Chính trị - Xã hội
Từ những chuyến về nguồn
Gần một năm hưởng ứng phong trào “Tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đã tổ chức nhiều chuyến đi cho hội viên. Điều đọng lại sau mỗi chuyến đi của các chị là cảm xúc, sự trân quý đối với những con người, sự kiện góp phần làm giàu kho tàng văn hóa, lịch sử thành phố.
Sân khấu hóa về di tích Nghĩa trủng Phước Ninh tại hội thi “Giới thiệu di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu tổ chức. |
Năm 2017, chị Đặng Thị Liễu, hội viên Chi hội Phụ nữ 17, phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) được tham gia các chuyến tìm hiểu di tích, lịch sử thành phố như thành Điện Hải, Nghĩa trủng Hòa Vang, Nhà tưởng niệm Mẹ Nhu, lăng mộ Thái Thị Bôi... Chị Liễu chia sẻ, mỗi điểm đến đã “kể” cho chị một câu chuyện cảm động về tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước. Ấn tượng nhất với chị là được đặt chân đến khu chứng tích Giáng Đông (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), nơi xảy ra vụ thảm sát 124 đồng bào hai thôn Giáng Châu và Hà Đông (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) của thực dân Pháp năm 1946. Được nghe chính các nhân chứng kể về vụ thảm sát, các chị trong đoàn không thể giấu những giọt nước mắt trước nỗi đau, sự mất mát hằn sâu trong từng tấc đất, con người nơi đây.
Vốn là cán bộ Nhà nước, thỉnh thoảng chị Liễu cũng nhận nhiệm vụ dẫn các đoàn đi tham quan các địa điểm nổi tiếng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Mỹ Sơn, thành Điện Hải, nhưng chỉ từ khi về hưu (năm 2016) và tham gia phong trào do Hội Phụ nữ cơ sở tổ chức, chị mới tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hóa của thành phố một cách cặn kẽ. “Từ bản thân mình và các chị em đồng nghiệp, tôi nhận ra chúng tôi đã bỏ lỡ quá nhiều chuyến đi ý nghĩa về với các di tích lịch sử. Các chị em mưu sinh bằng buôn bán, nội trợ thì hầu như không biết gì đến những di tích lịch sử, văn hóa tại thành phố mình đang sống. Vì thế, những chuyến đi được Hội phát động trong năm qua đã tạo sự phấn khởi cho hội viên phụ nữ, nhen nhuốm trong chúng tôi niềm tự hào, thôi thúc tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của địa phương để rồi về kể lại con cháu nghe...”, chị Liễu nói.
Để nâng cao hiệu quả của những chuyến đi, Hội LHPN các quận, huyện tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng”, trong đó bày tỏ những cảm nhận của mỗi cá nhân về di tích đã đi tham quan. Bên cạnh đó, Hội phát động mô hình chăm sóc, bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn; tổ chức hội thi “Giới thiệu di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng” thông qua các phần thi như thuyết trình kết hợp ngâm thơ, múa, sân khấu hóa, trình chiếu các hình ảnh...
Bà Hồ Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN quận Hải Châu chia sẻ, chưa bao giờ phong trào tìm hiểu, giới thiệu di tích lịch sử văn hóa thành phố Đà Nẵng diễn ra sôi nổi như vậy. Tại hội thi “Giới thiệu di tích lịch sử văn hóa thành phố Đà Nẵng” do Hội LHPN quận Hải Châu tổ chức tháng 9 vừa qua, Hội LHPN các phường đã đầu tư khá bài bản, tìm hiểu rất kỹ về các di tích, đặc biệt Hội LHPN phường Hòa Cường Bắc mời nhân chứng sống của vụ thảm sát thôn Giáng Đông là ông Nguyễn Văn Tri (80 tuổi) đến tham dự và giao lưu với khán giả. “Đi rồi viết bài cảm nhận và dàn dựng các tiết mục dự thi tìm hiểu di tích giúp các hội viên thấm được giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, nhớ lâu hơn về từng địa điểm di tích. Đây cũng là cách truyền đạt lại hiệu quả nhất cho những chị em chưa tham gia các chuyến đi”, bà Huệ nhận xét.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, phong trào được Thành Hội triển khai từ đầu năm 2017 đến các quận Hội, nhằm khơi dậy trong cán bộ hội, hội viên, phụ nữ thành phố tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường trong quá trình dựng nước và giữ nước của người Đà Nẵng nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung; giúp cho cán bộ hội, hội viên, phụ nữ nhận thức đúng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Sau 8 tháng triển khai, bước đầu đã có những kết quả tốt đẹp khi các cấp Hội LHPN hưởng ứng mạnh mẽ, nhiều hội viên phụ nữ tham gia và nắm rất rõ các di tích đã được tham quan. Đồng thời, Hội LHPN các quận, huyện cũng tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng” nhằm đánh giá lại hiệu quả của hoạt động này. Đó cũng là mục đích Hội LHPN thành phố hướng đến khi chọn phát động phong trào “Tìm về di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng” là một trong những nhiệm vụ cơ bản của nhiệm kỳ 2016-2021.
Bài và ảnh: HÀ THU