Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng chủ động ứng phó mưa lũ do bão số 12 đổ bộ

20:08, 03/11/2017 (GMT+7)

ĐNO – “Đà Nẵng tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lớn trên diện rộng và lũ lụt, giảm thiểu ảnh hưởng đến các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017”.

Đó là lưu ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị trực tuyến về ứng phó với bão số 12 và mưa lũ sau bão diễn ra vào chiều tối 3-11.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có 2 công điện ứng phó với bão số 12 và tình hình mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở và ngập úng trên địa bàn thành phố.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nếu sớm thì khoảng 2 giờ sáng 4-11, bão số 12 sẽ tiến sát bờ biển Nam Trung Bộ.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nếu sớm thì khoảng 2 giờ sáng 4-11, bão số 12 sẽ tiến sát bờ biển Nam Trung Bộ.

Trong đó, tổ chức thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin bão và vùng nguy hiểm để chủ động phòng tránh an toàn. Chỉ đạo các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê.

Triển khai phương án phòng chống ngập khu vực đô thị và vệ sinh môi trường, chằng chống và tỉa bớt cành lá cây xanh đường phố nhằm hạn chế ngã đổ, bảo đảm an toàn và mỹ quan cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng cho biết, hiện có 20 tàu thuyền của Đà Nẵng với 135 lao động đang hoạt động trên biển nhưng nằm ngoài vùng nguy hiểm của bão số 12

Về tình hình hồ chứa, có 7 hồ đầy nước, đã chảy qua tràn (Hòa Trung, Diêu Phong, Tân An, Hóc Gối, Hố Lăng, Hóc Bồ, Hố Cau), 14 hồ còn lại dung tích đạt 70% thiết kế và hiện đang túc trực theo dõi thường xuyên mực nước các hồ chứa, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra...

“Hiện nay, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai và thời tiết xâu trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, tổ chức ứng phó với 3 loại hình thiên tai có nguy cơ ảnh hưởng đến Tuấn lễ Cấp cao APEC là bão, mưa lớn, lũ và sóng thần”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh báo cáo thêm.

Tàu thuyền của Đà Nẵng và các tỉnh đang được neo đậu an toàn tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.
Tàu thuyền của Đà Nẵng và các tỉnh đang được neo đậu an toàn tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Nếu sớm thì chỉ còn khoảng 10 giờ nữa (khoảng 2 giờ sáng 4-11) là bão sẽ tiến sát bờ biển Nam Trung Bộ, vì thế, các địa phương cần lưu ý rà soát, khẩn trương triển khai các công việc còn lại như: kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn, tổ chức di dân ở khu vực xung yếu, thông báo và hướng dẫn khách du lịch phòng tránh bão…”.

Còn theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 16 giờ ngày 3-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ vĩ bắc, 112,2 độ kinh đông, cách bờ biển Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 300km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 4 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ vĩ bắc; 109,5 độ kinh đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ nam Phú Yên đến bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.

HOÀNG HIỆP

.