Chính trị - Xã hội

Mô hình cũ, hiệu quả mới

13:07, 11/12/2017 (GMT+7)

Mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) phát triển mạnh, đem lại hiệu quả cao, trở thành một trong những mũi nhọn về phát triển kinh tế tại xã bán sơn địa này.

Ông Phạm Vinh bên vườn chanh không hạt.
Ông Phạm Vinh bên vườn chanh không hạt.

Ông Phạm Vinh, 58 tuổi, ở thôn Hòa Khê suốt ngày tất bật với vườn cây ăn quả rộng hơn 7.000m2. Trong khu vườn này, ông Vinh trồng nhiều loại cây như bưởi, ổi, chè, dừa xiêm, nhưng hiệu quả nhất là 350 cây chanh không hạt, từ nguồn giống hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang. Giống chanh này chỉ trồng hai năm là cho thu hoạch. Quả chanh rất to, bán tại vườn giá 15.000 đồng/kg. “Khi trồng, mình đào hố sâu, bón nhiều phân chuồng hoai mục và 3-4 ngày tưới nước một lần, sau đó thỉnh thoảng bón thêm phân đạm”, ông Vinh chia sẻ.

Được hỗ trợ trồng chanh không hạt vào năm 2014, từ năm 2016 đến nay, ông Vinh đã có sản phẩm bán hằng ngày, trong đó 3 tháng chính vụ vào mùa nắng, mỗi ngày bán được từ 200.000 - 300.000 đồng. Cùng với các loại cây trồng, ông Vinh còn nuôi hàng trăm con gà thả vườn, thường xuyên có bán, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh ở thôn Tùng Sơn lại đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp rộng 2,5 hecta, trồng nhiều loại cây ăn quả và cây nguyên liệu như mít, chuối, chanh, tiêu, sả, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động. Quanh năm trang trại của bà Minh luôn nhộn nhịp các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, hứa hẹn đem lại nguồn thu lớn trong tương lai gần… 

Không chỉ ông Vinh hay bà Minh, ở Hòa Sơn còn có hàng trăm hộ đầu tư cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây cao sản kết hợp chăn nuôi gia cầm, đạt hiệu quả cao, làm cho kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Đặc biệt, tại 3 thôn được chọn xây dựng Thôn kiểu mẫu nông thôn mới (An Ngãi Tây 1, An Ngãi Tây 2 và Hòa Khê) có 4 hộ được huyện hỗ trợ 100% kinh phí mua giống cây trồng để xây dựng các vườn mẫu, qua đó tuyên truyền nhân rộng, đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn. Ông Nguyễn Đình Vân (thôn An Ngãi Tây 1), một trong 4 hộ nêu trên, hồ hởi bộc bạch: Ông được hỗ trợ các loại giống xoài, ổi, đu đủ, bưởi da xanh để trồng trên diện tích 1.000m2, trong đó ổi và đu đủ đã bắt đầu có thu hoạch, mỗi ngày bán được từ 60.000 - 100.000 đồng.

Cùng với đó, mô hình nuôi cá nước ngọt đang phát triển mạnh ở Hòa Sơn và được huyện hỗ trợ từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới. Nổi bật nhất là ông Võ Văn Khoa (thôn An Ngãi Tây 2) với diện tích hồ nuôi hơn 1,3 hecta, mỗi năm thu hoạch hai lứa cá, đạt doanh thu trên 300 triệu đồng/lứa. Thời gian nuôi mỗi vụ cá từ 4-5 tháng, cá càng to thì giá càng cao, nhưng hộ nuôi phải tính toán thu hoạch trước khi mưa lũ tràn hồ. Kỹ thuật nuôi cá không khó, chủ yếu là xử lý hồ trước khi thả giống, cho ăn đúng công thức và thay nước đúng quy trình. Tất cả đều có tài liệu hướng dẫn và được Hội Nông dân xã tập huấn, hướng dẫn kỹ càng. Qua thực tế cho thấy, các hộ nuôi cá ở Hòa Sơn đều có mức sống khá giả, mỗi khi thu hoạch, thương lái đến mua tại hồ và có bao nhiêu cũng bán hết. “Nuôi cá phải siêng năng, cần mẫn, ngoài thức ăn bột, hằng ngày mình phải chịu khó đi cắt cỏ, tìm các nguồn thực phẩm thừa bỏ ở các lò mổ và các chợ đem về băm nhỏ cho cá ăn thì cá mới nhanh lớn”, ông Khoa chia sẻ.

Ông Khoa cho biết, năm 2017, các hộ nuôi cá được huyện nâng mức hỗ trợ lên 50 triệu đồng/hecta, gấp đôi năm 2015. 

Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Trần Kim Đính cho biết, phát huy hiệu quả từ mô hình VAC trên địa bàn, ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới, chính quyền và Hội Nông dân xã còn thường xuyên tổ chức hội nghị đầu bờ, để các hộ trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế VAC, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của bà con nông dân.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.