Chính trị - Xã hội

Xử lý dứt điểm những vướng mắc tại nút giao Túy Loan

07:55, 20/10/2017 (GMT+7)

Những ngày giữa tháng 10, do ảnh hưởng cơn bão số 11, những trận mưa lớn làm mặt đường quốc lộ14B, đường tránh Nam Hải Vân rất trơn trượt. Đặc biệt, tại khu vực phía Tây nút giao Túy Loan (gói thầu số 1, dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), hai bên đường, các đơn vị thi công hạ độ cao xuống hơn 1m, tạo ra những hố nước lớn gây nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), nhất là vào ban đêm.

Thực tế, gần nửa năm nay việc thi công nút giao này gần như dừng hẳn do các hộ dân cản trở, không chấp nhận phương án đền bù khiến công trình không thể hoàn thành vào ngày 11-10-2017 như dự kiến. Ban điều hành dự án gói thầu số 1 cho biết, lo nhất hiện nay đang là mùa mưa bão, nếu không xong sớm mặt bằng sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ, đồng thời nguy cơ mất ATGT mùa mưa.

Nhiều nhánh đã hạ độ cao nhưng không được hoàn thiện gây mất an toàn giao thông.
Nhiều nhánh đã hạ độ cao nhưng không được hoàn thiện gây mất an toàn giao thông.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nhiều, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi cho biết, các hộ dân nằm trong khu vực các nhánh thuộc nút giao Túy Loan sẽ thuộc phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

Do đó chiếu theo quy định hiện hành sẽ phải di dời, giải tỏa. Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nếu căn cứ trên các quy định hiện hành, các hộ vướng mắc tại khu vực nút giao Túy Loan không thuộc diện di dời, giải tỏa trắng. Do đó, Cục tham mưu để Bộ GTVT hướng dẫn địa phương lập phương án hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân ảnh hưởng mặt bằng tại đây.

Trở lại việc các hộ dân chưa đồng tình di dời giải tỏa, nhiều hộ cho rằng, từ trước đến nay họ sống ở mặt tiền quốc lộ14B, nhưng nay phải chuyển vào sống ở đường gom, rào chắn với đường cao tốc, thậm chí nhiều đường bê-tông dân sinh bị cụt, không liên thông, không thể phát triển sản xuất, kinh doanh... Các hộ dân đều có chung nguyện vọng được di dời giải tỏa ra khỏi dự án, hoặc có phương án hỗ trợ đền bù phù hợp.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã ký Văn bản số 7316 gửi Bộ GTVT đề nghị thống nhất chủ trương di dời giải tỏa khu vực nút giao Túy Loan. Theo đó, Đà Nẵng đề nghị di dời giải tỏa cửa hàng xăng dầu số 21 (vị trí nhánh B1 nút giao).

Một số hộ dân thuộc diện giải tỏa một phần, nay phần còn lại không nằm trên mặt tiền quốc lộ14B mà nằm ở các tuyến đường gom thuộc nhánh A1, B1, D2 và C2 nút giao hoặc đường bê-tông dân sinh của dự án nếu có nhu cầu ở lại, đề nghị xem xét hỗ trợ thêm các khoản khó khăn, ngừng kinh doanh…

Và để giải quyết dứt điểm tình trạng vướng giải phóng mặt bằng tại nút giao, mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký văn bản về việc đền bù, giải tỏa khu vực nút giao Túy Loan. Theo đó, Bộ GTVT thống nhất về chủ trương theo đề nghị của UBND Đà Nẵng tại Văn bản số 7316/UBND-SGTVT về việc di dời, giải tỏa cửa hàng xăng dầu và các hộ dân ảnh hưởng khu vực nút giao Túy Loan.

Bộ GTVT giao Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phối hợp Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và nhà đầu tư dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan kiểm tra, rà soát hiện trạng làm cơ sở cho các thủ tục thu hồi theo quy định, triển khai di dời, giải tỏa cửa hàng xăng dầu số 21 tại nhánh B nút giao.

Đối với các hộ dân nằm trên mặt đường quốc lộ 14B đã bị giải tỏa một phần, phần còn lại bị ảnh hưởng khi xây dựng các tuyến đường gom thuộc các nhành A1, B1, D2 và C2 nút giao Túy Loan, Bộ GTVT giao VEC chỉ đạo đơn vị tư vấn căn cứ theo các quy định hiện hành của Chính phủ về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, xác định cụ thể hành lang an toàn đường bộ đối với khu vực nút giao, bàn giao cho địa phương để tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng theo quy định. Bộ GTVT đề nghị UBND thành phố căn cứ các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để xử lý cho các hộ dân trên theo quy định.

Đây cũng là phương án được các hộ dân ảnh hưởng nút giao Túy Loan đồng thuận nhất. Ông Phạm Gia (trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho biết, trước đây nhà ông ở mặt tiền quốc lộ 14B, kinh doanh thuận lợi, nay làm đường gom khiến việc đi lại khó khăn, nhà không còn ở mặt tiền nên giá trị đất còn lại và giá trị kinh doanh giảm sút. Do đó, ông rất đồng tình với việc Bộ GTVT đề nghị các đơn vị liên quan bàn giao cho địa phương sớm triển khai căn cứ bồi thường theo quy định.

Bài và ảnh: Phương Uyên

.