Cách làm hay trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em

.

Nhiều mô hình chăm sóc bảo vệ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại do Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (TTCCDVCTXH) thành phố quản lý đã và đang phát huy được hiệu quả.

Cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội khảo sát tâm lý cho trẻ em ở quận Sơn Trà.  							              Ảnh: P. TRÀ
Cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội khảo sát tâm lý cho trẻ em ở quận Sơn Trà. Ảnh: P. TRÀ

Theo lời kể của chị V. ở huyện Hòa Vang, cuối năm 2014, cứ khoảng chập choạng tối, gần khu vực gia đình chị sinh sống thường có một thanh niên lạ mặt qua lại quan sát, có lúc người này định mở cổng bước vào nhà khiến đứa con gái 10 tuổi của gia đình rất sợ. Chị kể lại chuyện này cho một người thân và được khuyên nên gọi điện thoại đến đường dây nóng TTCCDVCTXH. Gọi đến đường dây nóng 02363.818.878, chị được nhân viên của Trung tâm động viên nên bình tĩnh, đồng thời báo cho công an xã đến nhà. Nhờ tác động này, kẻ lạ mặt không còn xuất hiện gần nhà nữa...

Theo các nhân viên trực đường dây nóng của Trung tâm, đây là tình huống hay xuất hiện trong thực tế và đa số gia đình chỉ có phụ nữ và trẻ em sẽ mất bình tĩnh xử lý trường hợp này, vì vậy chỉ cần động viên và hướng dẫn thì mọi việc sẽ được giải quyết tốt. Từ năm 2010 đến nay có khoảng 2.500 cuộc gọi của người dân đến Trung tâm để nhờ tư vấn và hỗ trợ. Trong số này có nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn, giúp đỡ trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ bị bạo hành ngược đãi, trẻ bị bỏ rơi cần tìm nơi chăm sóc...

Đặc biệt, mô hình “Xã/phường làm tốt công tác xã hội với trẻ em” triển khai từ năm 2012 đến nay đã thực sự tạo sự lan tỏa rất lớn trong cộng đồng. Ở 6 phường được chọn làm thí điểm bao gồm Chính Gián, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), An Hải Bắc, Thọ Quang (quận Sơn Trà), Nam Dương, Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), đã có sự chuyển biến tích cực về chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại những địa phương này, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khảo sát, điều tra lập ra danh sách để các hội, đoàn thể như Phụ nữ, Tư pháp, Công an... cùng phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ. Kết quả cho thấy, những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn được chăm sóc chu đáo và nhất là không bị “bỏ sót”. Như ở phường Thanh Khê Tây đã có 3.700 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời và đúng địa chỉ. Còn tại phường Nam Dương, suốt thời gian qua, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được chăm sóc. Ở phường Thọ Quang, nhờ mô hình này, đã có gần 300 bà mẹ trẻ được tư vấn, giúp đỡ nuôi con nhỏ, bảo đảm phát triển về cả thể chất và tinh thần. Điều đáng mừng là chính những bà mẹ được tư vấn, giúp đỡ cách chăm sóc trẻ em, nhất là với trẻ hay đau ốm lại trở thành những tuyên truyền viên tích cực giúp nhiều bà mẹ khác gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, mô hình “Trợ giúp người khuyết tật là nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng” được triển khai từ năm 2013 đến nay đã có 150 người được hổ trợ sinh kế làm ăn với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng. Mô hình này cũng đã gián tiếp hỗ trợ cho 350 nạn nhân bom mìn với gần 500 trẻ em bằng cách cải thiện kinh tế, tiếp sức đến trường.

Bên cạnh những mô hình có quy mô lớn, triển khai nhiều năm qua, gần đây, Trung tâm cũng đã mạnh dạn thí điểm những mô hình mới. Điển hình trong số này là mô hình “Trợ giúp phụ nữ đơn thân gặp khó khăn khi mang thai và nuôi con nhỏ”; qua đó đã giúp được 50 mẹ đơn thân vượt qua khủng hoảng sinh con và ổn định cuộc sống. Hoặc mô hình “Chăm sóc thay thế trẻ có hoàn cảnh đặc biệt” đã 20 em được chăm sóc thay thế ở các gia đình có điều kiện.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.