Chính trị - Xã hội

Có biểu hiện "hành chính hóa" quan hệ hình sự, tiềm ẩn bỏ lọt tội phạm

16:08, 06/11/2017 (GMT+7)

Theo chương trình làm việc, sáng 6/11, đại biểu Quốc hội nghe các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2017; các báo cáo công tác năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và thảo luận về các nội dung trên. Phiên họp được tường thuật trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Các loại tội phạm được kiềm chế, kéo giảm đáng kể

Báo cáo trước Quốc hội, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân với vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân, hoạt động của các loại tội phạm đã được kiềm chế, kéo giảm đáng kể.

Qua điều tra cho thấy, các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng công nghệ cao đẩy mạnh các hoạt động phá hoại về tư tưởng, tuyên truyền, xuyên tạc, móc nối, hướng dẫn chỉ đạo các hoạt động chống Đảng, Nhà nước, kích động gây rối an ninh trật tự, âm mưu tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại. Hoạt động tấn công mạng diễn ra nghiêm trọng, tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước gia tăng cả về số lượng và tính chất tội phạm. Về xâm phạm trật tự xã hội, đã khởi tố điều tra gần 40.500 vụ, 59 nghìn bị can, giảm 5,48% số vụ và giảm 8,08% số bị can so với năm 2016. Tuy nhiên, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức lưu manh côn đồ, sử dụng vũ khí vẫn diễn ra ở một số nơi.

Đáng chú ý có sự gắn kết đan xen giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế và ma túy. Tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động xảy ra ở một số địa phương. Tội phạm xâm phạm trật tự và quản lý kinh tế, chức vụ và tham nhũng đã phát hiện, khởi tố, điều tra 854 vụ, 1.491 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, ít hơn 33,49% số vụ và 26,37% số bị can so với năm 2016; 220 vụ, 479 bị can về tội tham nhũng, nhiều hơn 20,88% số vụ và 28,07% số bị can; 22 vụ, 103 bị can phạm tội về chức vụ, ít hơn 8,33% số vụ nhưng nhiều hơn 66,13% số bị can so với năm 2016. Hành vi phạm tội càng tinh vi, xảy ra chủ yếu trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu dự án. Tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới diễn biến phức tạp.

Công an đã khởi tố, điều tra 197 vụ, 359 bị can phạm tội sử dụng công nghệ cao, ít hơn 9,22% số vụ và 27,18% số bị can so với năm 2016. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản của các chủ thể hoặc sử dụng thẻ ngân hàng giả để rút tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua huy động vốn trái phép, bán hàng đa cấp, kinh doanh tiền ảo... Tội phạm về ma túy đã khởi tố điều tra trên 16.900 vụ, 20,791 bị can, nhiều hơn 10,13% số vụ, 8,47% số bị can so với năm 2016. Tội phạm sử dụng vũ khí trong quá trình vận chuyển ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt đã phát hiện một số vụ sản xuất ma túy tổng hợp ngay ở trong nước.

Nguyên nhân tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, theo Bộ trưởng Tô Lâm, chủ yếu là do tình hình kinh tế, đời sống của người dân nhìn chung còn nhiều khó khăn; số lao động chưa có việc làm còn nhiều; tác động tiêu cực từ mạng xã hội, nhất là thoái hóa, đồi trụy, bạo lực. Bên cạnh đó, hệ thống quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm còn nhiều bất cập...

Có trường hợp “bảo kê” cho vi phạm

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra tại Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra tại Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cho rằng năm 2017, Chính phủ, các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Những vi phạm pháp luật và tội phạm nổi cộm trong thời gian qua không chỉ mới xuất hiện trong năm 2017 mà đã kéo dài nhiều năm và đang tiếp tục gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, cho thấy hiệu quả công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc buông lỏng quản lý, còn nể nang, né tránh, chưa xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý để xảy ra vi phạm, thậm chí có cả trường hợp “bảo kê” cho vi phạm. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ có giải pháp kiên quyết hơn, xử lý nghiêm các vi phạm, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương nhưng chưa được xử lý kịp thời, nhiều vụ đã khởi tố vụ án nhưng không khởi tố được bị can. Tội phạm về chức vụ, tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng so với năm trước nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Số lượng vi phạm pháp luật hành chính là rất lớn, trong đó nhiều vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự nhưng số vụ kiến nghị xử lý hình sự không nhiều, mức xử phạt hành chính theo quy định trong nhiều trường hợp quá nhẹ dẫn đến tình trạng chấp hành pháp luật không nghiêm, “nhờn luật.” Dư luận và cử tri cho rằng, nhiều trường hợp còn có biểu hiện “hành chính hóa” quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Đây là vấn đề đã được Ủy ban Tư pháp nêu và kiến nghị với Chính phủ qua nhiều năm nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Đánh giá công tác của ngành Kiểm sát, Ủy ban Tư pháp cho rằng năm 2017, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tiến độ, chất lượng giải quyết một số vụ án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đáng lưu ý còn bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng tăng. Số vụ án Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, sau đó phân công cho Viện Kiểm sát nhân dân địa phương thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm bị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung vẫn chiếm tỷ lệ cao, trong đó phần lớn là các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng.

Về công tác của ngành Tòa án, Ủy ban Tư pháp đánh giá công tác xét xử của Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, năm 2017 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt được áp dụng cơ bản là nghiêm minh, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, chất lượng công tác xét xử vụ án hình sự còn có những hạn chế. Mặc dù tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội và có chuyển biến tích cực so với năm 2016 nhưng vẫn còn một tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa. Một số vụ án dư luận cử tri đặc biệt quan tâm nhưng bản án của Tòa án chưa nhận được sự đồng tình cao trong việc xác định tội danh, có trường hợp bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy vì sai tội danh. Ví dụ Vụ Công ty VN Pharma được cấp sơ thẩm xác định là tội “buôn lậu” nhưng cấp phúc thẩm hủy án, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân để điều tra lại và xác định có nhiều dấu hiệu phạm tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.”

Tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết theo báo cáo của Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Ủy ban tán thành với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng; đồng thời tán thành với đánh giá rất nghiêm túc của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác phòng, chống tham nhũng và cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng còn chưa nghiêm. Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn, “một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm.”

Một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm,” sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri, nhưng qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng, kinh tế lớn do Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra. Còn nhìn chung ở cấp tỉnh, ở một số bộ, ngành, việc phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng còn ít, trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những khu vực này vẫn còn nghiêm trọng, nhất là ở một số bộ, ngành có thẩm quyền phân bổ các nguồn lực đầu tư, tài chính, xét duyệt dự án, công trình, quản lý cấp phép về khai thác khoáng sản, xuất nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu… hoặc ở những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, không loại trừ ở cả các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa được hưởng các ưu đãi từ ngân sách nhà nước.

"Đây là vấn đề lớn, xảy ra trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, có dấu hiệu bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là việc “khép kín” trong nội bộ, thiếu kiên quyết, còn nể nang, né tránh, bệnh thành tích của nhiều tỉnh, bộ, ngành trong việc xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra nội bộ về phòng, chống tham nhũng. Ở một số đơn vị phát hiện được tham nhũng thì chủ yếu là do có đơn tố cáo hoặc do mâu thuẫn nội bộ" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết.

Đánh giá về công tác kê khai tài sản, Ủy ban Tư pháp cho rằng thực trạng cho thấy biện pháp phòng ngừa này còn hình thức, hiệu quả thấp. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến. Ủy ban Tư pháp nhận thấy, qua thực tiễn kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng cũng như kết quả của các nghiên cứu quốc tế về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thì công khai, minh bạch là “giải pháp của mọi giải pháp” để phòng ngừa tham nhũng. Tình trạng vi phạm quy định về công khai, minh bạch như đã nêu trên đã làm giảm đáng kể hiệu quả của công tác phòng ngừa tham nhũng thời gian qua. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới./.

Theo Vietnam+

.