Chính trị - Xã hội

"Có cán bộ bị kiểm điểm, xử lý dù tố cáo đúng"

14:31, 24/11/2017 (GMT+7)

“Có người tố cáo là công chức, viên chức bị kiểm điểm vì cái tội “vạch áo cho người xem lưng”, không “đóng cửa bảo nhau”.

“Vạch áo cho người xem lưng”?

Đại biểu Mai Sỹ Diến: Có cán bộ tố cáo đúng cũng bị kiểm điểm vì tội
Đại biểu Mai Sỹ Diến: Có cán bộ tố cáo đúng cũng bị kiểm điểm vì tội "vạch áo cho người xem lưng"

Đại biểu Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá dẫn quy định nghĩa vụ của người tố cáo trong dự thảo luật là chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình và bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật gây ra.

Cho rằng thời điểm nào cũng có hàng trăm người tố cáo kéo dài, gửi đơn nhiều nơi gây bức xúc đối với một số cơ quan và người có trách nhiệm, nhưng theo ông Mai Sỹ Diến, sửa đổi luật lần này không chỉ điều chỉnh hành vi tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng quy định của pháp luật mà cần sửa đổi bổ sung theo hướng khuyến khích công dân, trong đó có công chức, viên chức mạnh dạn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi tham nhũng của cá nhân có trách nhiệm khi thực thi chức trách, nhiệm vụ.

    “Chúng ta cứ tranh luận về việc tố cáo có chủ thể hay không chủ thể. Tôi có ý nghĩ khác. Khiếu nại là đòi quyền lợi cho mình nên phải xưng danh, nhưng tố cáo không cần thiết phải xưng danh. Chủ thể rõ ràng hay chủ thể ẩn thì vẫn là tố cáo, do đó đề nghị định nghĩa lại tố cáo để xác định cho rõ. Tôi nghĩ ta phải trọng hành vi chứ không trọng chủ thể” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

Theo vị đại biểu đoàn Thanh Hoá, thời gian vừa qua chúng ta rất trân trọng một số công chức, viên chức, người dân mạnh dạn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng tố cáo xong, có người được khen thưởng, song có người tố cáo bị họ hàng tẩy chay; công chức, viên chức tố cáo thì xin chuyển công tác. Thậm chí, có công chức tố cáo đúng nhưng bị kiểm điểm, xử lý và áp dụng hình thức tăng nặng với lý do biết vi phạm nhưng trong sinh hoạt hàng tháng không phê bình, góp ý cho tổ chức, cá nhân và đồng chí mình theo quy định để sửa chữa, ngăn chặn.

“Điều này bị lợi dụng để xử lý người tố cáo là công chức, viên chức triệt để vì cái tội “vạch áo cho người xem lưng”, “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”, không “đóng cửa bảo nhau”, làm ảnh hưởng đến cơ quan, làm tốn tiền công quỹ tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra” – ông Mai Sỹ Diến nói.
Những điều nêu trên làm cho công dân không dám thực hiện tố cáo, trong đó có công chức, viên chức. Vì vậy, đại biểu đề nghị việc quy trách nhiệm của người tố cáo cần điều chỉnh “mềm” hơn để người tố cáo mạnh dạn thực hiện quyền theo luật định.

Loại bỏ tư duy “hạ cánh an toàn”

Về tố cáo, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức nay đã nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (đoàn Bình Dương) đồng tình với quan điểm bất kể là đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác thì cơ quan có thẩm quyền đều có trách nhiệm xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo và pháp luật có liên quan.

“Đây là bổ sung rất quan trọng kịp thời, để tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của các bộ công chức, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ được giao và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Loại bỏ tư duy “hạ cánh an toàn” trong đội ngũ cán bộ, công chức đang làm việc hay đã nghỉ hưu.

Đại biểu Nguyễn Văn Khánh: Loại bỏ tư duy
Đại biểu Nguyễn Văn Khánh: Loại bỏ tư duy "hạ cánh an toàn"

Về hình thức tố cáo, ngoài hình thức bằng đơn hay trực tiếp, đại biểu cho rằng, việc tố cáo bằng fax hay qua thư điện tử thực chất chỉ là phương thức chuyển đơn tố cáo khác nhau. Việc thụ lý hình thức tố cáo này bảo đảm kịp thời, tiện lợi cho công dân thực hiện quyền công dân, kịp thời ngăn chặn những hành vi sai phạm và hậu quả đang và sẽ xảy ra do hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân tố cáo đồng thời phù hợp với Luật Giao dịch điện tử.

Hiến pháp quy định mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cá nhân tố cáo những việc làm trái pháp luật là thực hiện quyền hiến định. Đồng thời thống nhất với quy định của một số luật hiện hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng Hình sự.

“Nhưng dù hình thức tố cáo nào thì cũng phải xác định rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, nội dung tố cáo phải rõ ràng, căn cứ phải có cơ sở để xác minh, kết luận và xác định được trách nhiệm của người tố cáo khi tố cáo sai” – đại biểu Khánh nêu quan điểm. 

Mọi hành vi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm

Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, về nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật cần được phát hiện hiện và xử lý nghiêm, kể cả khi đang công tác hay đã về hưu. Tuy nhiên, dự luật này chỉ quy định khái quát và quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết tố cáo này.

Về hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, Chính phủ cho rằng đây là vấn đề phức tạp, cần nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo và đảm bảo tính khả thi. Đảm bảo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo nhưng cũng hạn chế việc lạm dụng để gây rối. Tuy nhiên, đại biểu có nhiều ý kiến mở rộng nên cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra cân nhắc kỹ.

Về bảo vệ người tố cáo, Chính phủ cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng và là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống. Do đó sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, nhất là xác định trách nhiệm chính và trách nhiệm phối hợp, có biện pháp cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi.

Theo VOV

.