Chính trị - Xã hội

KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Bảo đảm bí mật thông tin người tố cáo

08:08, 09/11/2017 (GMT+7)

Ngày 8-11, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) làm việc tại tổ để thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng cơ bản thống nhất với những nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Về hình thức tố cáo (Điều 19), ĐB Nguyễn Thanh Quang, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng đề nghị cần quy định việc thụ lý, giải quyết đối với tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại theo hướng: khi tiếp nhận thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền phải xác minh thông tin về người tố cáo. Trường hợp rõ tên, địa chỉ người tố cáo thì thụ lý giải quyết theo quy định. Tán thành ý kiến này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, cần quy định như vậy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) bày tỏ sự thống nhất với dự thảo luật, không nên quy định việc thụ lý, giải quyết tố cáo bằng thư điện tử. Bởi lẽ, theo ĐB Hoa, một người có thể tạo ra rất nhiều hộp thư điện tử, gửi tố cáo tràn lan sẽ gây khó khăn trong quá trình giải quyết, trong khi đó, về nguyên tắc pháp luật, quyền luôn đi kèm với nghĩa vụ nên cần xác định rõ người tố cáo là ai để xử lý trách nhiệm trong trường hợp tố cáo sai sự thật.

Về tiếp nhận, xử lý tố cáo mạo danh, nặc danh (Điều 23), nhiều ĐB cho rằng dự thảo luật quy định về nguyên tắc không xem xét, giải quyết đối với tố cáo mạo danh, nặc danh là phù hợp với thực tiễn và điều kiện của nước ta hiện nay. Theo ĐB Nguyễn Thanh Quang, nếu luật quy định giải quyết tố cáo mạo danh, nặc danh thì đơn thư tố cáo sẽ rất nhiều, gây khó trong việc xác minh giải quyết thông tin ban đầu. Hơn nữa, việc quy định giải quyết tố cáo mạo danh, nặc danh sẽ vô tình làm triệt tiêu tố cáo chính danh, bởi tâm lý người tố cáo luôn chọn phương án an toàn nhất cho mình trong bối cảnh cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa được bảo đảm như hiện nay. Mặt khác, nếu nội dung tố cáo không có cơ sở, tố cáo sai thì cũng không biết người tố cáo là ai để xử lý trách nhiệm.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị trong trường hợp tố cáo mạo danh, nặc danh có thông tin rõ ràng, kèm theo chứng cứ cụ thể để chứng minh thì cần xem xét để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra. Liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng cho rằng, quy định việc thụ lý giải quyết tố cáo mạo danh, nặc danh là hoàn toàn không phù hợp về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Theo ĐB Sơn, vấn đề đặt ra là việc không giải quyết đơn tố cáo mạo danh, nặc danh có làm bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật hay không. ĐB Sơn cho rằng, trên thực tế, những thông tin tố cáo mạo danh, nặc danh có nội dung rõ ràng vẫn được xử lý để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra nên sẽ không bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật trong trường hợp này.

Về nguyên tắc giải quyết tố cáo, tại khoản 2, Điều 4 dự thảo luật quy định: “Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo”. ĐB Nguyễn Thanh Quang cho rằng, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc này trên thực tế, cần bổ sung nguyên tắc: “Giữ bí mật đối với những thông tin liên quan đến người tố cáo”. Theo ĐB, mặc dù vấn đề giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 9 dự thảo luật, nhưng cần phải đưa quy định này thành một nguyên tắc trong luật mới  bảo đảm thực hiện khả thi hơn trên thực tế.

Về quy định không thụ lý giải quyết đối với “Tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, người khiếu nại không đồng ý, chuyển sang tố cáo đối với người giải quyết khiếu nại nhưng không cung cấp được thông tin, tài liệu, bằng chứng để chứng minh cho nội dung tố cáo của mình” (khoản 5, Điều 20), ĐB Nguyễn Thanh Quang cho rằng, đây là quy định rất phù hợp với tình hình hiện nay.

Theo ĐB, trên thực tế, có nhiều trường hợp khiếu nại đã được các cơ quan chức năng giải quyết đúng quy định của pháp luật, thậm chí có kết luận của Thủ tướng Chính phủ nhưng người khiếu nại vẫn không đồng ý, chuyển sang tố cáo người giải quyết khiếu nại, gây ảnh hưởng danh dự, uy tín của người giải quyết khiếu nại và các hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, ĐB Quang cũng đề nghị cần quy định theo hướng tương tự đối với trường hợp tố cáo người đã tham mưu, đề xuất giải quyết khiếu nại đúng quy định pháp luật.

Chiều cùng ngày, QH tiếp tục làm việc tại tổ để thảo luận về chủ trương xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

TRẦN VINH

.