Chính trị - Xã hội
Tịch thu, sung công quỹ tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp
Chiều 9-11, Quốc hội (QH) làm việc tại tổ để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra khu vực ngoài Nhà nước, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Quang, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng bày tỏ sự thống nhất với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Chính phủ trình. Theo ĐB, trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực Nhà nước. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước như dự án luật cũng phù hợp với quan điểm của Đảng tại Kết luận 10-KL/TW là “từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước”; quy định của Bộ luật Hình sự về hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài Nhà nước; yêu cầu của Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 41), ĐB Nguyễn Thanh Quang cho rằng, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, chưa bảo đảm cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc diện phải kê khai. Theo ĐB, nguyên nhân là do số lượng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập quá lớn, không đủ khả năng kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, ĐB đồng ý với quan điểm thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, thu nhập nhằm bảo đảm việc kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện kê khai được thuận lợi và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc giới hạn ở đối tượng nào, giữ chức vụ đến đâu thì cần phải cân nhắc thêm. Theo ĐB, cần tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở Trung ương cũng như địa phương, những khu vực có nguy cơ tham nhũng cao (đất đai, tài chính, ngân hàng).
Về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 39), ĐB Nguyễn Thanh Quang tán thành với phương án 2 tại Điều 39 dự thảo luật. Theo ĐB, việc quy định kê khai tài sản theo mức hưởng phụ cấp chức vụ sẽ phân khúc được đối tượng nằm trong diện cần kiểm soát trong việc kê khai và tránh áp dụng thiếu thống nhất khi thực hiện. ĐB Quang cho rằng, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện kê khai; ĐB đề nghị QH nghiên cứu, cân nhắc thêm ý kiến này.
Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (Điều 46), ĐB Nguyễn Thanh Quang tán thành với phương án 1: quy định các bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Theo ĐB, trên thực tế, không phải tất cả đối tượng thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập đều là đảng viên, do đó sẽ có một số đối tượng không phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, để việc kê khai tài sản, thu nhập được thực chất hơn nữa, ĐB đề nghị tại phương án 1 cần quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cư trú của người kê khai để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giám sát. Theo ĐB, đây cũng là ý kiến, kiến nghị của nhiều cử tri thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, ĐB Quang cho rằng, tại khoản 3, Điều 23 dự thảo luật quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được “Tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng…” là đã mở rộng đáng kể đối tượng thuộc diện người thân của lãnh đạo. Tuy nhiên, theo ĐB, quy định này vẫn còn thiếu đối tượng là anh chồng, chị chồng, em chồng, anh vợ, chị vợ, em vợ; đề nghị cần xem xét bổ sung bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ hơn.
Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý, ĐB Quang cho rằng, dự thảo luật chưa quy định chế tài xử lý đối với trường hợp này. Theo ĐB, trên thực tế, nhiều cử tri bày tỏ sự bức xúc và đưa ra các kiến nghị về vấn đề này. Do đó, ĐB đề nghị cần quy định rõ chế tài xử lý đối với tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp theo hướng tịch thu, sung công quỹ. Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng lý giải thêm, hiện nay việc kê khai tài sản không trung thực mới chỉ bị xem xét trách nhiệm dưới phạm trù đạo đức công vụ, dừng lại ở việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. ĐB đề nghị cần xem đây là hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng để xử lý theo quy định.
Trần Vinh