Phát huy những mặt tích cực đã làm được của các kỳ họp trước, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi và xây dựng.
Kết thúc tuần làm việc thứ 4, bên cạnh việc cho ý kiến vào một số Dự án luật quan trọng, Quốc hội đã hoàn thành chương trình chất vấn và trả lời chất vấn - nội dung đặc biệt quan trọng của Kỳ họp, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Phát huy những mặt tích cực đã làm được của các kỳ họp trước, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi và xây dựng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Nối tiếp sự đổi mới thành công của kỳ họp trước, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành thêm nửa ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, mặc dù các nhóm vấn đề chất vấn không tăng thêm, nhưng thời gian chất vấn tăng lên để các thành viên Chính phủ có thêm cơ hội trả lời và giải trình trước Quốc hội.
Tại các phiên chất vấn, không khí tranh luận và tranh luận lại các vấn đề thành viên Chính phủ đã trả lời, thậm chí tranh luận cả với đại biểu Quốc hội để cùng nhau làm rõ những vấn đề được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Như tại phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trực tiếp yêu cầu Chánh án làm rõ thông tin nguyên Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga trong quá trình xét xử có xin khai về việc chi khoản tiền 1,5 triệu USD “chạy” vào Đại biểu Quốc hội, nhưng không được khai, có vẻ như là giấu giếm, vi phạm tố tụng. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Trong hồ sơ vụ án, có tất cả tài liệu lời khai của bà Châu Thị Thu Nga. Việc Chủ tọa phiên tòa không cho khai tiếp vì vụ án đã được tách theo quy định của pháp luật. Thực tế, đã có nhiều vụ được tách án như vậy. Nếu có tình tiết mới xuất hiện mà không quyết định tách án, Hội đồng xét xử phải làm rõ, nhưng khi đã được tách án thì không cần làm rõ nữa.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình có lẽ là người đặc biệt nhất trong 4 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Ông không phải là một thành viên Chính phủ mà là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước. Nhiệm kỳ của Chánh án Nguyễn Hòa Bình chứng kiến nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử, được công chúng theo dõi sát sao, trong đó nổi lên không ít vấn đề đáng quan tâm. Đây là những phát sinh trong thực tiễn cần được làm rõ để góp phần thực hiện công tác cải cách tư pháp mà Chánh án Nguyễn Hòa Bình được Quốc hội giao phó.
Tại kỳ họp này, 4 nhóm nội dung được Quốc hội chọn để chất vấn đều là những vấn đề quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, là những vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Bên cạnh phần trả lời rõ ràng, trực diện đi thẳng vào vấn đề của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã nhận được nhiều lời khen ngợi của các đại biểu bên hành lang Quốc hội và cử tri theo dõi qua các buổi phát thanh, truyền hình trực tiếp. Mặc dù là gương mặt mới trong Chính phủ, nhưng Thống đốc đã có phần trả lời lưu loát, trôi chảy, thể hiện sự bình tĩnh, tự tin, nắm chắc vấn đề, trả lời rành mạch các câu hỏi đại biểu đặt ra.
Điểm đáng chú ý tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành nửa ngày để người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm. Việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn của Thủ tướng theo đánh giá của nhiều đại biểu là đã đáp ứng mong đợi của cử tri. Bởi chỉ có Thủ tướng trên cương vị của mình mới có thể trả lời thỏa đáng những vấn đề hệ trọng quốc gia.
Quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm tiếp tục được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trước Quốc hội và cử tri cả nước. Thủ tướng nêu rõ, nội hàm của Chính phủ kiến tạo là chủ động thiết kế chính sách pháp luật để đất nước phát triển, Nhà nước không làm thay thị trường. Kiến tạo cũng có nghĩa là Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi. Cuối cùng là phúc lợi xã hội phải tốt và quan trọng hơn cả, Chính phủ kiến tạo là nói phải đi đôi với làm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng trả lời làm rõ một loạt những chất vấn liên quan đến việc quản lý nợ công, vay nợ nước ngoài; chủ trương của Chính phủ đối với các dự án BOT trong thời gian tới; công tác điều hành của Chính phủ; Chính phủ điện tử; tăng cường tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Trước câu hỏi của đại biểu liệu có tình trạng “chìm xuồng” trong quá trình xử lý những vụ án liên quan đến tham nhũng hay không, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. Thời gian tới cả hệ thống hành pháp, tư pháp sẽ phối hợp làm tốt hơn để nhân dân yên tâm hơn, công khai kết quả trước Quốc hội và cử tri cả nước các vụ án đã được phát hiện. Phần trả lời chất vấn của người đứng đầu Chính phủ đã nhận được sự đồng tình của đa số các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Các ý kiến cho rằng, những giải pháp mà Thủ tướng đưa ra trong việc xử lý những vấn đề quan trọng của đất nước rất sát với thực tiễn và cụ thể.
Cũng trong tuần làm việc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán, và phân bổ ngân sách nhà nước năm 2018, biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Đồng thời, thảo luận và cho ý kiến về các Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; và Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo VOV