Nghĩa cử đẹp từ đạo lý truyền thống

.

Chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) và tìm về các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa là những phong trào được phụ nữ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ nhiệt tình thực hiện trong thời gian qua.

Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cẩm Lệ tại khu căn cứ cách mạng Hòa Vang.  						Ảnh: TRUNG TRỰC
Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cẩm Lệ tại khu căn cứ cách mạng Hòa Vang. Ảnh: TRUNG TRỰC

Những người con hiếu thảo

Duy trì từ năm 2016 đến nay, phong trào “Phụ nữ Ngũ Hành Sơn với nghĩa cử đẹp” được đông đảo chị em trên địa bàn quận hưởng ứng thực hiện qua việc chăm sóc Mẹ VNAH; tìm về các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa.

Phong trào “Phụ nữ Ngũ Hành Sơn với nghĩa cử đẹp” là s.ự cụ thể hóa từ phong trào Phụ nữ Đà Nẵng nghĩa cử đẹp - sống văn minh. Bắt đầu với phong trào mang đậm tính nhân văn là chăm sóc Mẹ VNAH, cán bộ, hội viên phụ nữ quận thường xuyên thay nhau đến thăm hỏi, động viên, chăm sóc các Mẹ, làm giúp việc nhà, sửa sang bàn thờ liệt sĩ, tổ chức bữa cơm cúng giỗ liệt sĩ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 như những người con hiếu thảo.

“Cứ chủ nhật mỗi tuần, sau khi sắp xếp việc nhà, chị em trong Chi hội lại hẹn nhau mua ít trầu cau, bánh trái đến nhà thăm Mẹ VNAH Huỳnh Thị Chờ. Thành quen, khi chúng tôi chưa đến kịp, Mẹ lại hỏi các con sao bữa nay các chị không đến...”, chị Nguyễn Thị Diện, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Đa Mặn 9, phường Khuê Mỹ chia sẻ.

Chị Phùng Thị Trái (tổ 90, Hải An, phường Hòa Quý) là một trong những điển hình trong phong trào chăm sóc Mẹ VNAH. Bản thân thường xuyên chịu những cơn đau dai dẳng từ vết thương do chiến tranh gây ra, thế nhưng chị vẫn làm tròn việc chăm sóc Mẹ VNAH Phạm Thị Liên, người cô chồng của mình. Mẹ Phạm Thị Liên gánh chịu nỗi đau quá lớn khi mất người chồng và người con trai duy nhất trong chiến tranh nên giờ đây Mẹ hay buồn bực, thế nhưng chị vẫn nhẹ nhàng, lặng lẽ bên cạnh chăm sóc, động viên Mẹ. Mỗi ngày của chị luôn tất bật với công việc mưu sinh, nhưng chưa bao giờ chị sao nhãng việc chăm sóc Mẹ.

Cùng với hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng về mặt tinh thần, các cấp Hội Phụ nữ còn vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và vận động cán bộ, hội viên ủng hộ quỹ thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm giúp đỡ các gia đình đang phụng dưỡng Mẹ VNAH trên địa bàn quận. Hiện 36 Mẹ VNAH còn sống trên địa bàn quận được chính quyền địa phương, các cấp, ngành, cũng như Hội Phụ nữ, gia đình chăm lo chu đáo...

Hành trình ý nghĩa

Với phụ nữ quận Cẩm Lệ, mỗi đợt tìm về di tích lịch sử, văn hóa không chỉ là một chuyến đi, mà còn là hành trình đầy ý nghĩa, hướng về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nằm lặng lẽ bên tán cây cổ thụ, Nghĩa trủng Hòa Vang - nơi yên nghỉ của hơn 1.000 nghĩa sĩ vị quốc vong thân trong ngày đầu kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây cũng là nơi đầu tiên đoàn cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp quận Cẩm Lệ đến dâng hương, tìm hiểu lịch sử. Từ Nghĩa trủng Hòa Vang, các chị lại vượt quãng đường hàng chục kilômét, hành quân về khu căn cứ cách mạng Hòa Vang, thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Khu căn cứ ở độ cao hơn 2.000m nên để đến được địa danh này, các cán bộ, hội viên Hội LHPN quận Cẩm Lệ phải leo hàng trăm bậc thang. Dù vậy, các chị vẫn hăng hái “hành quân” để được chính tay mình dâng nén hương trước tấm bia Tổ quốc ghi công. Nghỉ chân giữa lưng chừng núi, chị Lê Thị Bích Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 10, phường Hòa Phát bồi hồi: “Hầu hết hội viên phụ nữ hôm nay ra đời sau chiến tranh nên mỗi chuyến tìm về di tích lịch sử giúp chị em hiểu hơn, cảm nhận rõ hơn những hy sinh gian khổ cha ông trải qua để có hòa bình, độc lập hôm nay”.
Xuyên suốt hành trình, các chị còn đến thăm các di tích như lăng mộ Thái Thị Bôi, đền Tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang, lăng mộ Ông Ích Khiêm, đình Phong Lệ...

Chị Ngô Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ cho hay, đến nay, Hội LHPN quận đã tổ chức 2 đợt cho 75 chị là ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN quận, Ban Thường vụ Hội LHPN các phường, đơn vị trực thuộc thăm 8 di tích lịch sử; trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp thành phố và 2 di tích khác tại địa phương. Trong khi đó, Hội LHPN các phường cũng tổ chức thăm, dâng hương tại 21 lượt điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố, quận và phường với sự tham gia của 690 lượt người. “Không chỉ giáo dục giá trị truyền thống cho hội viên phụ nữ, thông qua đợt thi đua “Tìm về di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng”, các hội viên phụ nữ còn nhận thức được vai trò, trách nhiệm, cách ứng xử của bản thân đối với di tích, từ đó đóng góp kinh phí để tôn tạo, sửa chữa và dọn vệ sinh tại các khu di tích lịch sử, văn hóa tại các địa phương”, chị Trang nói.

NHƯ Ý - TRUNG TRỰC

;
.
.
.
.
.