Chính trị - Xã hội
Hơn 1.200 hộ dân Hòa Vang bị ngập
Tính đến chiều 22-11, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 33/119 thôn với 1.218 hộ dân bị ngập nước do mưa lũ. Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục phát cảnh báo lũ lên lại do mưa lớn.
Đường ĐT.601 đi Hòa Bắc bị ngập sâu, cắt đứt hoàn toàn. Ảnh: H.HIỆP |
Trong 2 ngày qua, do mưa lớn kết hợp với lũ chảy qua tràn tự do của hồ Hòa Trung và Khu công nghệ cao đổ về làm ngập sâu nhiều nhà dân ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Đặc biệt, tuyến đường ĐT.601 đoạn qua trung tâm xã Hòa Liên ngập sâu đến 0,6m, cắt đứt lưu thông lên xã Hòa Bắc.
Để xử lý thoát lũ tạm cho đoạn đường ĐT.601, UBND xã Hòa Liên đã huy động xe múc đào một tuyến mương thoát nước trên phần đất của Khu tái định cư Hòa Liên 4 để thoát qua cống tạm ra kênh thoát lũ Hòa Liên.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Hòa Vang, trong đợt mưa lũ này, xã Hòa Liên bị ngập nặng nhất, 13/13 thôn với 829 hộ dân ngập nước. Kế đó là xã Hòa Phong có 8/15 thôn với 200 hộ bị ngập, xã Hòa Nhơn có 10/15 thôn với 157 hộ bị ngập, xã Hòa Khương có 2/11 thôn với 30 hộ bị ngập…
Trên tuyến đường ĐT.601 đoạn qua thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên có 4 điểm sạt lở đất, đá, xã đã phối hợp với đơn vị thi công công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan xử lý khối lượng đất đá tràn ra đường để bảo đảm giao thông.
Một số tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã ở các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Liên bị lũ chia cắt, các địa phương đã tổ chức chốt chặn, cắm biển cảnh báo, không cho người dân qua lại các khu vực ngập sâu. Mưa lũ cũng cuốn trôi một đoạn đường bê-tông ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh và làm ngập nước Trường tiểu học Lâm Quang Thự và Trường tiểu học Hòa Liên 2…
Lũ từ hồ Hòa Trung tuôn xối xả qua tràn tự do, chảy về gây ngập sâu xã Hòa Liên. |
Để ứng phó với đợt mưa lớn tiếp theo và có khả năng lũ trên các sông lên lại, huyện Hòa Vang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 39/CĐ-PCTT của Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố về cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất khu vực Đà Nẵng.
11 xã triển khai công tác ứng phó với diễn biến tình hình mưa lũ và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan và Cu Đê; triển khai phương án phòng chống thiên tai và thông báo cho nhân dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm, chuẩn bị phương án sơ tán đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng canh gác ở những đoạn đường ngập sâu, kiên quyết không cho người qua ngầm, tràn bị ngập sâu và chảy xiết…
Theo bản tin cảnh báo mưa lớn trên diện rộng và cảnh báo lũ ở miền Trung của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường và gió đông trên cao, từ ngày 22-11 đến hết 27-11, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to; các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa to đến rất to.
Cảnh báo, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định có khả năng lên lại. Từ ngày 22 đến 26-11, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định có khả năng lên mức báo động (BĐ) 2 đến BĐ3, có nơi trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt vùng trũng thấp…
Thông tuyến đường sắt Bắc - Nam Tối 22-11, ông Lê Thanh Sơn, Trưởng ga Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, kể từ khi khắc phục xong 7 điểm sạt lở cách ga Lăng Cô từ 3-7km về phía nam với khoảng 350m3 đất đá vào chiều 21-11 đến nay, các đoàn tàu vẫn đang lưu thông qua đèo Hải Vân với tốc độ mới được nâng từ 5km/giờ lên 15km/giờ. “Do đã mưa nhiều ngày, đất no nước nên rất dễ chảy và sạt lở xuống đường sắt. Khi đất đã chảy thì các tảng đá mồ côi lớn, nhỏ bị mất “chân” và dễ rơi, lăn tự do xuống án ngữ đường sắt. Trường hợp hòn đá có kích cỡ 6m3, nặng hơn 10 tấn lao xuống và án ngữ đường sắt tại Km757+750 vào trưa ngày 20-11 là một minh chứng. Công nhân phải dùng sức để chẻ viên đá này với các công cụ đục và búa tạ, mất đến 10 giờ mới giải phóng được đoạn đường sắt và khôi phục chạy tàu”, ông Lê Thanh Sơn cho biết. Trước đó, trong hai ngày 20 và 21-11, đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân có 7 điểm sạt lở, cách ga Lăng Cô từ 3-7km về phía nam với khoảng 350m3 đất đá án ngữ đường tàu, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Hơn 100 công nhân đường sắt được chi viện để khắc phục sạt lở. Đồng thời, ngành đường sắt triển khai phương án trung chuyển hành khách ở 2 ga Lăng Cô và Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) bằng ô-tô để lên tàu, tiếp tục hành trình. Trong ngày 21-11, đã trung chuyển khoảng 800 hành khách trên 6 chuyến tàu: SE21, SE9, SE1(từ miền bắc vào miền nam) và SE22, SE10, SE2 (từ miền nam ra miền bắc) bằng ô-tô từ ga Lăng Cô qua hầm đường bộ Hải Vân đến ga Kim Liên và ngược lại để tiếp tục hành trình. NAM TRÂN |
HOÀNG HIỆP