Chính trị - Xã hội

Người Cơ tu Phú Túc chưa thoát nghèo

16:08, 09/12/2017 (GMT+7)

Thiếu đất rừng để sản xuất, phát triển kinh tế, những năm qua, đồng bào dân tộc Cơ tu ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) rơi vào vòng luẩn quẩn nghèo khó. Để có cái ăn, cái mặt hằng ngày, bà con buộc phải vào rừng đốn mây, chặt củi. Theo Trưởng thôn Phú Túc Đinh Văn Nhôm, toàn thôn có 137 hộ dân, hơn 550 nhân khẩu nhưng còn chưa đến 10 hộ nghèo. Nghe qua con số thì thấy ấn tượng nhưng sự ổn định này không thực chất.

Đồng bào dân tộc Cơ tu mong có thêm đất rừng để mở rộng sản xuất.
Đồng bào dân tộc Cơ tu mong có thêm đất rừng để mở rộng sản xuất.

Ông Nhôm nhẩm tính, ngoài vụ Đông Xuân khi trồi khi sụt, đất đai hầu hết phải bỏ hoang do thiếu nước. Chưa kể hàng trăm hecta đất rừng chỉ trồng được cây keo lai bởi dự án trồng cây mây nước đã chết yểu nhiều năm nay. Hiện có 40 hộ dân thôn Phú Túc không có đất trồng rừng nên chuyện thiếu cái ăn, cái mặc rất dễ xảy ra nếu họ không tìm được việc làm phù hợp.

Cách nhà ông Đinh Văn Nhôm một con dốc là căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Đặng Thà (SN 1984). Không có đất rừng, nguồn thu nhập của gia đình anh phụ thuộc hoàn toàn vào việc đi rừng đốn mây. Rừng hết mây thì anh chuyển sang chặt củi. Anh Thà chia sẻ, đi rừng mỗi ngày là việc bất đắc dĩ, chứ mây bán chỉ chừng 4.000 đồng/ký, củi 2.000 đồng/bó. Giá thành rẻ nên hai vợ chồng bỏ 3 đứa con dại ở nhà để vào rừng cả ngày cũng chỉ kiếm vài chục ngàn đồng. Mỗi ngày cùng vào rừng với vợ chồng anh Thà còn có từ 20 - 30 người trong thôn.

Người không có đất rừng đã khổ, người có vài ba héc-ta đất rừng cũng vất vả không kém. Đất rừng chỉ trồng được keo lai, 5 năm mới cho thu hoạch. Trong 5 năm đó, người dân tìm kế sinh nhai bằng nhiều công việc khác nhau. Chưa kể mưa to, gió lớn có thể làm cây keo gãy đổ bất cứ lúc nào. Những rủi ro đó không ai có thể lường trước được.

Trước thực trạng này, năm 2015, xã Hòa Phú có văn bản đề nghị thành phố giao đất rừng nghèo ở các tiểu khu 56, 57, 58 để dân phát triển kinh tế rừng, hạn chế cháy rừng và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên sau đó, UBND thành phố có văn bản trả lời diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại 3 tiểu khu nói trên được quy hoạch là rừng sản xuất và rừng phòng hộ sông Lỗ Đông, không đáp ứng được việc trồng rừng do có độ dốc lớn, độ cao tuyệt đối ≥ 400m, lại xa đường quốc lộ.

Theo ông Đinh Văn Nhôm, trên địa bàn xã Hòa Phú từ năm 1980 đến nay có nhiều dự án lâm nghiệp (trồng rừng) như dự án PAM, chương trình 327, dự án 661 và các dự án lâm nghiệp khác. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, diện tích rừng trồng PAM và chương trình 327 hiện nay không còn. Dự án 661 (hỗn giao keo và cây bản địa) được trồng từ năm 1999-2006, Chi cục Kiểm lâm đã phân giao trách nhiệm quản lý bảo vệ cho Hạt Kiểm lâm Hòa Vang từ năm 2012 đến nay.

Với cương vị trưởng thôn Phú Túc nhiều năm, ông Đinh Văn Nhôm mong muốn người dân sớm thoát khỏi khó khăn do không có đất canh tác, đất lâm nghiệp quá ít, một số ngành nghề đã triển khai đều không đạt kết quả như mong đợi. Chưa kể do vướng các dự án xây dựng nông thôn mới nên nhiều hộ dân chưa thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm trong vườn sang đất ở để cắt đất hoặc cho con cái mới lập gia đình ra ở riêng. Với những khó khăn này, họ mong chính quyền sớm tìm giải pháp thích hợp và hiệu quả nhất nhằm giúp đời sống kinh tế bà con ngày một phát triển.

TIỂU YẾN

.