* Từ 1-7-2018, tăng lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng/tháng
Chiều 13-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật An ninh mạng và dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (BMNN).
Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật An ninh mạng và dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Dự án Luật An ninh mạng và dự án Luật Bảo vệ BMNN rất quan trọng, là đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước và thực hiện Hiến pháp năm 2013, liên quan đến quyền tự do dân chủ của nhân dân. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, đây là vấn đề rất khó, không chỉ với Việt Nam mà còn với thế giới.
Đối với dự luật An ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vấn đề này hiện nhận được sự quan tâm của quốc tế, các diễn đàn song phương, đa phương và các tổ chức quốc tế. Vấn đề an ninh mạng không quốc gia nào trên thế giới không phải xử lý. Nếu chỉ một quốc gia cũng không thể giải quyết được mà đòi hỏi có sự đoàn kết thống nhất giữa các quốc gia. Vấn đề mạng đã đi vào mọi mặt của đời sống xã hội và phải bảo đảm kể cả bí mật đời tư của người dân tham gia hoạt động trên không gian mạng chứ không phải chỉ an ninh chung của quốc gia. “Mạng Internet làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp năng suất lao động cao. Không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, Internet vì bất kể lý do gì. Nếu vì bảo đảm an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ đó thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Nhấn mạnh quan điểm cần ứng dụng của Internet nhiều hơn nữa, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn chứng, nước ta đang phát triển Chính phủ điện tử, thời cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, Internet. Tuy vậy, phát triển phải song hành với đảm bảo an ninh, an toàn.
Về dự án luật Bảo vệ BMNN, đại biểu (ĐB) Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hồi xưa nói chuyện liên quan gián điệp, bây giờ vấn đề thấy rất rõ. Vấn đề lộ BMNN và bị hạn chế thông tin BMNN là 2 giác độ hiện nay phải hết sức lưu ý.
Ngoài ra, ĐB Bùi Đặng Dũng nêu vấn đề: “Một chi tiết sức khỏe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước của chúng ta có phải là BMNN không? Nếu đó là BMNN thì chúng ta phải thực hiện theo đúng tính chất của BMNN, còn không phải thì chúng ta hoàn toàn công khai”. ĐB cũng cho rằng, không nên cái gì cũng quy chụp vào BMNN. “Mỗi kỳ đại hội, muốn nắm thông tin, ra quán trà vỉa hè ngồi hỏi một lúc là người ta nói, có những ông phán kinh lắm, người này sẽ làm vị trí này, người kia sẽ làm vị trí kia, khổ là nói lại trúng! Rõ ràng về mặt tổ chức nhân sự là có chuyện lộ BMNN. Lộ ở đâu ra? Tự chúng ta làm lộ bí mật của chúng ta ra. Luật này có điều chỉnh những cái đó hay không?”, ĐB Đặng Bùi Dũng nói.
Trong khi đó, ĐB Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho rằng, thực tiễn lộ lọt BMNN, quốc gia, quốc phòng - an ninh diễn ra khá phổ biến. Do đó, việc xây dựng luật là cần thiết. Về phạm vi điều chỉnh, theo ĐB, trên thực tế danh mục bí mật ở một số ngành, lĩnh vực bao gồm cả tài liệu nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam. Do đó, nên mở rộng phạm vi sang tài liệu bí mật mà tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam.
Ông Vũ Xuân Hùng cũng băn khoăn khi dự thảo giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành lập danh mục BMNN. Bởi lẽ, với 63 tỉnh, thành phố thì có thể xảy ra tình trạng cùng một danh mục nhưng độ mật lại khác nhau tùy thuộc đánh giá của mỗi địa phương, như nơi này “Mật” nhưng nơi kia lại “Tối mật” sẽ gây nên sự không thống nhất.
Từ 1-7-2018, tăng lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng/tháng Ngày 13-11, Quốc hội thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018. Theo đó, Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2018. Nghị quyết nêu rõ: Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở. Quốc hội giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao. Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ. Sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương của mình thực hiện các chính sách, chế độ an sinh xã hội do Trung ương ban hành. Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định. Theo Nghị quyết, trong giai đoạn 2018-2020, các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình, không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ, thì được phép sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư phát triển các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật. |
"Không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, Internet vì bất kể lý do gì. Nếu vì bảo đảm an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ đó thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới” Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm |
B.T tổng hợp