến) cho biết: “Ba mẹ tôi đều lớn tuổi nên việc đi lại khó khăn. Vài năm nay tôi được ủy quyền đi nhận thay. Theo tôi, đây là cách làm tiện cả đôi đường, giảm công việc cho các UBND phường, xã, tạo việc làm cho hệ thống bưu điện và nhất là thuận lợi hơn cho người đi nhận lương hưu và trợ cấp xã hội”.

Qua hơn 4 năm trả lương hưu và 1 năm chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện, theo phản ánh của nhiều người dân, mặc dù vẫn còn một số tồn tại, nhất là về mặt số liệu, thông tin cá nhân, các trường hợp chết, chuyển chỗ ở chưa kịp thông báo gây khó khăn cho bưu điện lẫn người dân, nhưng nhìn chung, đây là cách làm phù hợp, tiện lợi.

Theo ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, việc chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua hệ thống bưu điện là cách làm hay. Tuy nhiên, để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian đến, việc phối hợp thông tin giữa các bên phải được tăng cường. Đặc biệt, các trường hợp chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội cần được các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ trong việc bổ sung, cắt giảm từng trường hợp nhằm bảo đảm đúng, đủ và kịp thời đến các đối tượng.

Bài và ảnh: THANH VÂN

.