Chính trị - Xã hội
Tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp
Chiều 7-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Hòa Vang. Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (thứ hai, từ phải) và Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (phải)thăm hỏi, động viên bà con nhân dân tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: TTXVN |
Báo cáo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành cho biết, đợt lũ vừa qua đã khiến 79/112 thôn bị ngập. Đỉnh lũ chỉ kém lũ lịch sử năm 1999 khoảng 0,5m. Toàn huyện có 10.431 hộ ngập lụt, 316 hộ phải di dời. Không có người chết, chỉ có 4 người bị thương. Tuy nhiên, tổng giá trị thiệt hại lên đến 44,5 tỷ đồng, nặng nhất là thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến kiểm tra tình hình thiệt hại tại xã Hòa Khương và khu vực đập bara An Trạch, nơi điều tiết lũ cho toàn bộ vùng Hòa Vang. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã đến thăm các gia đình liệt sĩ, có công cách mạng bị ảnh hưởng nặng do lũ tại xã Hòa Khương. Tại nhà ông Lê Văn Căng, gia đình liệt sĩ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe gia đình ông Căng, đồng thời động viên người dân địa phương nhanh chóng khắc phục lũ lụt để ổn định sản xuất, nhất là bảo đảm sức khỏe, vệ sinh môi trường. “Lũ lớn, lên nhanh và nguy hiểm như vậy nhưng người dân đã chủ động phòng tránh nên Đà Nẵng không có thiệt hại về người, đó là kỳ tích. Tuy vậy, bà con và chính quyền địa phương đừng chủ quan vì thường có thiệt hại về người sau lũ, nhất là trẻ em đừng đến những khu vực có nước ngập sâu”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dặn dò.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận và biểu dương sự chủ động và những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố và huyện Hòa Vang trước, trong và sau mưa lũ, nhất là đưa ra những cảnh báo sớm, thông tin kịp thời tình hình lũ lụt để hạn chế thiệt hại về người và tài sản; bảo đảm giao thông không bị ách tắc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các ngành, các cấp của thành phố cần tiếp tục khắc phục thiệt hại, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, đồng thời tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp ở những vùng bị thiệt hại nặng; cấp ủy, chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân vùng bị ngập lụt, nhất là bảo đảm lương thực, thực phẩm và thuốc men để điều trị bệnh.
Báo cáo của huyện Hòa Vang cho biết, trước, trong và sau bão lũ, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Trung ương và thành phố, huyện Hòa Vang đã thực hiện nghiêm túc công tác chỉ đạo, chỉ huy và tăng cường công tác tuyên truyền từ huyện đến nhân dân để ứng phó. Sau lũ, UBND thành phố chỉ đạo và UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung công tác khắc phục hậu quả lũ lụt với quan điểm chung là: Tập trung ra quân dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện theo phương châm “nước rút đến đâu dọn vệ sinh đến đó”, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; dạy và học; nhanh chóng tổ chức lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống dân sinh, không để người dân thiếu lương thực, nước sạch. Tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người trong thời gian khắc phục hậu quả lũ lụt do chủ quan; đồng thời, góp phần cùng thành phố tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
VIỆT DŨNG
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (giữa) và Bí thư thành ủy Trương Quang Nghĩa (phải) thăm hỏi, động viên người dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra. Ảnh: Việt Dũng |
Học sinh trở lại trường sau mưa lũ
Ngày 7-11, sau khi nước lũ rút, nhiều trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang tổ chức tổng dọn vệ sinh, để sớm đưa học sinh trở lại trường sau 2 ngàynghỉ học tránh mưa lũ.
Khoảng 6 giờ ngày 7-11, nước vừa rút khỏi phòng học, cán bộ, nhân viên, giáo viên Trường THCS Trần Quốc Tuấn (xã Hòa Phong) đã đến trường tổng dọn vệ sinh. Thầy Trương Văn Tiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi nước rút, bàn ghế các lớp ngổn ngang, nhiều bùn non, rác thải… Với sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hòa Vang, đến 11 giờ cùng ngày, các lớp học đã sạch sẽ, bàn ghế được xếp gọn, ngăn nắp. “Do có kinh nghiệm phòng, chống lũ lụt nhiều năm nay nên trước khi lũ về, máy móc thiết bị đều được cán bộ, giáo viên đưa lên cao. Mong trời không mưa, nước rút sớm để học sinh được đi học trở lại”, thầy Tiếu nói.
Tại Trường tiểu học An Phước (xã Hòa Phong), đến 11 giờ 30 ngày 7-11, các thầy, cô giáo vẫn còn miệt mài quét dọn. Trường An Phước là một trong hai trường bị ngập sâu nhất (hơn 1,5m), nhưng không bị thiệt hại về cơ sở vật chất. Đến trưa 7-11, các lớp học đã được sắp xếp lại ngăn nắp; sách vở của học sinh cũng được các thầy cô giáo, phụ huynh để gọn trên bàn cho từng em. “Trường đã sẵn sàng đón học sinh trở lại vào ngày 8-11, nhưng tại một số khu vực nước vẫn chưa rút nên theo lãnh đạo UBND huyện, có lẽ học sinh vẫn nghỉ thêm một ngày nữa”, Hiệu trưởng Đinh Thị Dễ cho hay.
Cũng nỗ lực để học sinh trở lại trường sớm nhất, rạng sáng 7-11, giáo viên của Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh (xã Hòa Châu) đã đến trường tổ chức tổng dọn vệ sinh. “Ngày 8-11, trường có thể đón học sinh trở lại trường, tuy nhiên tại hai khu vực thôn Tây An và Đông Hòa nước chưa rút nên để bảo đảm an toàn tính mạng, có thể học sinh ở đây sẽ tiếp tục nghỉ học”, thầy Đinh Huynh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh cho biết.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết toàn huyện có 23 trường bị ngập lụt. Trong ngày 7-11, nước rút nên các thầy, cô giáo và lực lượng vũ trang có thể tổng dọn vệ sinh. Trong khi đó, ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, mặc dù đã dọn dẹp, nhưng một số trường thuộc cánh phía nam (các xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến) phải nghỉ học trong ngày 8-11 chờ nước rút hết và để lực lượng y tế khử trùng môi trường. Các xã còn lại trong ngày 8-11 sẽ học bình thường. Trong buổi chiều 8-11, lực lượng y tế sẽ phun thuốc khử trùng trước khi đón học sinh trở lại trường.
Giáo viên Trường tiểu học An Phước dọn vệ sinh vào trưa 7-11. Ảnh: Ngọc Phú |
Chủ động vệ sinh, phòng chống dịch bệnh
Ngày 7-11, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, trong đó lưu ý địa bàn huyện Hòa Vang, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt lũ vừa qua. Ngành y tế tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng ngập lụt triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. “Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát, nhất là những khu vực bị ngập, nếu xảy ra dịch bệnh phải báo sớm cho sở và các cơ quan liên quan để có biện xử lý kịp thời”, ông Hồng cho biết thêm.
Theo ông Bùi Nam Dũng, trong ngày 6-11, địa phương đã có công văn yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành huyện, Chủ tịch UBND 11 xã và đề nghị lãnh đạo Mặt trận, các hội, đoàn thể huyện chủ động triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm sau lũ lụt. “Đặc biệt các ngành phải theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực bị ngập lụt trên địa bàn, tăng cường phòng, chống các hành vi lợi dụng lũ lụt xả chất thải bẩn, xác súc vật chết gây ô nhiễm môi trường. Cần phối hợp với các ngành, UBND 11 xã hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường tại hộ gia đình và cộng đồng, nước rút đến đâu vệ sinh đến đó”, ông Dũng cho biết.
Trong ngày 7-11, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang bắt đầu tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường tại các trường học, chợ trên địa bàn huyện. Bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, việc phun hóa chất tại các điểm trường và chợ sẽ được triển khai trong 3 ngày tới. Ngành y tế huyện cũng cử 15 cán bộ, nhân viên xuống trực tiếp hỗ trợ các địa phương tham gia công tác xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh. “Nếu nguồn nước sinh hoạt của khu vực nào không bảo đảm chất lượng, chúng tôi sẽ sử dụng hóa chất cloramin B xử lý môi trường, đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp, thương hàn, lỵ…”, ông Sỹ cho biết thêm.
* Chiều 7-11, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện còn 3 xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bị ngập, nên ngày 8-11 học sinh các khối mầm non, tiểu học, THCS các địa phương này tiếp tục được nghỉ học. Học sinh các xã còn lại trên địa bàn huyện và một số khu vực bị ảnh hưởng tại địa bàn quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn đi học trong 8-11.
Cũng theo ông Vĩnh, đợt lũ vừa qua, học sinh toàn huyện Hòa Vang và một số địa phương khác như quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn bị ảnh hưởng lũ lụt nhưng vẫn an toàn, không thiệt hại về người. Tuy nhiên, tường trào Trường tiểu học Hòa Bắc, Trường mầm non Hòa Tiến 1 bị sập một phần, Trường tiểu học Hòa Phước 1 bị sập la-phông và đang được khắc phục.
NGỌC PHÚ – PHAN CHUNG
Hoa màu thiệt hại nặng
Do ngập lũ sâu và nước chảy xiết nên nhiều làng rau của huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ bị thiệt hại nặng, nhiều làng rau gần như mất trắng. Tại vùng rau La Hường, gần như toàn bộ diện tích 7ha trồng rau bị ngập lũ và có khả năng thiệt hại hoàn toàn. Các vạt đất trồng rau ven sông Cẩm Lệ cũng gần như mất trắng. “Tôi trồng 70 gốc mướp ngọt và khoảng 100m2 các loại rau nhưng ngập lũ, thiệt hại hơn 7 triệu đồng”, bà Đỗ Thị Gái (trú tổ 6, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) cho biết.
Tại làng rau Túy Loan Tây (xã Hòa Phong), tuyến đường dẫn vào làng rau còn ngập nước. Diện tích trồng các loại rau ăn lá như xà lách, rau cải, bồ ngọt, rau quế bị ngập lũ nên đã úng. Những loại rau ăn trái như mướp ngọt, mướp đắng, bí đao, đậu tây, dưa leo… cũng đang héo úa do bị ngâm nước lũ gây thối rễ. “Rau muống bị ngập lũ phải cắt cho heo, bò ăn. Gia đình tôi gieo trồng 2.500m2 các loại rau nhưng bị ngập lũ nên gần như mất trắng, mất 5 triệu đồng vốn đầu tư cho vụ rau này”, ông Trần Lượng (thôn Túy Loan Tây) buồn bã nói.
Còn ông Trần Công Khuê (thôn Túy Loan Tây) bần thần: “Diện tích 500m2 đậu tây đã trồng được 50 ngày, đang ra hoa thì gặp lũ, thối rễ nên chết dần. Toàn bộ diện tích 1.500m2 trồng rau của gia đình tôi không thu hoạch được gì, thiệt hại hơn 10 triệu đồng”. Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết: “Lũ ngập 12ha diện tích trồng rau sạch Túy Loan Tây cũng như ớt Bồ Bản. Có khả năng thiệt hại hoàn toàn”.
Qua thống kê của UBND huyện Hòa Vang, diện tích trồng rau bị lũ gây thiệt hại trên địa bàn huyện lên đến 45ha, đặc biệt là các làng rau sạch, rau chất lượng cao như Cẩm Nê (Hòa Tiến); Phú Sơn 3, Phú Sơn Nam (Hòa Khương), Túy Loan Tây (xã Hòa Phong) và các vùng rau ở xã Hòa Nhơn, Hòa Phước. Cạnh đó, có diện tích 1.000m2 sản xuất nấm ở xã Hòa Tiến bị thiệt hại nặng do ngập hoàn toàn. Ngoài ra, lũ gây thiệt hại cho 5,5ha nuôi trồng thủy sản với khoảng 15 tấn cá nước ngọt các loại ở thôn An Ngãi Tây 2 (xã Hòa Sơn) và các thôn Phú Sơn Nam, Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương).
Báo cáo của UBND quận Cẩm Lệ cho biết, lũ đã làm ngập và hư hại 18ha trồng hoa màu, gồm 7ha rau màu ở vùng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông), 3,9ha ở vùng rau Gò Soi (phường Hòa Thọ Tây), 3ha ở tổ 89 khu vực Cồn Dầu và khu liên hợp thể thao ở phường Hòa Xuân.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, qua thống kê ban đầu, lũ làm ngập, gây thiệt hại nặng 11ha diện tích nuôi tôm, cá ở các quận, huyện; 84ha diện tích trồng hoa, màu… Có 2 tàu cá bị chìm khi đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, 2 thúng máy và 2 thúng bơi bị chìm khi đang neo đậu ở bến Thọ Quang.
HOÀNG HIỆP
Thực phẩm tăng giá sau lũ
Sau bão lũ, nhiều mặt hàng thực phẩm bán tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng đều tăng giá từ 3.000 - 5.000 đồng. Cá biệt giá rau xanh các loại như rau cải, rau muống, mồng tơi, rau lang… tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với ngày thường.
Tại chợ Đầu mối Hòa Cường, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, chủ sạp buôn sỉ, lẻ mặt hàng rau xanh cho biết, do mưa lũ, nguồn hàng khan hiếm nên giá các loại rau xanh, nhất là rau được nhập về từ các vùng quê của tỉnh Quảng Nam và huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với ngày thường. Giá tăng cao nhưng có ngày không có rau để bán. Cụ thể, giá rau muống từ 4.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg; rau cải xanh từ 7.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg; rau lang từ 6.000 đồng/kg tăng lên 30.000 - 35.000 đồng/kg. Giá bầu, dưa leo, đậu bắp, củ cải, bí đao đều tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Cụ thể, bí đao 9.000/kg, dưa leo 10.000 đồng/kg, củ cải 10.000 đồng/kg, đậu bắp 20.000 đồng/kg, bầu 11.000 đồng/kg.
Ông Diệp Hồng Thông Anh, Trưởng Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết, những ngày vừa qua, giá các mặt hàng bán buôn ở chợ đều biến động nhẹ, tăng mạnh nhất vẫn là các loại rau xanh do nguồn cung chủ yếu ở các vùng rau xanh của tỉnh Quảng Nam và huyện Hòa Vang hoàn toàn bị gián đoạn. Trung bình sản lượng rau, củ vận chuyển về chợ Đầu mối khoảng 160 tấn/ngày nhưng những ngày sau mưa lũ, sản lượng chỉ khoảng 70%; sản lượng trái cây ngày thường khoảng 180 tấn/ngày, nay chỉ đạt 40%. Riêng các mặt hàng thịt heo, thịt bò, tôm, cá vẫn bình ổn giá. Cụ thể, thịt mông có giá 90.000 đồng/kg, thịt vai 90.000 đồng/kg, ba chỉ 90.000 đồng/kg, cá thu loại 5-6kg/con có giá 200.000 đồng/kg…
Tại chợ Đống Đa, tăng mạnh nhất là các loại rau quê như rau muống 20.000 đồng/bó nhỏ; rau cải 30.000 đồng/bó nhỏ; mồng tơi, rau ngót 20.000 đồng/bó nhỏ. Các loại củ như khoai tây, cà rốt, bắp cải, súp lơ xanh - trắng tăng nhẹ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Tại chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), nơi cung cấp nguồn thực phẩm chính cho người dân toàn huyện, những ngày này nguồn hàng về không nhiều; các loại rau, củ, quả, cá đều tăng so với thời điểm trước mưa lũ. Cụ thể, rau cải quê từ 5.000 đồng/bó tăng lên 10.000 đồng/bó; rau muống từ 5.000 đồng/bó tăng lên 12.000 đồng/bó; mồng tơi từ 5.000 đồng/bó tăng lên 10.000 đồng/bó; hành lá từ 20.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg; ngò từ 5.000 đồng/bó tăng lên 10.000 đồng/bó. Trong khi đó, cá các loại cũng tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Khắc phục hệ thống giao thông Báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, mưa lũ trong những ngày qua gây nhiều thiệt hại cho hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố. Tuyến đường Thăng Long đoạn nút An Hòa 9 - Trường tiểu học Lý Thánh Tông bị ngập lụt. Tuyến đường bộ lên đỉnh Bà Nà tại Km6+00 trụ điện lực gãy đổ, sạt lở tại Km11. Đất chài ra mặt đường khoảng 148,72m3 trên các tuyến Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Hữu Thọ, ĐT.602. Đường Hoàng Văn Thái nối dài sạt lở 4 vị trí: trụ điện chiếu sáng 67 bị sạt lở taluy dương, lấp mương dọc 20md; trụ triện chiếu sáng 151 sạt lở, lấp mương dọc 25md; trụ điện chiếu sáng 176 sạt lở lấp mương dọc 20md và trụ điện chiếu sáng 248 sạt lở lấp mương dọc 15md. Sạt lở, sụt lún khoảng 183,22m3 vỉa hè trên các tuyến Bạch Đằng, Lê Văn Hiến, ĐT602… Trên tuyến quốc lộ 14B đoạn Km0+00 - Km32+126, hệ thống biển báo hiệu đường bộ bị nghiêng ngả nhiều vị trí. Giá long môn lắp để lắp đặt biển báo tại Km4+500 (P) có nguy cơ bị bong ốc liên kết phần dàn ngang ngã đổ. Trên tuyến quốc lộ 1 đoạn Km916+300 - Km933+082, mặt đường phát sinh một số vị trí ổ gà sâu trung bình 5cm với tổng diện tích 29m2. Hệ thống biển báo hiệu đường bộ bị nghiêng ngả tại 10 vị trí. Tuyến đường ĐT 601: tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan do Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh triển khai có một số vị trí sạt lở gây bồi lấp, đất chài trên tuyến ĐT 601… Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT cho biết, ngành đã huy động 5 xe cẩu, nhân lực của Công ty Quản lý cầu đường, Thanh tra giao thông tiến hành cảnh giới, bảo đảm giao thông tại các vị trí nguy hiểm trên những tuyến đường. Đồng thời, kiểm tra, nắn sửa các dải phân cách mềm, điều chỉnh, thu hồi hệ thống biển báo bị ngã, đổ, thu dọn các pa-nô, hàng rào, cây xanh ngã đổ trên mặt đường, khơi thông cửa thu nước, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường. Lắp đặt rào chắn không cho người và phương tiện lưu thông ở một số vị trí sạt lở trên đường lên đỉnh Bà Nà, các vị trí ngập nước trên đường Thăng Long... THÀNH LÂN |
Sáng 7-11, do triều cường thấp và lưu lượng lũ trên sông Vu Gia chảy về hạ du còn 1.000m3/s nên lũ thoát mạnh về cửa biển. Tranh thủ khi lũ đang rút, các lực lượng chức năng đưa nhu yếu phẩm vào hỗ trợ nhân dân ở các vùng thấp lụt; đồng thời giúp dọn vệ sinh nhà cửa, trường học. Ngay từ sáng sớm, mặc dù lũ đang ngập đường tràn khoảng 0,5m, lực lượng chức năng phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) đưa 31 thùng mì tôm và 310 chai nước suối vào cho nhân dân khu vực Đồng Nò (tổ 36). “Những ngày qua, lũ lên nhanh làm hầu hết nhà dân ngập sâu từ 0,6 - 0,7m. Tuy không thiệt hại về người nhưng thiếu nước sạch, cá và tôm nuôi gần như mất hết, rau màu cũng mất trắng… Đưa những thùng mì tôm và nước uống về cho dân như thế này là rất kịp thời”, ông Đặng Thanh Tuấn, tổ trưởng tổ 36, phường Hòa Quý bày tỏ. Ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết: “Lũ lên nhanh làm ngập sâu 900 hộ dân với 3.000 khẩu ở 5 khu vực: An Lưu, An Thị, Mân Quang, Đồng Nò, Khái Tây. Ngày 7-11, khi lũ đang rút, phường đã đưa 300 thùng nước uống và 100 thùng mì tôm vào 5 vùng lũ để kịp thời hỗ trợ người dân”. Ở khu vực Cồn Dầu (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) sáng 7-11, nước vẫn ngập sâu đến 0,5m, ảnh hưởng cuộc sống của 71 hộ dân với 304 khẩu. Nhiều vùng ven sông ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) ngập sâu. Đường dẫn vào thôn Tây An (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), nước còn chảy xiết về sông Cầu Đỏ. Nhiều khu vực ven sông Yên, Túy Loan, nước ngập sâu, nhiều tuyến đường chưa thể lưu thông, nhiều nhà dân còn bị ngập nước. Tranh thủ khi lũ đang rút, 50 cán bộ, chiến sĩ Kho K718 thuộc Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 354 (Vùng 3 Hải quân) giúp các thầy cô Trường tiểu học Lâm Quang Thự (xã Hòa Phong) và Trường Mầm non Hòa Khương (xã Hòa Khương) dọn vệ sinh, lau chùi bàn ghế, phòng học… |
KHÁNH HÒA