Khó tạo việc làm cho bà mẹ đơn thân

.

Với chương trình hỗ trợ bà mẹ đơn thân của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng (thuộc Sở LĐ-TB&XH), nhiều chị em nghèo được hỗ trợ chi phí sinh đẻ, tham vấn tâm lý để vượt qua khủng hoảng và hướng dẫn kỹ năng nuôi con… Tuy nhiên, làm sao để hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho chị em ổn định cuộc sống còn là vấn đề khó giải quyết.

Đại diện tổ chức Holt và cán bộ công tác xã hội tìm hiểu hoàn cảnh của một bà mẹ đơn thân ở quận Liên Chiểu.
Đại diện tổ chức Holt và cán bộ công tác xã hội tìm hiểu hoàn cảnh của một bà mẹ đơn thân ở quận Liên Chiểu.

Yêu và sống như vợ chồng với anh B., tuy nhiên, đến khi chị X. (32 tuổi, ở quận Liên Chiểu) mang thai thì anh B. đột ngột bỏ đi, để lại chị cùng đứa con nhỏ và cái thai trong bụng đang lớn dần. Gạt nỗi đau để sinh con và nuôi con, chị tưởng trái tim mình sẽ chai sạn trước tình cảm với người khác giới.

Thế nhưng, khi đứa bé thứ hai được 1 tuổi thì chị lại rung động trước sự chăm sóc tận tình về tinh thần và vật chất của một anh kỹ sư xây dựng ở công trường gần đó, để rồi chị lại mang thai. Khi thai ở tháng thứ 3, anh này cũng bỏ đi biệt.

Công việc hằng ngày của chị X. là bán dạo bong bóng, đồ chơi cho trẻ em tại các cổng trường mầm non với thu nhập chỉ từ 70.000 - 100.000 đồng/ngày. Hiện tại, chị sắp đến kỳ sinh nở nên không thể tiếp tục bán hàng rong.

Bế tắc, chị tìm đến Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng để được hỗ trợ sinh con an toàn. Sau đó, chị còn được hỗ trợ 4 triệu đồng để mua bong bóng và đồ chơi để tiếp tục buôn bán.

Tương tự, H. (22 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cũng quyết tâm sống như vợ chồng với người mình yêu, mặc cho gia đình hai bên can ngăn. Thế nhưng, cuộc sống không hôn thú đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn.

Đỉnh điểm là khi chị có thai 3 tháng, người chồng vì nghi ngờ cái thai không phải của mình nên đã bỏ về nhà cha mẹ, để chị H. bơ vơ. Trở về nhà giữa lúc cha mẹ đang lâm bệnh nên chị H. cảm thấy cuộc sống bế tắc. Tìm đến Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng, chị được hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh đẻ và được tham vấn tâm lý sau sinh.

Tuy nhiên, khi trung tâm đặt vấn đề hỗ trợ nghề nghiệp thì chị H. lại không tiếp nhận được. “Biết là cuộc sống khó khăn nhưng mình không có người trông con mà bé còn nhỏ nên chưa thể gửi con để đi làm. Hơn nữa, mình chưa có kinh nghiệm buôn bán nên rất khó lập nghiệp. Đợi con lớn hơn mình sẽ gửi con để đi tìm việc”, chị H. nói.

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho biết, chương trình hỗ trợ bà mẹ đơn thân được triển khai từ năm 2015, qua đó, đã tiến hành hỗ trợ cho gần 30 trường hợp với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Tổ chức Holt. Ngoài các chi phí hỗ trợ phòng trọ, ăn uống, viện phí và các chi phí mua sắm dụng cụ cho mẹ và bé sau sinh, các bà mẹ đơn thân còn được tư vấn những kỹ năng chăm sóc trẻ, tham vấn tâm lý cho người mẹ trong thời gian mang thai và sau sinh vượt qua khủng hoảng, tránh rơi vào chứng trầm cảm sau sinh.

Theo bà Trương Thị Như Hoa, hiện nay có nhiều tổ chức cùng phối hợp giúp đỡ các bà mẹ đơn thân; nhưng với mức hỗ trợ khoảng vài triệu đồng/người thì rất khó giúp được các chị tự tạo việc làm. Hơn nữa, các chị không chỉ cần kinh phí mà còn cần được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm. Vì vậy, rất cần có nhiều câu lạc bộ sinh hoạt để các bà mẹ giao lưu chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau kịp thời.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.